Khoảng đầu tháng 06/2019, theo bài báo đăng trên tạp chí Nature, đội ngũ nghiên cứu của trường đại học McMaster, Canada, đã phát minh ra một phương pháp mới giúp bảo quản vaccine ở nhiệt độ trong phòng.
Đây có thể coi là một bước tiến lớn trong việc bảo quản vaccine vì hầu hết các loại vaccine trên thị trường đều cần phải bảo quản lạnh hoặc ở trong một mức nhiệt độ nhất định nào đó để chúng có thể phát huy hết tác dụng. Cũng vì những yêu cầu khắt khe như vậy, nên việc đưa vaccine đến các vùng sâu vùng xa gặp khá nhiều khó khăn, làm giảm bớt khả năng người dân được tiếp cận vaccine trong phòng chống nhiều loại dịch bệnh.
Công nghệ mới trộn vaccine hiện có với loại gel làm từ pullulan, một dạng polymer đường đa hay có trong các dạng thực phẩm như lúa mạch, nấm, vi sinh vật... với trehalose, một dạng đường làm từ 2 phân tử glucose. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng trên vaccine chữa bệnh herpes và vaccine chữa cúm. Kết quả là 2 loại vaccine vẫn hoạt động trong vòng 8 tuần khi được bảo quản ở trong phòng, nơi mà vào thời điểm nóng, nhiệt có thể lên đến 40 độ C. Một ưu điểm khác của quá trình đó là nó có giá thành thấp, đơn giản vì không còn phải lo đến tủ lạnh để lưu trữ hoặc các phương tiện để bảo quản lạnh trong quá trình vận chuyển.
Công nghệ mới sẽ được các nhà khoa học chia sẻ miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu và theo họ đánh giá có thể áp dụng được cho hầu hết các dạng vaccine sử dụng qua đường uống. Nếu các công ty và tập đoàn đang sản xuất vaccine có thể tiếp tục tài trợ để phát triển và hoàn thiện công nghệ mới, nó sẽ giúp vaccine có thể tiếp cận được nhiều người hơn, nhất là ở những vùng sâu vùng xa.
Gửi ý kiến của bạn