Các Nhà Khoa Học Trung Quốc Đang Tạo Ra Những Con Khỉ Có Bộ Não Giống Người

24 Tháng Tư 20195:00 SA(Xem: 5923)
Các Nhà Khoa Học Trung Quốc Đang Tạo Ra Những Con Khỉ Có Bộ Não Giống Người
Các Nhà Khoa Học Trung Quốc Đang Tạo Ra
Khoảng cuối tháng 04/2019, trong một động thái khoa học gây tranh cãi mới sau vụ việc 2 bé gái chỉnh sửa gen, các nhà khoa học Trung Quốc lại vừa tạo ra một giống khỉ biến đổi gen đặc biệt. Những con khỉ mang gen não người có ký hiệu là MCPH1, có thể cho phép chúng phát triển một trí thông minh tương tự như con người.

Nghe có vẻ là một đặc ân khi những con khỉ được nâng cấp trí tuệ, nhưng nghiên cứu mới thực sự gây ra những vấn đề về đạo đức khoa học. Gen MCPH1 được cấy vào những con khỉ có thể làm khó cho số phận và chính sự tồn tại của nó. Câu hỏi được đặt ra là: Với một bộ não mang trí thông minh của con người, nó có chịu sống trong hình hài một con khỉ hay không?

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 03/2018 trên tạp chí National Science Review, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thu thập các bản sao  gen MCPH1 của con người và đưa nó vào phôi khỉ bằng một loại virus làm việc như công cụ chỉnh sửa gen.

MCPH1 là gen đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ của chúng ta. Nó được mong đợi sẽ kích thích bộ não khỉ phát triển theo hướng "tiến hóa" để giống với con người hơn. Trong số 11 con khỉ thuộc giống Macaca biến đổi gen mà các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra, có 6 con đã chết. Năm con khỉ còn sống đã trải qua một loạt các xét nghiệm, bao gồm quét não MRI và kiểm tra trí nhớ. Các xét nghiệm xác nhận bộ não của những con khỉ chỉnh sửa gen không lớn hơn những con khỉ Macaca bình thường. Nhưng chúng đã thực sự phát triển trong thời gian dài hơn và có được các chức năng cải tiến hơn bao gồm trí nhớ ngắn hạn.

Các nhà khoa học Trung Quốc hào hứng cho biết nghiên cứu của họ là nỗ lực đầu tiên thử nghiệm những gen não người trên khỉ. Một phần của nghiên cứu được cho là sẽ giúp khoa học giải quyết một câu hỏi quan trọng trong tiến hóa: Khác với các loài linh trưởng khác, con người đã phát triển trí thông minh đỉnh cao như thế nào? Điều gì cho phép chúng ta tiến hóa theo cách mà các loài linh trưởng khác không thể?

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nghi ngờ gen MCPH1 là một phần của câu trả lời. Nhưng họ chắc chắn là chưa dừng lại ở đó.

Nhà di truyền học Bing Su tại Viện Động vật học Côn Minh, trả lời MIT Technology Review rằng ông đã thử nghiệm cả các gen khác liên quan đến tiến hóa não bao gồm SRGAP2C, một biến thể DNA xuất hiện khoảng hai triệu năm trước, khi loài vượn Australopithecus đang dần nhường lại các thảo nguyên tươi tốt ở Châu Phi cho những chủng người hình thành sớm. Loại gen được mệnh danh là "công tắc nhân tính", có thể đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của trí thông minh con người. Giáo sư Su cho biết ông cũng đã tạo ra những con khỉ mang gen SRGAP2C, nhưng kết quả nghiên cứu chưa được công bố.

Ngoài ra, một gen có tên là FOXP2 cũng đang được ông để ý đến. Những mã code trong gen có thể chính là thứ đã ban cho chúng ta khả năng ngôn ngữ. Năm 2016, giáo sư Su từng nói với tạp chí Nature về khả năng tích hợp nó vào khỉ: “Tôi không nghĩ những con khỉ có thể nói chuyện ngay được, nhưng chúng sẽ có một số thay đổi về mặt hành vi”. Phát biểu làm dấy nên mối lo ngại về một con dốc trơn trượt trong khoa học: Nếu chúng ta mất kiểm soát khi tạo ra một sinh vật giống người hơn một chút, chúng ta sớm muộn sẽ tuột xuống một con dốc, nơi có điểm cuối chứa những con vật rất rất giống với con người được tạo ra.

Và đó chắc chắn sẽ là một rắc rối lớn.

Thay đổi hành vi và trí thông minh của khỉ làm nảy sinh các vấn đề đạo đức

Mọi người có thể nghĩ: “Sẽ thật tuyệt vời nếu các nhà khoa học giúp lũ khỉ tăng được trí thông minh vốn có của chúng. Đó sẽ là một ưu ái với loài linh trưởng”. Nhưng không, những con khỉ sẽ không hạnh phúc hơn khi chúng mang trí thông minh của loài người, trong khi bị giam trong các phòng thí nghiệm. Theo nhà sinh vật học Jacqueline Glover của Đại học Colorado, việc nhân cách hóa những con khỉ sẽ gây hại cho chúng. Những "con khỉ-người" sẽ sống ở đâu và "họ" sẽ làm gì? Đừng tạo ra một sinh vật mà chúng không thể sống được một cuộc đời có ý nghĩa!

Trong một bài báo năm 2010 có tiêu đề “Đạo đức về việc sử dụng các loài linh trưởng biến đổi gen không phải người, để nghiên cứu đâu là thứ biến chúng ta thành con người”, Glover và các đồng tác giả của đã viết rằng việc thêm gen não người vào các loài vượn (như tinh tinh) là vô đạo đức.

Giáo sư Su nói với MIT Tech Review rằng ông đồng ý với nhận định trên vì xét cho cùng tinh tinh và con người có chung tổ tiên gần và DNA giống nhau tới 98%. Nhưng ông nhấn mạnh rằng loài khỉ lại là vấn đề khác. Khỉ không phải vượn, và chúng có tổ tiên chung với chúng ta từ tận 25 triệu năm trước. Điều này khiến giáo sư Su nghĩ rằng các tính toán đạo đức học trên vượn không thể áp dụng với khỉ.


Theo giáo sư Su, dù bộ gen của khỉ rất giống với chúng ta, nhưng cũng có hàng chục triệu sự khác biệt trong đó. Một số gen người được cấy vào khỉ chưa thể khiến chúng khác đi nhiều, đặc biệt là trở thành con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với lập luận của giáo sư Su. Một trong số những người phản đối điều này là giáo sư nhân chủng học Barbara J. King tại Đại học William and Mary. Trong một email, giáo sư King gọi thử nghiệm của các nhà khoa học Trung Quốc là một cơn ác mộng về đạo đức: “Lượng khỉ biến đổi gen bị chết – 6 con- nhiều hơn lượng sống sót, vì vậy ngay lập tức, chúng ta thấy rằng quy trình thường gây ra cái chết. Liên quan đến năm con khỉ sống sót, chúng sẽ tiếp tục sống như thế nào, thay đổi như thế nào khi bị giam cầm trong phòng thí nghiệm? Trong môi trường hoang dã, những con khỉ sẽ sống theo kiểu mẫu hệ, tập trung quanh các nhóm con cái có quan hệ xã hội chặt chẽ. Chúng khám phá thế giới với trí thông minh và sự tò mò. Chúng ta có quyền gì để khiến những loài linh trưởng phải tuân theo những thí nghiệm kỳ cục kiểu này? Chi phí cho những nghiên cứu như vậy cũng rất lớn, nhưng chúng chẳng đem lại lợi ích gì cho nhân loại. Ngày càng có bằng chứng cho thấy các mô hình động vật đơn giản không thể được sử dụng để nghiên cứu các quá trình phức tạp của con người”.

Thực tế, động vật linh trưởng thường được sử dụng trong các nghiên cứu bệnh học, nhằm tìm hiểu quá trình bệnh tật diễn ra như thế nào giúp chúng ta tìm ra cách điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là có một sự khác biệt giữa việc lây bệnh cho một con khỉ bình thường và cho một con khỉ có trí thông minh giống con người. Rõ ràng, nếu truyền mầm bệnh cho động vật, ta sẽ gây hại cho động vật đó. Nhưng ta không thay đổi bản chất cơ bản của con vật. Ngược lại, việc thêm gen não của con người vào một con khỉ sẽ giúp thay đổi căn bản cách con khỉ nhận thức và tương tác với thực tế. Vì vậy, ngay cả khi ta nghĩ rằng nó có thể chấp nhận được về mặt đạo đức (khi thực hiện thử nghiệm trên khỉ với danh nghĩa giúp điều trị bệnh cho con người), thí nghiệm của giáo sư Su vẫn là một bước nhảy vọt.

Rốt cuộc, mục đích của thí nghiệm đó là tạo ra được những con khỉ giống con người hơn. Giáo sư Su có quyền nói rằng khỉ và người có hàng chục triệu sự khác biệt trong gen. Nhưng nghiên cứu chuyển gen mà ông thực hiện là nhằm loại bỏ một vài trong số những khác biệt đó. Sau bao nhiêu nỗ lực xóa bỏ sự khác biệt, một con khỉ sẽ biến thành một con người? Không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó.

Trung Quốc đặc biệt cởi mở trong nghiên cứu động vật linh trưởng

Thật khó để tưởng tượng một nghiên cứu như của giáo sư Su có thể được bật đèn xanh ở Mỹ, nơi những nghiên cứu linh trưởng đang được xem xét rất kỹ lưỡng, một phần nhờ vào những người ủng hộ quyền động vật. Ngược lại, Trung Quốc thể hiện sự cởi mở hơn nhiều đối với loại hình nghiên cứu đó. Họ có những cơ sở khổng lồ nuôi khỉ thí nghiệm, thậm chí xuất khẩu tới hàng chục nghìn con ra nước ngoài mỗi năm.

Khi nói đến việc nghiên cứu khỉ, một nhà nghiên cứu sẽ tiết kiệm được nhiều hơn khi họ thực hiện công việc của mình ở Trung Quốc, như phóng viên Sarah Zhang của trang Atlantic đã báo cáo năm 2018: “Một con khỉ tiêu chuẩn ở Trung Quốc có giá khoảng 1,500 USD, so với khoảng 6,000 USD ở Mỹ. Chi phí thực phẩm và chăm sóc hàng ngày cũng thấp hơn. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến một cuộc bùng nổ những thí nghiệm di truyền trên khỉ. Tại Côn Minh, Thượng Hải và Quảng Châu, các nhà khoa học đã tạo ra những con khỉ được chỉnh sửa gen để mang các dấu hiệu của bệnh Parkinson, chứng loạn dưỡng cơ Duchenne, chứng tự kỷ, v.v.”

Do việc tiến hành các nghiên cứu linh trưởng tương đối dễ dàng ở Trung Quốc, một số nhà khoa học Mỹ cũng thường xuyên đến Trung Quốc để nghiên cứu khỉ. Như Zhang chỉ ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Emory của Mỹ đã hợp tác với các nhà khoa học ở Trung Quốc để nghiên cứu khỉ biến đổi gen.

Nghiên cứu của giáo sư Su cũng thực trong sự hợp tác với Martin Styner, một nhà khoa học máy tính đến từ Đại học Bắc Carolina. Dù vậy, Styner nói với MIT Tech Review rằng sự tham gia của ông ấy rất hạn chế, thậm chí Styner đang cân nhắc việc rút tên khỏi nghiên cứu vì tin rằng đó không phải là một hướng đi tốt. Các nhà khoa học đạo đức cho rằng, dù Mỹ không bật đèn xanh cho các nghiên cứu như của giáo sư Su, việc các trường đại học Mỹ hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc trong các thí nghiệm như vậy và tương tự vẫn có thể được coi là đồng lõa, nếu các nghiên cứu gây ra bất kỳ tác hại về mặt đạo đức nào.

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).