Abenomics Mất Tác Dụng, Kinh Tế Nhật Bên Bờ Vực Suy Thoái

20 Tháng Mười Một 20197:45 SA(Xem: 4971)
Abenomics Mất Tác Dụng, Kinh Tế Nhật Bên Bờ Vực Suy Thoái
Abenomics Mất Tác Dụng, Kinh Tế Nhật Bên Bờ Vực Suy Thoái

Ông Shinzo Abe có thể sẽ trở thành vị Thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Nhật Bản, nhưng ông cũng có thể chứng kiến nền kinh tế đất nước rơi vào một cuộc suy thoái mà chiến lược chấn hưng tăng trưởng Abenomics của ông khó lòng xoay chuyển được tình thế.

Khoảng giữa tháng 11/2019, số liệu công bố cho thấy kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong 1 năm trong Quý 3, khi thương chiến Mỹ-Trung và nhu cầu toàn cầu suy giảm gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của đất nước.

Dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa?

Theo trang Reuters, đang có một sự đồng thuận gia tăng trong giới chuyên gia rằng kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng âm trong Quý 4 2019, khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế tiêu thụ và tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung lan rộng hơn. Các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát dự báo kinh tế Nhật Bản suy giảm 2.5% trong Quý 4 2019 và hồi phục với mức tăng 0.6% trong Quý 1 2020, đủ để thoát một cuộc suy thoái.

Ông Kozo Yamamoto, một nhân vật có ảnh hưởng trong Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của ông Abe, phát biểu: “Nguy cơ kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái là rất lớn”. Một câu hỏi đặt ra lúc này là điều gì có thể giúp kinh tế Nhật tránh khỏi nguy cơ đó?

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan) không có nhiều dư địa để hành động sau nhiều năm quyết liệt nới lỏng chính sách.

Ông Yamamoto cho rằng câu trả lời có thể là Chính phủ Nhật tăng chi tiêu: “Chính phủ phải phát hành thêm trái phiếu để chi tiêu. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể mua số trái phiếu đó”, và cho rằng ông Abe cần soạn thảo một kế hoạch ngân sách bổ sung ít nhất 5,000 tỷ Yên, tương đương 46 tỷ USD.

Nhưng Chính phủ Nhật bị hạn chế trong việc tăng chi tiêu công bởi đất nước đang mang gánh nặng nợ nần lớn nhất trong số các quốc gia công nghiệp phát triển. Chưa kể, Nhật Bản còn thiếu lao động phổ thông để thực hiện các dự án công. Đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhật Bản có thể giảm xuống sau Thế vận hội Tokyo 2020, trong lúc Chính phủ đang chật vật thúc đẩy cải cách cơ cấu trong nền kinh tế.

Hiệu ứng Abenomics nhạt dần

Thực tế cho thấy, nhiều năm liên tiếp chi tiêu công mạnh tay và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết liệt in tiền để bơm vào nền kinh tế cũng không đủ sức đưa lạm phát ở Nhật Bản đạt mục tiêu 2% mà ngân hàng đã đề ra. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo giờ đây hầu như chẳng còn phương tiện hữu hiệu nào để chống chọi với cuộc suy thoái tiếp theo xảy đến với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Sau khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe vào năm 2013 đã công bố Abenomics với 3 "mũi tên" nhằm đưa kinh tế Nhật thoát khỏi nhiều thập kỷ tăng trưởng trì trệ, bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu. Cho đến hiện tại, chiến lược chấn hưng tăng trưởng của ông Abe đã giúp tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản tăng thêm tổng cộng 8.6%.

Ngoài ra, đồng Yên giảm giá, một phần nhờ Abenomics, đã mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các công ty xuất khẩu Nhật Bản. Năm 2018, giá cổ phiếu của các nhà xuất khẩu hàng đầu Nhật Bản đạt mức cao nhất 27 năm. Nhưng đến 2019, những hiệu ứng tích cực đó của Abenomics đã nhạt dần.

Tháng 10/2019, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên lãi suất cho dù rủi ro từ môi trường bên ngoài gia tăng. Thống đốc Ngân hàng Haruhiko Kuroda nói rằng B Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể hạ tiếp tục nới lỏng chính sách nếu cần thiết, nhưng sẽ thận trọng với những hiệu ứng tiêu cực ngày càng lớn của việc nới lỏng kéo dài, chẳng hạn ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Thay vào đó, ở Nhật Bản cũng như tại nhiều nền kinh tế khác, giới phân tích đang tập trung nhiều hơn vào việc chính sách tài khóa có thể làm gì để kích thích tăng trưởng. Thống đốc Kuroda cũng cho rằng chi tiêu công có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc kích cầu, trong lúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ lãi suất cho vay ở mức thấp.

Rào cản từ lực lượng lao động

Ông Kuroda nói: “Nếu Chính phủ nhận thấy sự cần thiết phải sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ có nhiều tác dụng hơn là triển khai riêng rẽ các biện pháp tài khóa và tiền tệ”.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Nhật Bản cũng không còn nhiều dư địa để tăng mạnh chi tiêu công. Nợ công của họ đã lớn gấp đôi quy mô của nền kinh tế. Ngoài ra, giới phân tích cũng nghi ngờ về tác dụng mà việc tăng chi tiêu công có thể mang lại cho kinh tế Nhật hiện nay.

Một số nghị sĩ Nhật Bản kêu gọi chi 5-10,000 tỷ Yên cho một gói kích thích kinh tế nữa mà ông Abe đang yêu cầu nội các của ông soạn thảo. Nhưng nhiều nhà phân tích nói một gói kích cầu như vậy chưa chắc đã có tác dụng gì. Từ năm 2013 đến 2019, Chính phủ của ông Abe đã chi gần 30,000 tỷ Yên cho 4 gói kích cầu như vậy, mà hiệu quả đối với nền kinh tế chẳng đáng là bao. Một vấn đề lớn chính là việc các dự án công của Nhật Bản rất khó thực hiện do tình trạng thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng, một phần do dân số lão hóa.

Các nhà phê bình cho rằng chính quyền của ông Abe dành nhiều năm cố kích thích nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ chỉ nhằm mục đích trì hoãn việc cải tổ thị trường lao động và những biện pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho Nhật Bản trong lĩnh vực sáng tạo công nghệ.

Ông Kouhei Ohtsuka, một cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, hiện là một thành viên đảng đối lập, phát biểu: “Nhật Bản đã tự nhấn chìm mình trong những chính sách kinh tế vĩ mô cũ kỹ mà không chịu thay đổi để thích nghi với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường toàn cầu”. Ông đặc biệt lo ngại về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục in tiền để mua trái phiếu do Chính phủ Nhật Bản phát hành, cho rằng cách làm này lặp lại chính sách không hiệu quả mà Tokyo đã theo đuổi mấy thập kỷ qua. Ông nhận định: “Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã sử dụng cách làm như hiện nay từ nhiều năm trước. Hiện nay, chính sách như vậy rất vô vọng”.

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).