Khoảng đầu tháng 06/2019, một số nguồn tin cho biết, bắt đầu từ năm 2020, NASA sẽ biến Trạm không gian quốc tế thành một địa diểm du lịch không gian và các hoạt động kinh doanh khác.
Thực tế, NASA không hoàn toàn nắm quyền sở hữu ISS, và cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ hiện cũng không đủ khả năng để tự mình đưa phi hành gia lên quỹ đạo, nhưng điều đó cũng chẳng thể cản họ mở cửa trạm không gian để kinh doanh. Trong một thông báo, Giám đốc tài chính của NASA là Jeff DeWit cho biết các công ty kinh doanh và các phi hành gia tư nhân sẽ có thể tiếp cận ISS - một điều họ chưa từng làm trước đó.
Nhiều công ty hiện đã và đang sử dụng ISS để tiến hành các nghiên cứu và phát triển trên lĩnh vực thương mại, nhưng nỗ lực mới của NASA sẽ mở rộng điều này hơn nữa, và bao gồm thêm nhiều hoạt động khác chẳng hạn như du lịch không gian.
NASA cho biết các chuyến bay tư nhân lên ISS sẽ bắt đầu sớm nhất vào năm 2020, mỗi sứ mệnh sẽ kéo dài tối đa 30 ngày. Tuy nhiên, chi phí để ở lại trên "Khách sạn ISS" là không hề rẻ: trang New York Times ước tính các vị khách sẽ phải bỏ ra 35,000 USD mỗi đêm cho chuyến du lịch đắt đỏ. Trong khoảng tiền 35,000 USD, 22,500 USD sẽ được chi cho các loại thực phẩm, 11,250 USD cho các thứ như nước, oxy và phí sử dụng toilet, và nếu muốn sử dụng Internet của trạm ISS, du khách sẽ phải chấp nhận chi thêm 50 USD/gigabyte dữ liệu. Khi nhân các khoản phí đó lên 30 ngày, hóa đơn sẽ vượt mốc 1 triệu USD. Và vì mỗi chuyến đi sẽ gồm 4 ghế dành do du khách, nên NASA có thể kiếm được đến 4.2 triệu USD cho mỗi sứ mệnh.
Dù vậy, NASA sẽ chỉ thực hiện các chuyến bay du lịch 2 lần mỗi năm, nên lợi nhuận có lẽ cũng không nhiều. Lý do thực sự khiến họ nghĩ ra ý tưởng mới là nhằm tìm cách tư nhân hóa trạm ISS, đồng thời "xả" bớt tài nguyên không cần thiết trước khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2024.
NASA còn cho biết sẽ không tham gia vào việc đưa du khách lên trạm không gian. Các vị khách sẽ phải đặt chuyến bay với SpaceX hoặc Boeing - hai đối tác hiện đang phát triển các module phi hành đoàn cho chương trình Commercial Crew Program của NASA. Được biết, Bigelow Aerospace đã đặt trước 4 chuyến bay với SpaceX, trong khi Axiom Space cũng đang lên kế hoạch tương tự để đưa du khách lên ISS vào năm 2020.
Ngoài ra, BBC khẳng định chi phí cho mỗi chuyến bay sẽ ở mức 60 triệu USD, cùng mức giá mà NASA phải trả để đưa phi hành gia của chính họ lên quỹ đạo. Cuối cùng, NASA cũng sẽ không đảm nhận việc kiểm tra các vị khách du lịch giàu có. Đó sẽ là việc mà các công ty phải tự thực hiện và đảm bảo mỗi vị khách "đáp ứng được các tiêu chuẩn y tế, cùng các thủ tục huấn luyện và chứng nhận dành cho các thành viên phi hành đoàn ISS của NASA". Như vậy, để ở được trên ISS, hành khách không chỉ cần giàu, mà còn phải khỏe mạnh và được huấn luyện như một phi hành gia thực thụ.
Điều thú vị là, trong số các chính sách mới được công bố, NASA sẽ mở một cổng trên trạm không gian, cùng với các tiện ích đi kèm, để các công ty có thể gắn module thương mại của riêng họ vào đó và tiến hành nhiều hoạt động liên quan. Các công ty sẽ phải tuân thủ các quy tắc của NASA. Và NASA không sở hữu ISS. Đây là một chương trình hợp tác với châu Âu, Nga, Canada, và Nhật Bản, và nó hoạt động dưới một loạt các thỏa thuận quốc tế. Do đó Mỹ không thể cứ thế mà tư nhân hóa trạm không gian hay làm bất kỳ điều gì họ muốn với nó được.
Frank Slazer, Phó chủ tịch hệ thống không gian của Hiệp hội Công nghiệp Không gian cho biết: “Rất khó để biến ISS thành một tiền đồn thương mại thực sự được vì các thỏa thuận quốc tế mà Mỹ đã tham gia. Nó vốn đã luôn là một cấu trúc quốc tế yêu cầu có sự tham gia của chính phủ Mỹ và sự hợp tác đa quốc gia”
Thật vậy, sẽ mất khá nhiều thời gian trước khi các công ty tư nhân tràn ngập trên ISS. Nhưng công bố mới của Mỹ cho thấy NASA đang dần rút khỏi các hoạt động liên quan ISS để tập trung cho Mặt Trăng.
Gửi ý kiến của bạn