Apple đã thành công với nhiều sản phẩm trong lịch sử, chẳng hạn như iMac G3, iPod và gần đây nhất là iPhone, sản phẩm tuy chỉ 10 năm tuổi nhưng đã giúp Apple trở thành công ty nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, rõ ràng khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh, một thiết bị như iPhone không đủ để giúp Apple đứng vững ở vị trí dẫn đầu trong thời gian dài. Dù không có được lợi thế về thương hiệu như Apple nhưng các đối thủ cạnh tranh khác lại có lợi thế về sự mới mẻ và chiến lược tiếp cận người dùng bài bản không kém.
Hầu hết các hãng smartphone mới nổi hoặc đang dần có vị thế đều tập trung đánh vào phân khúc thấp hơn trước để lấy lòng tin ở khách hàng trước khi dần tiến lên các model cao cấp hơn. Nhưng đặc biệt các sản phẩm cao cấp của họ lại sở hữu mức giá rẻ hơn gấp nhiều lần so với iPhone của Apple. Đặc biệt, nếu thị trường xuất hiện nhiều biến động lớn, có thể gây ảnh hưởng đến thị hiếu và nhu cầu của khách hàng thì chiến lược lại càng phát huy tác dụng cao nhất, qua đó đẩy Apple vào thế bị động do đứng một mình ở phần ngọn trong phân khúc giá.
Thậm chí ngay cả khi Apple tung ra iPhone XR với mức giá rẻ hơn tới 200 USD ở thị trường Mỹ, máy cũng không được coi là "giá rẻ" ở các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc với mức giá khởi điểm lên tới 950 USD. Như vậy, gần như Apple đã thất bại toàn tập trong chiến lược mở rộng phân khúc giá bán.
Điều khó hiểu là Apple lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của 2 model iPhone 5c và SE. Đó chính là bài học nhãn tiền đau xót nhất của Apple khi hãng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng xuống các phân khúc thấp hơn, nhưng lại không dám liều lĩnh hạ giá quá thấp vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu.
Chiến lược sản phẩm sai lầm có thể khiến Apple phải trả giá bằng…sự lãng quên của người dùng.
Khoảng giữa tháng 01/2019, trang Wall Street Journal đã đưa ra một nhận định cho rằng, iPhone rồi sẽ có kết cục như máy nghe nhạc Sony Walkman, máy nhắn tin Palm Pilot hay máy ảnh Polaroid nổi tiếng một thời. Giới phân tích dường như rất lo sợ rằng sẽ có một ngày iPhone cũng sẽ trở nên lỗi thời như những sản phẩm trên. Dự báo không phải không có cơ sở khi chúng ta nhìn lại những bài học quá khứ.
Trong phân tích, Wall Street Journal đưa ra những ví dụ và cũng chính là những bài học cay đắng nhất trong lịch sử công nghệ thế giới nhằm nhắc nhở Apple. Quay lại sự tàn lụi của đế chế máy ảnh film một thời Kodak, Polaroid hay sau đó là Sears. Đây là những công ty đã từng cố bám víu lấy "hào quang quá khứ" để làm động lực phát triển trong thế kỷ 21.
Nhưng thực tế thị trường của những năm đầu thế kỷ 21 đã cho thấy sự phát triển như vũ bão. Nhu cầu và thị hiếu của người dùng gần như thay đổi liên tục qua từng năm. Nếu các hãng không theo kịp xu hướng mới, nguy cơ bị bỏ lại phía sau là rất cao. Trường hợp của Nokia cũng là một ví dụ điển hình. Chỉ vì chậm chân hơn trong cuộc đua smartphone, Nokia đã buộc phải phá sản và bán mảng kinh doanh di động cho Microsoft vào năm 2014. Tưởng chừng sẽ tiếp tục rơi vào quên lãng khi Microsoft không thể kéo thương hiệu hồi sinh trở lại nhưng rất may công ty HMD Global đã kịp thời chào đón thương hiệu quay trở lại thị trường với một diện mạo hoàn toàn khác. Nokia của năm 2019 đã trưởng thành hơn rất nhiều và có vẻ như đang lấy lại được phần nào lòng tin của khách hàng trước đây.
Tất nhiên, nhận định trên của Wall Street Journal không đồng nghĩa với việc iPhone đã trở nên lỗi vào thời ngay lập tức. Nhưng có lẽ không sớm thì muộn, iPhone cũng như bao thiết bị của Nokia sẽ dần trở thành "ký ức" đẹp nhất trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, một khi các xu hướng mới xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường.
Không chỉ giới phân tích lo lắng mà ngay cả chính Apple cũng hiểu hơn ai hết. Đó là lý do Apple đang tích cực tìm kiếm những yếu tố tăng trưởng mới trong tương lai khi iPhone không còn là động lực tăng trưởng chính cho công ty. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC, CEO Tim Cook khẳng định, công ty đang có ý định tung ra các dịch vụ mới trong năm 2019. Điều này cũng đồng nghĩa, Apple đang lựa chọn dịch vụ là hướng đi tiếp theo dần thay thế iPhone trong tương lai. Ai cũng biết tới Apple là công ty đã sản xuất ra iPhone nhưng biết đâu tới một ngày nào đó, người ta sẽ lại biết đến Apple với danh nghĩa là một công ty dịch vụ?
Gửi ý kiến của bạn