Hồi năm 2007, một vị giám đốc điều hành nổi tiếng đã than phiền với các nhân viên rằng chiếc smartphone của ông bị trầy màn hình do để chung với chìa khóa trong túi quần. Sau đó, vị CEO đã đưa ra một quyết định mà giờ đây trở thành một tiêu chuẩn trên smartphone - màn hình bằng kính thay vì nhựa. Cũng bắt đầu từ đây, Gorilla Glass trở thành cái tên quen thuộc trong làng điện thoại.
Vị CEO kia không ai khác chính là Steve Jobs - cố giám đốc điều hành huyền thoại của Apple và chiếc điện thoại bị trầy màn hình là nguyên mẫu của iPhone 2G - thế hệ iPhone đầu tiên được Apple ra mắt năm 2007. Theo tiết lộ của cựu giám đốc sản phẩm Bob Brochers, Steve Jobs đã gọi cho Corning và thuyết phục họ trở lại với dự án làm kính cường lực Gorilla Glass đã bị bỏ quên từ lâu. Sự thay đổi vào phút chót đã thay đổi cả Corning lẫn thế giới smartphone.
Corning không phải là một công ty mới nổi như nhiều người trong số chúng ta vẫn lầm tưởng. Chúng ta chỉ mới biết đến Corning với Gorilla Glass trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng thực chất Corning là một trong những công ty lâu đời nhất của Mỹ - thành lập năm 1851 – tức là hãng đã 168 năm tuổi – và ban đầu có tên Corning Glass Works, trụ sở chính tại New York. Công ty chuyên phát triển các sản phẩm thủy tinh, gốm sứ và các vật liệu quang học cho nhiều ngành công nghiệp. Corning từng làm sản phẩm gia dụng như đồ làm bếp bằng thủy tinh Pyrex, chén bát bằng gốm thương hiệu Corelle Vitrelle …Thú vị hơn, Corning là đơn vị làm ra thấu kính chính cho kính thiên văn vũ trụ Hubble, cửa sổ của tàu con thoi hay bóng thủy tinh cho những chiếc đèn điện đầu tiên của Thomas Edison.
Đến 2019, hãng có 5 mảng kinh doanh chính là công nghệ màn hình, công nghệ môi trường, khoa học đời sống, truyền thông quang học và các vật liệu đặc biệt. Năm 2007, Corning lúc đó đã thua lỗ trong 5 năm liên tiếp và nhờ Steve Jobs cũng với sự thành công của iPhone, công ty đã hồi sinh, bắt đầu kiếm được lợi nhuận.
Hồi năm 2008, iPhone 3G và chiếc điện thoại Android đầu tiên là T-Mobile G1 (HTC Dream) tiếp tục sử dụng kính cường lực Gorilla Glass khiến sản phẩm bắt đầu được nhiều bên quan tâm. Những năm sau, một số điện thoại Symbians như Samsung i9810 Omnia HD, Nokia X6 bắt đầu sử dụng Gorilla Glass, kể cả những chiếc điện thoại giá rẻ như Samsung S3650 Corby hay điện thoại lạ như LG BL40 New Chocolate. Tính đến năm 2010, kính Gorilla Glass được dùng trên 200 triệu smartphone.
Qua thời gian, điện thoại mỏng dần và Corning cũng phải chạy theo xu thế với việc tung ra thế hệ kính Gorilla Glass 2 vào năm 2012, mỏng hơn 20% so với thế hệ đầu nhưng vẫn bền. Kể từ đây, Corning gần như ra mắt các thế hệ kính mới mỗi năm, Gorilla Glass 3 vào năm 2013 được cải thiện về độ phản chiếu và giảm bám vân tay. Thế hệ thứ 4 trong năm 2014 cải thiện khả năng chịu va đập, thế hệ 6 tiếp tục bền hơn, được Corning nói là có thể chịu được cú rơi ở độ cao khi người dùng chụp selfie. Ở thế hệ 6, Corning đã tinh chỉnh thành phần hóa học để tăng độ chống chịu sau khi thế hệ Gorilla Glass 5 bị chỉ trích là dễ trầy xước và chịu lực kém.
Gorilla Glass không phải là hãng duy nhất là kính cường lực cho smartphone trên thị trường nhưng Apple là công ty đã giúp Corning trở nên nổi tiếng. Dù từng chia tay một thời gian ngắn khi Apple sử dụng kính gia cường bằng ion trên iPhone 6 nhưng sau đó Corning và Apple đã tái hợp tác trên các thế hệ iPhone sau đó. Ý định ban đầu của Apple với mặt kính của iPhone 6 là dùng sapphire nhưng công ty chịu trách nhiệm sản xuất cho quả táo đã sớm phá sản.
Hiện nay, ngoài Corning với Gorilla Glass thì thị trường có Asahi với Dragontrail Glass - một loại kính cường lực bền không kém được dùng trên một số dòng điện thoại như gần nhất là Pixel 3a hay dòng Xperia Z của Sony. Và còn nhiều cái tên nữa, nhưng các hãng làm điện thoại thường không nêu rõ, chỉ nói chung chung là mặt kính chống trầy.
Tuy nhiên, Gorilla Glass đã trở thành tiêu chuẩn và hãy thử hình dung mọi thứ sẽ trở nên mong manh dễ vỡ như thế nào nếu không có kính Gorilla như chiếc Galaxy Fold. Corning hiện đang phát triển giải pháp Gorilla Glass cho thiết bị màn hình gập, có cả phiên bản đặc biệt dành cho các thiết bị đeo, TV và thậm chí hãng còn đang phát triển các loại kính với bề mặt lạ như giả gỗ, đá hoa, sợi carbon để các nhà sản xuất có thể áp dụng lên mặt sau điện thoại, nắp máy laptop nhằm tạo ra sự khác biệt trên sản phẩm. So với con số 200 triệu thiết bị năm 2010, hiện có đến 6 tỷ thiết bị đang dùng kính Gorilla Glass.
- Từ khóa :
- Gorilla Glass
- ,
- Corning
Gửi ý kiến của bạn