Vụ Hỏa Hoạn Ở Universal Studios Hollywood 2008

24 Tháng Sáu 20195:00 SA(Xem: 4898)
Vụ Hỏa Hoạn Ở Universal Studios Hollywood 2008
Ngày Âm Nhạc Hóa Tàn Tro
Vụ hỏa hoạn ở Universal Studios Hollywood là 1 tai họa tàn khốc đối với người yêu nhạc cũng như cả ngành công nghiệp âm nhạc, dù rằng có khá ít người biết đến. Chủ nhật ngày 01/06/2008, vào khoảng 4:43 sáng, một nhân viên an ninh của studio đã phát hiện ra ngọn lửa trên mái phim trường New England Street. Đám cháy được điều tra là bắt nguồn từ những tấm lợp mái bằng nhựa đường còn nóng được các nhân viên xây dựng và sửa chữa gắn lên trước đó. Họ đã rất cẩn thận chờ cho chúng nguội dần trong suốt một giờ kế tiếp rồi mới rời khu vực, nhưng rủi ro đã xảy ra 40 phút sau đó, một ngọn lửa nhỏ đã bốc lên, gặp gió to, họa theo gió mà tới, một số lượng cực lớn bản thu gốc đã bị thiêu rụi.

Cho đến 11 năm sau, những con số thống kê về tư liệu, tài liệu đã hoá tàn tro của nền âm nhạc đương đại mới bắt đầu được sáng tỏ, được đánh giá dưới một lăng kính thấu đáo hơn.

Ngọn lửa lan ra cực nhanh và thiêu rụi cả 2 bên phim trường Courthouse Square (nơi quay bộ phim Back to the Future). Các cảnh dựng xung quanh cũng chìm trong ngọn lửa đỏ. Lính cứu hỏa có mặt ngay lập tức nhưng bị cản trở bởi áp lực nước quá thấp và hệ thống phun nước bị hư hỏng phần nào, cũng như sức nóng quá lớn đang tỏa ra từ đám cháy. Họ đành cố gắng dập lửa ở những khu vực có thể, còn đám cháy lúc đó vẫn tiếp tục lan đến những kiến trúc dễ cháy trong các cảnh dựng phim khác.

Rồi ngọn lửa cũng lan đến nhà kho khổng lồ (Building 6197) gần phân cảnh hang động King Kong Encounter, hay còn được biết đến là kho chứa băng phim. Kho chứa là 1 trong những tòa nhà quan trọng nhất của cả khu vực, lưu giữ rất nhiều những thước phim cũng như nội dung nghệ thuật khác, trong đó có các bản thu nhạc rất quý.

Ngay sau khi đám cháy xảy ra và được phát hiện, Randy Aronson, giám đốc điều hành kho lưu trữ của Universal Music Group (UMG), đã được thông báo tình hình và ông nhanh chóng có mặt tại hiện trường để đánh giá các thất thoát. Building 6197không chỉ được dùng để lưu trữ các thước phim mà còn có 1 góc (khoảng 750 mét vuông) chứa các bản thu nhạc quý giá, sở hữu bởi Universal Music Group. Khi Randy Aronson đến nơi, ngọn lửa lúc bấy giờ đã có kích thước khổng lồ và chưa có dấu hiệu dừng lại, mặc cho lực lượng cứu hỏa làm việc hết mình. Lính cứu hỏa sử dụng nước từ hồ để dập lửa và phun nước từ nhiều phía nhưng không có tác dụng. Họ sau đó phải chuyển sang dùng các máy ủi để húc đổ tường nhà kho, tạo ra các khoảng trống cho phép tiến vào và dập lửa hiệu quả hơn.

Bức tường nhà kho đổ xuống kéo theo các dàn kệ chứa băng đĩa và các cuộn phim quý báu bị đẩy vào ngọn lửa đỏ rực, bị thiêu rụi thành tro và trơ lại những khung kim loại không rõ hình thù. Ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn vào sáng sớm ngày 02/06/2008, nghĩa là gần 24 giờ tính từ lúc bắt đầu đám cháy.

Truyền thông trên toàn thế giới bắt đầu đưa tin về vụ cháy và các hình ảnh về nó được đưa lên trang nhất nhiều trang báo. Tuy nhiên, thay vì nói đầy đủ chi tiết về các thiệt hại, nhiều tờ báo chỉ nhận xét rằng các mất mát là không quá to lớn. Một số các bài báo khác sau đó cũng có chú trọng và khai thác những thiệt hại từ vụ cháy, nhưng không gây được chú ý từ dư luận. Qua 1 thời gian, vụ việc dần lắng xuống và không ai còn quan tâm đến nó nữa, cũng như những tài sản văn hóa đã mất đi trong đám cháy.

Trang Times đã đưa tin theo 1 cách chung chung và không nhắc gì đến thư viện bản thu bị hủy hoại hoàn toàn trong đám cháy. Điều này thực ra không quá ngạc nhiên do Universal Studios Hollywood là nơi chuyên dùng để quay phim và không phải là 1 trung tâm chuyên thu âm. Bên cạnh đó, những lần sáp nhập hay mua bán thương hiệu đã cắt đứt phần lớn mối quan hệ giữa 2 mảng phim và nhạc. Năm 2004, Universal Studio được mua lại bởi General Electric và sáp nhập cùng hãng truyền hình NBC, trở thành NBC Universal. UMG lúc bấy giờ quản lý một mảng riêng và đến năm 2006 mới đầu quân cho Vivendi.

Nikki Finke, 1 phóng viên có chú ý đến sự tồn tại thư viện bản thu của UMG, viết trong một bài báo rằng "... nhiều nghìn bản thu master đã mất trong đám cháy ở nhà kho Universal Studios Hollywood..." trích thông tin từ 1 nguồn giấu tên. Nhưng sau đó Finke lại đăng thêm 1 phần ghi chú, được cho là từ thông tin cung cấp bởi 1 đại diện giấu tên của UMG, rằng "các mất mát của UMG là không đáng kể do phần lớn những bản thu đã được chuyển đến các cơ sở khác. Những gì bị cháy chỉ là các bản thu đang chờ được vận chuyển, và đều đã được số hóa ". Cùng ngày hôm đó, phát ngôn viên của UMG tiếp tục phủ nhận thông tin trên và khẳng định rằng: "Chúng tôi không mất mát gì cả".

Những tuyên bố trấn an đã che giấu 1 sự thật động trời. Randy Aronson cho biết khi ông đứng nhìn đám cháy, ông đã biết rằng mình đang chứng kiến 1 sự kiện mang tính lịch sử: “Nó trông như những bộ phim thảm họa và tôi cảm thấy hành tinh này đang bị hủy diệt”

Tại sao đám cháy ở Building 6197 lại là một mất mát trầm trọng cho ngành âm nhạc?

Các bản thu được cất trong Building 6197 chính là những bản master mang đến từ kho chính West Coast của UMG. Theo thông tin trong các tài liệu được UMG cung cấp, Building 6197 được dùng để chứa các băng từ analog với thời gian thu âm từ khoảng những năm 1940, cùng các bản master kỹ thuật số cho các tác phẩm gần đây hơn. Chúng gồm các bản thu multitrack và đến cả các bản thu thô chưa chỉnh sửa, từ đó có thể được sử dụng để mix thành tác phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, còn có các bản thu master chưa từng được phát hành thương mại.


UMG vẫn còn nhiều các kho chứa khác ở Mỹ và trên toàn thế giới, nhưng đa số chúng đều được điều hành độc lập và hầu hết đều chứa các bản thu quý giá nhất, nghĩa là chỉ có 1 hoặc 2 bản. Những bản thu master được lưu trữ ở Building 6197 dàn trải ở nhiều thể loại, đến từ các nhãn thu nổi tiếng như Decca, Chess, Impulse, MCA, ABC, A&M, Geffen và Interscope, ngoài ra còn thêm nhiều nhãn thu nhỏ khác. Chúng đều bị hủy hoại trong đám cháy, nhiều khi là tất cả bộ sưu tập của 1 hãng thu nào đó.

Trong 1 tài liệu mật của UMG được công bố vào tháng 03/2009, số lượng bản thu bị hủy hoại là 118,230. Randy Aronson cho rằng con số ước tính là thấp và phỏng đoán rằng "ít nhất là 175,000". Trong 1 tài liệu khác cũng được công bố năm 2009, UMG khẳng định "khoảng 500,000 bài hát" đã bị hủy hoại. Thiệt hại tài chính còn khó tính toán hơn. Aronson kể lại ông nghe phong thanh thông tin mật của UMG rằng thiệt hại vào khoảng 150 triệu USD. Đây nói chung chỉ là mất mát về vật chất, còn các mất mát về nghệ thuật chắc chắn không thể nào bù đắp nổi. Điều đáng nói là không có 1 con số chính xác nào về số lượng các bản thu đã mất trong đám cháy. Theo các báo cáo pháp lý từ chính UMG và Aronson, người ta có quyền nghi ngờ rằng thiệt hại còn lớn hơn gấp nhiều lần nữa, đến mức không ai muốn chấp nhận sự thật.

Các bản thu master của Decca bị thiêu rụi trong đám cháy đến từ những tượng đài âm nhạc như Louis Armstrong, Duke Ellington, Al Jolson, Bing Crosby, Ella Fitzgerald và Judy Garland. Ngoài ra còn có các băng thu âm của Billie Holiday, Louis Jordan and His Tympany Five cùng Patsy Cline. Chess Records cũng không mấy lạc quan hơn khi mất gần như hoàn toàn các bản thu master và multitrack của Chuck Berry, Muddy Waters, Howlin’ Wolf, Willie Dixon, Bo Diddley, Etta James, John Lee Hooker, Buddy Guy và Little Walter. Cũng không thể không tính đến các băng master của Aretha Franklin được thu khi bà còn trẻ. Impulse Records mất đi các bản thu master của Buddy Holly, John Coltrane, Ellington, Count Basie, Coleman Hawkins, Dizzy Gillespie, Max Roach, Art Blakey, Sonny Rollins, Charles Mingus, Ornette Coleman, Alice Coltrane, Sun Ra, Albert Ayler, Pharoah Sanders cùng nhiều tên tuổi jazz khác. Đó là còn chưa kể đến các bản hit của Bill Haley and His Comets, Jackie Brenston and His Delta Cats, Bo Diddley, Etta James, The Kingsmen và The Impressions.

Nhiều bản thu master của các nghệ sĩ nổi tiếng thế kỷ 20 và 21 cũng chịu chung số phận, trong đó có: Benny Goodman, Cab Calloway, Andrews Sisters, Ink Spots, Mills Brothers, Lionel Hampton, Ray Charles, Sister Rosetta Tharpe, Clara Ward, Sammy Davis Jr., Les Paul, Fats Domino, Big Mama Thornton, Burl Ives, Weavers, Kitty Wells, Ernest Tubb, Lefty Frizzell, Loretta Lynn, George Jones, Merle Haggard, Bobby (Blue) Bland, B.B. King, Ike Turner, Four Tops, Quincy Jones, Burt Bacharach, Joan Baez, Neil Diamond, Sonny & Cher, The Mamas & The Papas, Joni Mitchell, Captain Beefheart, Cat Stevens, Carpenters, Gladys Knight & The Pips, Al Green, Flying Burrito Brothers, Elton John, Lynyrd Skynyrd, Eric Clapton, Jimmy Buffett, Eagles, Don Henley, Aerosmith, Steely Dan, Iggy Pop, Rufus & Chaka Khan, Barry White, Patti LaBelle, Yoko Ono, Tom Petty & The Heartbreakers, Police, Sting, George Strait, Steve Earle, R.E.M., Janet Jackson, Eric B. & Rakim, New Edition, Bobby Brown, Guns N’ Roses, Queen Latifah, Mary J. Blige, Sonic Youth, No Doubt, Nine Inch Nails, Snoop Dogg, Nirvana, Soundgarden, Hole, Beck, Sheryl Crow, Tupac Shakur, Eminem, 50 Cent và The Roots.
 
Đó là chúng ta vẫn chưa nhắc đến nhiều bản thu master đến từ các nghệ sĩ không tên tuổi ở tất cả các thể loại gospel, blues, jazz, country, soul, disco, pop, classical, comedy...

Universal Music Group hiện đã trở thành công ty lớn trong làng âm nhạc với doanh thu khổng lồ hàng năm, cạnh tranh trực tiếp cùng Sony Music Entertainment. Hồi năm 2018, Vivendi công bố kế hoạch bán lại khoảng 50% cổ phần của UMG. Các bên mua tiềm năng gồm Apple, Amazon và Alibaba. Giá trị bán cũng sẽ không hề nhỏ, được định giá hồi đầu năm 2019 là 33 tỷ USD. Sự lớn mạnh của UMG chủ yếu nhờ vào việc sở hữu hợp đồng với những nghệ sĩ nổi tiếng như Drake, Taylor Swift và Ariana Grande. Tuy nhiên, danh tiếng của UMG cũng dựa trên những thành quả mà hãng có được trong nhiều năm hoạt động, là cái nôi của nhiều nghệ sĩ danh tiếng như Frank Sinatra, The Beatles, Queen... hay cả những nhãn thu nhỏ lẻ khác. Và 1 phần quan trọng của di sản to lớn đó đã vĩnh viễn tan thành khói bụi trong đám cháy năm 2008.

Tai nạn? Không, nó không hề như UMG nhận định, hay đơn giản là hư hỏng vài cuộn băng từ cất trong nhà kho ẩm thấp. Đó là 1 thảm họa của ngành âm nhạc. Đánh giá nội bộ của UMG hoàn toàn khác biệt với những gì mà nó công bố bên ngoài. Trong 1 tài liệu được chuẩn bị cho cuộc họp báo Vault Loss Meeting (03/2009), UMG đã mô tả các thiệt hại là ở mức rất lớn: “West Coast Vault đã hoàn toàn biến mất. Và trong ngọn lửa đó, một gia tài âm nhạc khổng lồ đã mất đi”

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).