Khoảng đầu tháng 04/2019, Tesla giới thiệu gói nâng cấp của tính năng “Navigate on Autopilot”, hứa hẹn sẽ cho phép chế độ tự lái của xe Tesla tự quyết định khi nào cần chuyển làn đường mà không cần thông qua xác nhận của người lái. Trước đây, khi xe vào chế độ tự lái trên đường cao tốc, trước khi muốn có tác động đến hệ thống lái nhằm thay đổi làn đường, hệ thống cần phải thông báo xem người lái có đồng ý hay không, nhưng hiện nay điều này sẽ không cần nữa, mọi thứ đều sẽ tự động.
Khi chuyển làn đường, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo bằng âm thanh và hình ảnh cho tài xế biết để họ đỡ bị bất ngờ. Bên cạnh đó, đối với những xe được sản xuất sau tháng 08/2017, khi tính năng chuyển làn đường tự động được kích hoạt, vô lăng xe cũng sẽ rung nhẹ để cho người lái biết chuyện gì đang xảy ra.
Cuối năm 2016, Tesla tuyên bố sẽ trang bị hệ thống phần cứng tự lái hoàn toàn cho tất cả những mẫu xe điện mà hãng đang sản xuất, bao gồm cả Model 3 hay chiếc Model Y mới ra mắt. Như vậy, vấn đề còn lại chỉ nằm ở phần mềm và phần mềm của xe Tesla có thể uptate cho OTA.
Điều đó nghĩa là trong tương lai, khi mọi thứ đã sẵn sàng, những chiếc xe điện của Tesla với khả năng tự hành cấp độ 5 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Trước đây, Hiệp Hội Kỹ Sư Xe hơi Hoa Kỳ (SAE) đã thống nhất với nhau về các mức độ khác nhau của công nghệ xe tự lái, trong đó bao gồm 6 cấp độ (từ 0 - 5). Một chiếc xe với khả năng tự lái cấp độ 5 được xem là một khái niệm khoa học viễn tưởng, nhưng hiện nay, có vẻ như Tesla muốn biến nó trở thành sự thật.
Tính đến tháng 04/2019, vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ xe tự lái, và những sự cố từng xảy ra khiến cho mức độ tin tưởng vào khả năng xử lý của máy tính không còn được mạnh mẽ. Tháng 07/2016, Cục an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) chính thức mở một cuộc điều tra về vụ tai nạn xảy ra giữa một chiếc Tesla Model S đang trong chế độ autopilot đâm vào một chiếc xe đầu kéo khiến tài xế tử vong.
Đó là vụ nghiêm trọng nhất vì nó liên quan đến tính mạng con người. Không lâu sau đó, 1 người điều khiển chiếc Model X trên cao tốc ở Mỹ cho rằng chính chế độ Autopilot đã khiến chiếc xe của mình mất lái và đâm vào hàng rào gỗ bên đường, gây ra thiệt hại không nhỏ cho phương tiện. Tuy nhiên, Elon Musk, CEO Tesla cho biết dữ liệu ghi nhận được bên trong xe cho thấy chế độ bán tự lái đã tắt khi vụ việc xảy ra.
Autopilot là tính năng bán tự lái được trang bị trên các dòng xe điện của Tesla. Nó được kỳ vọng có thể giúp giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông, đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời của một hệ thống hoàn toàn tự động trong tương lai. Dù được khuyến cáo không nên quá lạm dụng, nhiều người vẫn tỏ ra chủ quan khi phó mặc cho chiếc xe vận hành ở chế độ Autopilot, là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến nhiều vụ tai nạn không đáng có.
Gửi ý kiến của bạn