Với mục đích hướng công dân đến những hành vi tốt, Trung Quốc đã tạo ra hệ thống chấm điểm công dân – một chương trình toàn quốc dựa trên công nghệ giám sát hành vi. Theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc, mục đích cao nhất của hệ thống là "cho phép những người đáng tin cậy có thể đi khắp mọi nơi trong khi những kẻ không đáng tin sẽ không thể đi nổi một bước."
Hệ thống chấm điểm công dân sẽ thưởng điểm cho các hành vi tốt như đóng góp cho quỹ từ thiện hoặc đưa người lạ đi viện. Bên cạnh đó, nó cũng trừng phạt các hành vi xấu như không trả nợ, chơi điện tử quá mức, nói xấu chính phủ, hoặc thậm chí không chịu quét dọn vỉa hè trước cửa nhà, hay hút thuốc và nghe nhạc quá to trên tàu điện,…
Việc trừng phạt có thể rất nặng nề như cấm rời khỏi đất nước, không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không được vào khách sạn, không được làm các công việc có lương cao, hoặc cho con tới trường tư học. Thậm chí, họ còn có thể phải dùng Internet tốc độ chậm hoặc bị bêu rếu và kỳ thị công khai dưới nhiều hình thức khác nhau, ngay cả trên mạng xã hội. Bắt đầu được thực hiện từ năm 2014, dự kiến hệ thống sẽ được triển khai trên toàn Trung Quốc vào năm 2020 để trở thành một hệ thống chấm điểm duy nhất trên toàn quốc.
Cách thức hoạt động và phạm vi áp dụng của hệ thống chấm điểm công dân khiến nhiều người phương Tây cảm thấy thật đáng sợ khi nó đụng chạm đến các quy tắc đạo đức cũng như luật lệ của họ. Tuy nhiên, ít người biết được rằng, có một hệ thống tương tự như vậy đang được phát triển ngay trên nước Mỹ, với sự tham gia của những hãng công nghệ hàng đầu thung lũng Silicon. Nó là kết quả trong chính sách người dùng của ngành công nghệ tại Thung lũng Silicon và một phần khác là do việc giám sát hoạt động mạng xã hội của các công ty tư nhân.
Các công ty bảo hiểm
Đầu năm 2019, thành phố New York đã cho phép các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể tính phí bảo hiểm dựa trên những các bài đăng của mọi người trên mạng xã hội. Ví dụ, việc chụp ảnh cho thấy một người đang trêu chọc một con gấu xám với cốc rượu trên tay, hay ảnh đang hút thuốc, có thể khiến họ phải trả phí cao hơn. Ngược lại nếu người dùng đăng ảnh đang tập yoga lên Facebook, số tiền phí họ phải trả có thể được giảm xuống.
Tuy nhiên, điều này cũng giống như phần mở rộng của bảng câu hỏi mà khách hàng thường trả lời mỗi khi ghi danh mua bảo hiểm nhân thọ. Chẳng hạn với câu hỏi quý vị có thích leo núi hay tham gia các môn thể thao mạo hiểm không, nếu trả lời là "không" nhưng lại đăng ảnh đang leo núi El Capitan, câu trả lời sẽ là có.
PatronScan
Một công ty có tên PatronScan đang bán các sản phẩm – máy kiosk bán hàng, máy tính desktop và các hệ thống cầm tay – được thiết kế để giúp các quán bar, nhà hàng quản lý khách hàng. Các sản phẩm có thể giúp phát hiện các ID giả và những kẻ gây rối. Trên trang web của mình, công ty cho biết họ đã lập nên một danh sách những người bị loại bỏ vì "các hành vi đánh nhau, tấn công tình dục, ma túy, trộm cắp, và các hành vi xấu khác". Danh sách sẽ được chia sẻ "công khai" giữa các khách hàng của PatronScan, nên một người bị cấm tại quán bar ở Mỹ cũng có thể bị cấm ở các quán bar tại Anh, Canada – những nơi đang sử dụng hệ thống của PatronScan.
Uber và AirBnb
Các công ty đại diện cho nền kinh tế chia sẻ đang khiến việc đi lại và du lịch của mọi người trở nên dễ dàng hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta trở nên khốn khổ một cách dễ dàng không kém. Với tuyên bố cho biết đang có hơn 6 triệu địa điểm trong hệ thống của mình, việc bị cho vào danh sách cấm của Airbnb có thể khiến ta mất đi nhiều lựa chọn khi du lịch. Airbnb có thể vô hiệu hóa tài khoản của người dùng vì bất cứ lý do nào họ muốn, và họ có quyền không phải thông báo cho người dùng biết lý do. Việc bị cấm có thể vì chủ nhà nói với Airbnb về điều gì đó mà họ tin rằng người dùng đã làm trong khi ở lại đó. Không chỉ Airbnb, các đối thủ của họ cũng áp dụng chính sách tương tự.
Hoặc chúng ta cũng có thể bị Uber cấm cửa. Điều ít người biết khi đi Uber là bản thân tài xế cũng nhận được lời mời đánh giá hành khách. Theo chính sách mới của công ty từ tháng 05/2019, nếu điểm của người dùng "thấp hơn đáng kể mức trung bình", Uber sẽ cấm họ sử dụng dịch vụ.
Người dùng cũng có thể bị cấm sử dụng ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Ví dụ, người dùng có thể bị cấm trên WhatsApp nếu có quá nhiều người block họ. Hoặc cũng có thể bị cấm nếu gửi tin nhắn spam, các thông điệp đe dọa, tìm cách hack hoặc đảo ngược kỹ thuật của WhatsApp, hoặc sử dụng dịch vụ thông qua một ứng dụng không được cấp phép.
Chấm điểm công dân có hoàn toàn sai trái không?
Không ai thích các hành vi chống đối xã hội, bạo lực, thô lỗ, thiếu lành mạnh, ích kỷ hoặc nguy hiểm chết người. Vậy tại sao những hệ thống sử dụng công nghệ mới để khuyến khích người dùng tới các hành vi tốt thường không được mọi người ưa thích?
Lý do của điều này có lẽ nằm trong bản chất của những hệ thống. Những người được xem là tội phạm không được xét xử bởi hệ thống pháp luật, có nghĩa là không có suy đoán vô tội, không có đại diện pháp lý, không có thẩm phán và cũng không được kháng cáo. Nói cách khác, nó là một hệ thống pháp lý, nơi bị cáo có ít quyền hạn hơn.
Trong khi số lượng các "đặc quyền" xã hội liên quan đến các dịch vụ như vận tải, lưu trú, liên lạc và mức phí chúng ta phải trả cho nó, đang ngày càng tăng, phần lớn trong số chúng hoặc đang bị các công ty công nghệ kiểm soát hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch vụ công nghệ mà chúng ta sử dụng. Đáng lo ngại hơn, các quy tắc của Thung lũng Silicon để được phép sử dụng dịch vụ của họ cũng ngày càng khắt khe hơn.
- Từ khóa :
- Silicon
Gửi ý kiến của bạn