
Tính đến khoảng cuối tháng 11/2017, Châu Âu có nền kinh tế ngang hàng với Mỹ và dân số thì gấp đôi, nhưng hoạt động đầu tư mạo hiểm ở Châu Âu chỉ bằng khoảng 20%. Tuy nhiên, khoảng cách đang được thu hẹp dần với việc các nhà đầu tư ở Châu Âu ngày càng chấp nhận nhiều rủi ro hơn.
Trong nhiều thập kỷ, Thung lũng Silicon đã đóng vai trò là nơi thu hút các doanh nhân và nhà đầu tư trên khắp thế giới và hàng tỷ USD tiền đầu tư vào nền kinh tế Mỹ, cũng như những người tài giỏi, thông minh nhất đến với quốc gia Bắc Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi các trung tâm khởi nghiệm ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều tìm cách bắt chước sự thành công của Thung lũng Silicon.
Một số yếu tố đã cản trở nhiều công ty công nghệ Châu Âu đạt được sự thống trị như các công ty của Mỹ. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy một bước ngoặt đã xảy ra. Theo một báo cáo mới, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái ở Châu Âu hiện đã trưởng thành.
Lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở Mỹ ra đời vào những năm 1960 và 1970. Điều này có nghĩa là nó có xuất phát điểm sớm hơn một vài thập kỷ so với lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở Châu Âu. Không có gì ngạc nhiên khi lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở Mỹ phát triển hơn, với quy mô, chiều sâu và ảnh hưởng lớn hơn so với ở Châu Âu.
Tuy nhiên, hơn 50% các công ty Châu Âu đã hoạt động hơn 12 năm, cũng có nghĩa là hiện nay có nhiều nhà quản lý quỹ giàu kinh nghiệm – những người đã chứng kiến nhiều chu kỳ lên xuống của nền kinh tế, tích lũy được bảng thành tích nổi bật và kiến thức chuyên ngành. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư hơn so với 10 năm trước. Theo số liệu của Invest Europe, các quỹ đầu tư mạo hiểm Châu Âu đã huy động được 6.4 tỷ Euro vào năm 2016 – kỷ lục trong vòng 9 năm trở lại đây.
Trước đó, các quỹ của Châu Âu có quy mô nhỏ hơn đáng kể so với các quỹ ở Mỹ, nhưng các quỹ lớn hơn đang trên đà phát triển. 30% nguồn vốn huy động vào năm 2016 của các công ty Châu Âu có giá trị hơn 100 triệu Euro. Tuy EU là thị trường đơn nhất lớn nhất thế giới, đầu tư và phát triển các công ty ở Mỹ lại gặp ít rào cản hơn ở Châu Âu. Ủy ban Châu Âu đang giải quyết vấn đề bằng kế hoạch Liên minh Các Thị trường Tài chính, bao gồm các hoạt động giảm bớt các rào cản đối với đầu tư xuyên biên giới và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn đầu tư cho các startups cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sự đa dạng của Châu Âu cũng đem lại nhiều lợi thế. Tuy thiếu một khu vực thống trị duy nhất như Thung lũng Silicon, Châu Âu vẫn tự hào về các trung tâm công nghệ từ A (Amsterdam) đến Z (Zurich) đang phát triển mạnh mẽ. Các công ty nằm trong các trung tâm công nghệ đang quốc tế hóa một cách nhanh chóng và có khả năng xử lý các ngôn ngữ và tiền tệ khác nhau.
Vị thế của London là một trung tâm ngân hàng toàn cầu đã giúp thúc đẩy sự phát triển của nhiều công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ mang tính đột phá như WorldPay, TransferWise và Funding Circle. Trong khi đó, các thành công trong lĩnh vực game ở Bắc Âu như Supercell, King và Rovio đã củng cố danh tiếng là nơi sản sinh ra các ngôi sao công nghệ của khu vực.
Theo Invest Europe, các công ty công nghệ thông tin và truyền thông trên khắp Châu Âu đã nhận được tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm cao nhất ở châu lục vào năm 2016 (44%), theo sau là các startup công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe (27%). Nhiều startups về công nghệ ở Châu Âu đang dẫn đầu trong các lĩnh vực như công nghệ nền tảng, bao gồm trí thông minh nhân tạo AI, công nghệ thực tế ảo và tương tác thực tế, robotics và mạng lưới vạn vật kết nối Internet. Châu Âu là nhà của 8 trong số 10 thị trường sáng tạo nhất thế giới, với 3 vị trí đứng đầu thuộc về Thụy Sĩ, Thụy Điển và Hà Lan.
Các nhà đầu tư mạo hiểm Châu Âu có thể đầu tư các công ty sáng tạo ở châu lục với định giá thấp hơn so với các công ty tương ứng ở Mỹ, do cạnh tranh đầu tư ở Mỹ gay gắt hơn. Các công ty trị giá hàng tỷ USD ở Mỹ được định giá trung bình gấp 46 lần doanh thu hàng năm của chúng, trong khi con số của các công ty lớn ở Châu Âu chỉ là 18 lần.
Tuy chịu thua thiệt so với các công ty ở Mỹ, vẫn có những công ty ở Châu Âu có giá trị khá ấn tượng. Ở Đức, dịch vụ giao đồ ăn Delivery Hero đã được định giá 5.1 tỷ USD, còn cổng thông tin xe đã qua sử dụng Auto1 trong vòng gọi vốn mới nhất đã huy động được 2.9 tỷ USD. Supercell đã được mua lại bởi tập đoàn Tencent của Trung Quốc với giá 8.7 tỷ USD, trong khi đó, một công ty game khác của Phần Lan là Rovio, nhà sản xuất game Angry Birds, chuẩn bị IPO vượt mức 1 tỷ Euro.
Đối với các nhà đầu tư, yếu tố quyết định chính để đầu tư mạo hiểm vào Châu Âu là lợi nhuận mà nó đem lại. Ở Anh, các quỹ đầu tư mạo hiểm năm 2016 ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2003. Quỹ đầu tư Châu Âu là nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất ở chính châu lục. Số liệu đầu tư mạo hiểm của tổ chức vào năm 2016 cho thấy lợi nhuận hấp dẫn trong môi trường đầu tư với lãi thấp ở thời điểm hiện tại, với lợi nhuận ròng trung bình trong giai đoạn 3 năm là 12.2%/năm. 30 quỹ đầu tư hàng đầu đã thu về lợi nhuận ròng 27%/năm kể từ năm 2007.
Dù vậy, Châu Âu vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp Thung lũng Silicon, nhưng với các lợi thế mới, các nhà đầu tư toàn cầu nên tìm đến Châu Âu để khai thác các cơ hội mà thị trường này đang cung cấp.
- Từ khóa :
- Thung Lũng Silicon Valley
- ,
- Châu Âu
Gửi ý kiến của bạn