"Khủng hoảng" không phải là một từ được sử dụng trong những tình huống nhẹ nhàng và các quan chức y tế công cộng biết rõ điều đó. Tuy nhiên, khi xem xét về diễn biến của bệnh sởi năm 2019, các giám đốc của cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đều phải dùng đến từ “khủng hoảng”.
Cả WHO và UNICEF cùng tuyên bố: “Chúng ta đang trong cuộc khủng hoảng bệnh sởi toàn cầu”. Theo đó, trong ba tháng đầu năm 2019, một cuộc khảo sát sơ bộ của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy các trường hợp mắc bệnh sởi đã tăng 300% trên toàn thế giới.
Ở một số khu vực, như Châu Phi, số người mắc bệnh đã tăng 700% so với năm 2018. Và đây chỉ là những điều chúng ta biết. WHO ước tính rằng hơn 90% các trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu không được báo cáo. Ông Henrietta Fore, giám đốc điều hành của UNICEF và Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO, cùng cho biết trong một bài chia sẻ: “Khi quý vị đọc xong bài viết này, chúng tôi ước tính rằng ít nhất them 40 người - hầu hết là trẻ em – vừa bị nhiễm căn bệnh sởi”
Hiện nay, tất cả các khu vực trên thế giới đang trải qua tình thế các ca mắc bệnh sởi gia tăng, ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, như Mỹ, Thái Lan và Israel. Một lần nữa, bệnh sởi đang đe dọa toàn cầu, và nguy cơ mất kiểm soát rất cao. Ngay bây giờ, đang có những dịch sởi diễn ra tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Madagascar, Myanmar, Philippines, Sudan, Thái Lan và Ukraine. Trong khi nhiều người ở các quốc gia trên đang kêu gọi tiêm vắc-xin, tình trạng khẩn cấp tại New York lại liên quan đến sự do dự tiêm phòng của người dân.
Đầu năm 2019, WHO đã liệt kê nỗi sợ vắc-xin là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe con người vào năm 2019, và chỉ vài tháng sau, mối lo ngại đã xuất hiện. Với sự bùng phát bệnh sởi ở New York, Washington, California và New Jersey, số ca mắc sởi tại Mỹ đã nhiều hơn tất cả 12 tháng của năm 2018 cộng lại.
Fore và Ghebreyesus viết: “Chúng tôi hoan nghênh các hành động ban đầu của các công ty như Facebook, Amazon và YouTube trong việc xóa bỏ những bài viết sai lệch về vắc-xin. Nhưng sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa - không chỉ từ các nền tảng trực tuyến mà còn từ chính phủ, từ các cá nhân và sức khỏe cộng đồng - để đảm bảo tất cả trẻ em được tiêm vắc-xin đúng lúc”
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nhất trên hành tinh và trước khi chúng ta tiêm vắc-xin hiệu quả, gần như tất cả trẻ em đều từng mắc căn bệnh có khả năng gây tử vong trước khi chúng được 15 tuổi.
Kể từ năm 2000, ước tính 20 triệu người đã được cứu nhờ tiêm vacxin phòng sởi, nhưng hiệu quả đang bị đe dọa. Các giám đốc của WHO và UNICEF cảnh báo rằng trừ khi cả thế giới cùng hành động vì khoa học, vì sức khỏe và vì vắc-xin, nhiều người sẽ phải trả giá cho lối sống tự mãn không chịu tiêm vắc-xin. Nếu tình trạng hiện nay vẫn chưa được xem là khủng hoảng, khủng hoảng thật sự cũng sẽ sớm xảy ra.
Gửi ý kiến của bạn