Những bản thu đã bị thiêu cháy trong Building 6197 chính là công sức và thành quả lao động nghệ thuật của rất nhiều những nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc. Những âm thanh đó không bao giờ còn có thể được thưởng thức nữa. Một "âm thanh thực" khi phát ra chỉ có thể được nghe 1 lần, ví dụ như những tiếng nói, câu hát hay các âm thanh môi trường xung quanh chúng ta. Chính công nghệ phát triển đã mang đến cho con người khả năng thu âm và từ đó "nghe lại" được chúng, cho phép thu lại và nghe các bài nhạc yêu thích bất cứ khi nào.
Dần dần theo đà phát triển của công nghệ mới cũng như xu hướng diện đại hơn, các album nhạc bắt đầu được số hóa và đưa lên các dịch vụ stream. Đây cũng là lý do vì sao mà đĩa CD hay LP không còn được xem là quá quan trọng, hay nói cách khác, chúng trở thành rườm rà. Sự khác biệt của nhạc số và nhạc trên định dạng vật lý rất rõ: Chúng tiện dụng hơn nhưng phải đánh đổi bằng chất lượng âm thanh.
Gerald Seligman, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận National Recording Preservation Foundation, ước tính rằng ở thời điểm năm 2013 chỉ mới khoảng 18% trong tổng số các tác phẩm âm nhạc là đã được số hóa, có nghĩa là phần còn lại vẫn được lưu trữ ở dạng băng đĩa vật lý. Nhiều người ủng hộ nhạc số tự hỏi rằng vì sao người ta không số hóa hết các băng đĩa nhạc sau đó vứt hết đi để tiết kiệm được công sức phải chăm sóc bảo quản, thay vào đó là cứ phải lo lắng cẩn thận mỗi phút giây?
Các bản thu master được lưu trữ trong nhiều định dạng như băng từ, ổ cứng, băng kỹ thuật số hay đĩa dập sẵn (chỉ để làm khuôn, không dùng để nghe). Trái ngược với giá trị to lớn của chúng, những ấn phẩm thường chỉ được cất trong các góc nhà kho, lâu lâu mới được lấy ra lau chùi để sử dụng rồi lại cất đi. Đặc điểm chính của các bản thu master là có chất lượng âm thanh nguyên gốc, được thu trực tiếp khi nghệ sĩ biểu diễn. Bản thu master cũng là nguồn nhạc để xuất ra các định dạng thương mại khác và cung cấp đến người nghe.
Khi ta nghe 1 bài hát trên các dịch vụ stream, phần nhiều đó sẽ là 1 file nhạc nén được rip ra trực tiếp từ CD hay đĩa LP. Tuy nhiên, do vẫn là nhạc nén nên chất lượng âm thanh sẽ bị hao hụt. Đôi khi chính file nhạc nén đó còn được sử dụng để chuyển đổi sang các định dạng khác cung cấp đến người dùng, làm chất lượng âm thanh gốc bị mất đi mãi mãi. Đây là vì ta chỉ có thể nén nhạc và làm mất đi 1 số chi tiết của bài nhạc, chứ hoàn toàn không thể upscale và lấy lại các chi tiết đó như ban đầu.
Nói chung, cuối cùng người ta vẫn phải quay về với các bản thu master. Điều này làm cho việc bảo quản chúng trở nên rất quan trọng và là 1 quá trình không thể bị xem nhẹ. Bản thu master nổi bật với các âm sắc và chi tiết cực kỳ trung thực do được thu bằng phần cứng chuyên dụng trong phòng thu, cũng như được thu trực tiếp từ phần biểu diễn của nghệ sĩ. Các bản thu master còn cho âm trường tốt và âm hình rất rõ nét, khiến người nghe hình dung được 1 sân khấu với nghệ sĩ và nhạc công đang trình diễn trước mặt mình. Các âm sắc nhạc cụ cũng được thể hiện trung thực nhất có thể, kèm theo đó là khả năng tách lớp tinh tế giúp người nghe phân biệt rõ tiếng của từng loại nhạc cụ khác nhau.
Hồi tháng 05/2017, album boxset Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band của The Beatles được phát hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm. Các bản thu trong album rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thích, tuy nhiên đa số người nghe đều chỉ mới tiếp cận với phiên bản stereo mix. Bản master của các tác phẩm trong album đều là mono và việc mix chúng thành stereo giống như thổi vào 1 làn gió mới, phô diễn được hết nét đẹp của album vốn chưa thể khai thác hết do giới hạn công nghệ âm thanh của 50 năm trước. Các bản thu master của Sgt. Pepper hiện được lưu trữ vô cùng cẩn thận ở London. Album đã được bán ra hàng triệu bản trên toàn thế giới nhưng bản thu master của nó vẫn có 1 sự độc đáo riêng, và là duy nhất, không gì có thể thay thế được. Các bản thu master chắc chắc cũng có chất lượng âm thanh cao hơn nhiều so với các phiên bản thương mại. Nói cách khác, chúng lưu trữ đầy đủ hơn cái hồn của The Beatles.
Trở lại với vụ cháy ở Universal Studio Hollywood, các bản thu của John Coltrane hay Patsy Cline đã bị cháy thành tro cũng sở hữu chất lượng âm thanh tương đương với Sgt. Pepper. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ còn có thể sử dụng chúng được nữa, thay vào đó là các phiên bản không nguyên gốc đang có trên thị trường. Sử dụng cụm từ "không nguyên gốc" ở đây là chính xác hơn do chúng không hẳn là có chất lượng âm thanh kém, mà là vì 1 điều đơn giản: chúng được master lại từ bản gốc với dữ liệu, thông tin âm thanh nhiều và hoàn hảo nhất.
Lưu trữ và bảo quản các bản thu quý là 1 quá trình tốn kém với rất nhiều chi phí phát sinh, vì thế từ lâu hiếm có hãng thu nào kiêm luôn việc lưu trữ và bảo quản. Thêm chi phí có nghĩa là sẽ giảm lợi nhuận, và chẳng ai muốn như vậy ngoại trừ trường hợp bất khả kháng. Kết quả là các bản thu quý bị làm lơ, đến mức các tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và mỗi lần tai nạn xảy ra, chúng đều trở thành thảm họa. Ai có đủ khả năng làm đại diện để quản lý việc lưu trữ và bảo quản các bản thu? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó, và dường như cũng không ai muốn nhận trách nhiệm đó về phần mình.
Những điều chẳng ai quan tâm
Aronson thôi việc ở UMG vào tháng 01/2016 nhưng vẫn tiếp tục tham gia cố vấn cũng như điều hành các kho chứa của UMG ở Mỹ. Aronson đồng ý phỏng vấn để nhiều người biết đến vụ hỏa hoạn hơn, từ đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các hãng thu đang quá chủ quan trong việc bảo quản tài sản nghệ thuật của mình. Ông cho biết: “Tôi đã quên mất cuộc sống là gì trước khi vụ cháy xảy ra. Ngay cả bây giờ vụ cháy vẫn khiến tôi nghẹn ngào khi nghĩ đến”
Số phận của những bản thu tại Building 6197 được giữ bí mật trong nhiều năm, hay đúng hơn là được phơi bày rõ ràng mà chẳng ai quan tâm tới. Richard Carpenter (nhóm song ca Carpenters) nói rằng bản thu master của nhiều album của nhóm đã bị thiêu rụi trong ngọn lửa, tương tự với báo cáo thiệt hại các album của Decca và Chess Records. Thông tin không hề nhận được sự quan tâm rộng rãi của báo giới, hoặc có thể đã được bưng bít, không ai biết chính xác lý do là gì.
Phía UMG cũng có những động thái báo cáo giảm nhẹ để trấn an dư luận, trong đó có cả những nghệ sĩ đang giận dữ vì mất đi thành quả lao động nghệ thuật của mình. Peter LoFrumento, từng là phát ngôn viên của UMG, viết trong 1 email rằng việc đưa ra các báo cảo giảm nhẹ là có thật. Đầu tiên, các báo cáo khẳng định không mất bản thu master nào mà chỉ là các bản sao chép mà thôi. Sau đó tin được đính chính thành "có cháy 1 số bản thu master nhưng là của các nghệ sĩ không tên tuổi". Lenny Dee và Georgie Shaw là 2 cái tên được mang ra làm bình phong. Ngoài ra để tăng tính thuyết phục, UMG cũng xác nhận thêm "có cháy 1 số bản thu master thu âm vào những năm '40~50 của các nghệ sỹ không tên tuổi và không nổi tiếng". Aronson cho biết thêm: "Sau ngày xảy ra đám cháy, ban điều hành của UMG đột nhiên hỏi tôi có biết nghệ sĩ nào mà "nói tên ra sẽ chẳng ai biết" hay không nhằm cung cấp cho các phóng viên săn tin".
LoFrumento trả lời 1 tờ báo phát hành ngày 03/06/2008 rằng: "Nói đó là mất mát cũng đúng, nhưng chúng tôi cũng không bị ảnh hưởng nhiều lắm". Thông tin được cung cấp cho rằng đa số các bản thu đều đã được số hóa và "còn hay mất chúng cũng chẳng quan trọng gì". Các con số trong báo cáo thất thoát cũng được làm nhỏ lại 1 cách khó tin. Theo Aronson, điều này là để trấn an cho người yêu nhạc, và lúc đó vì chính sách công ty nên chính ông cũng phải im lặng cho qua. Dễ dàng thấy được những hậu quả có thể xảy ra nếu UMG công bố con số mất mát thực sự. Nó không chỉ là sự xấu hổ đối với công chúng mà còn là những đơn kiện đòi bồi thường từ các nghệ sĩ. Bản thân các nghệ sĩ đều hoạt động với hợp đồng giống như "làm thuê" cho hãng thu, và tất cả các tác phẩm của họ đều được hãng thu nắm giữ. Thêm 1 nghịch lý nữa là hãng thu thường rất ung dung trong việc bảo quản các bản thu vật lý, nhưng lại "quyết ăn thua đủ" khi bị động chạm đến bản quyền tác phẩm và bản quyền trí tuệ, hay nói cách khác là bị động chạm đến lợi nhuận của họ. Duy chỉ có những nghệ sĩ có tên tuổi lớn mới đủ khả năng điều trần với hãng thu, còn các nghệ sĩ khác không quá nổi tiếng sẽ ít khi làm được gì. Khó mà biết được có bao nhiêu ấn phẩm master của bao nhiêu nghệ sĩ đã mất đi trong đám cháy, điều mà UMG kiên quyết giữ kín, và cũng chỉ có họ mới biết. Các nghệ sĩ sẽ đòi hỏi UMG phải đảm bảo an toàn cho tác phẩm của mình, và nếu hãng không làm được điều này, họ có quyền kiện. Trong trường hợp đó, UMG không chỉ phải đền bù về vật chất mà còn mất đi danh tiếng mà hãng dày công tạo dựng từ lâu. Lạ 1 điều rằng kể từ sau đám cháy, UMG vẫn "bình chân như vại" và chưa từng vấp phải rắc rối nào.
Aronson kể tiếp về những rắc rối mà ông phải giải quyết, trong đó có chuyến đi đến Pennsylvania vào năm 2010 để gặp Irving Azoff, cựu chủ tịch của MCA (hiện đang là tổng giám đốc điều hành Azoff MSG Entertainment) và trả lời về các mất mát đối với những bản thu master của Steely Dan. Aronson đã mường tượng đến 1 cuộc cãi vã nảy lửa nhưng may mắn là Azoff chỉ hỏi về các bản thu master multitrack của album đầu tiên của Steely Dan, vốn đã được vận chuyển về kho chứa ở Pennsylvania từ lâu.
Đi cùng Aronson đến kho Pennsylvania để kiểm tra các bản thu master là Elliot Scheiner, và nói chung mọi việc diễn ra tốt đẹp. Điều mà Aronson lo lắng chính là ở Building 6197 cũng có các bản thu master của Steely Dan, tuy nhiên không phải là những gì mà Azoff hỏi đến. Aronson ngậm ngùi: “Những tác phẩm đó sẽ không bao giờ có thể được thưởng thức”. Aronson sau đó được cho thôi việc nhưng ông không buồn về điều này. Ông thổ lộ rằng động thái cho nghỉ việc giống như là UMG đang che chắn cho ông khỏi những trách nhiệm có thể phát sinh về sau nếu sự việc bị đào lên và truy cứu. Ông hối tiếc là bản thân đã không làm được nhiều hơn khi vụ việc xảy ra. Tháng 12/2009, UMG kiện NBCUniversal đòi bồi thường thiệt hại vụ cháy, cho rằng NBCUniversal đã lơ là các nghiệp vụ an toàn. Vụ kiện kéo dài hơn 3 năm và cuối cùng UMG rút đơn sau khi được phía NBCUniversal bồi thường 1 khoản không được tiết lộ. Aronson cũng được mời đối chất 1 số lần về tình hình vụ cháy cũng như làm chứng cho các chi tiết có liên quan khác.
Thờ ơ và nhẫn tâm
Cả báo chí và dư luận đều không thỏa mãn với các báo cáo cũng như câu trả lời mà UMG đưa ra. Phóng viên Bill Holland vào cuộc và viết bài phân tích chi tiết về vụ hỏa hoạn, cho rằng phải có rất nhiều bản thu đã ra đi, cả các bản thu cũ lẫn mới. Nếu nói về các bản thu vật lý, cho dù nó là của các nghệ sĩ nổi tiếng hay nghệ sĩ không tên tuổi, dường như đều có chung 1 cách "đối xử". Nhiều track master quý giá bị mất đi vì các lý do ngớ ngẩn như dán sai nhãn và đem hủy, rơi rớt đâu đó hay hư hỏng trong khi vận chuyển, không được ghi chú vào catalog nên bị nhầm là băng nháp, hay bị bỏ quên ở các kho hàng ở bến tàu. Hồi năm 1972, nhà kho của MGM Records cũng từng bị cháy và hủy hoại khá nhiều các bản thu jazz, tuy nhiên sau đó vài tháng các bản thu khác lại tiếp tục được chất trên các kệ hở và chẳng có gì bảo vệ chúng cả. 1 người giấu tên trong ngành chua chát nói: "Giờ còn có ai quan tâm đến catalog. Những thứ từ 5 năm tuổi trở lên thì cũng giống như 1.000 năm thôi".
Thêm 1 người làm nghề nhận định: "Các ông giám đốc quản lý có biết gì về bản thu master đâu, cũng như chẳng quan tâm đến việc phải bảo quản chúng như thế nào, hay chúng có ý nghĩa gì". Thật vậy, bản thu master không được xem là thứ "mang về lợi nhuận", trong khi việc lưu trữ và bảo quản chúng chắc chắn phải tốn tiền rồi. Ngay cả các hãng thu lớn như Atlantic Records cũng tồn tại suy nghĩ tương tự. Phóng viên Holland trong bài viết cho Billboard có đề cập đến việc kho chứa ở Long Branch, N.J. của Atlantic Records trước đó là cửa hàng bách hóa của Sheldon Vogel, trưởng phòng tài chính của Atlantic Records. Việc này là do Ahmet Ertegun, chủ tịch của Atlantic Records, than phiền rằng chứa các bản thu bên trong studio quá chật chội, nên Sheldon Vogel đề xuất chuyển đến lưu trữ ở nơi của mình.
Vogel đang đi du lịch vào ngày 08/02/1978 thì nghe tin tòa nhà của mình bị cháy. Hơn 5,000 băng từ bị thiêu rụi hoàn toàn, trong đó phần lớn là các bản thu hiếm, bản thu mở rộng hay chưa được thương mại hóa của cả Atlantic Records và các nhãn thu con trong giai đoạn 1949~1969. Lúc bấy giờ đối với Atlantic Records các bản thu trên chẳng có chút giá trị gì, trong khi lại được nhận khoản bảo hiểm vài triệu USD. Nghe có vẻ như quá hời.
Aronson từng làm việc trong kho chứa của MCA và ông vẫn nhớ cái cách sắp xếp lộn xộn ở nơi đó. Các bản thu và băng từ được xếp lung tung giống như hở ra chỗ nào là nhét vào, không theo 1 thứ tự gì cả. Có những băng từ được xếp theo thứ tự nhưng sau đó lại lọt vào các băng khác hoàn toàn không liên quan gì. Băng từ cũng được lưu trữ ở tầng trệt của tòa nhà, trong phòng chứa phim gốc với nhiệt độ là ~1.67 độ C, thích hợp để trữ băng phim nhưng quá lạnh để trữ băng nhạc. Khi được vận chuyển đến kho ở Nam California, các băng từ được lấy ra khỏi kho lạnh và mang ngay đến vùng khí hậu nóng, gây ra hư hỏng rất nhiều. Aronson nhận được thông báo là nhiều băng bị giòn và đứt gãy khi lấy ra khỏi thùng chứa.
Năm 1990, thư viện nhạc của MCA được chuyển đến kho 6197. Kiến trúc được xây dựng để chứa các đồ đạc của công viên giải trí và được dành ra 1 góc xếp các băng từ vừa được mang đến. Kho cũng được lắp đặt các hệ thống an toàn thích hợp, và tuy góc chứa băng từ không quá lớn nhưng Aronson cũng tạm hài lòng với những gì mình có. Ông cũng chỉ đạo sắp xếp băng 1 cách khoa học và có thứ tự hơn, cần gì là có thể tìm kiếm được ngay. Mùa thu năm 1990, 1 nhân viên an ninh của Universal Studios đã cố tình phóng hỏa gần kho chứa và gây thiệt hại khoảng 25 triệu USD. Lửa có lan đến gần kho nhưng được dập kịp thời. Điều này làm Aronson nghi ngờ về an ninh tại đây, cũng như việc lưu trữ băng từ trong nhà kho có phải là quyết định đúng đắn hay không. Thêm nhiều tai nạn nữa xảy ra do các hình thức biểu diễn và giải trí của công viên, ví dụ như khu giải trí King Kong ngày nào cũng phun lửa và rất dễ gây cháy.
Tháng 05/2004 Aronson cũng phải đến New Jersey để giải quyết vấn đề của kho chứa tại đây. Kho nằm ở tầng trệt còn tầng lầu là 1 nhà hàng, do chất nhiều đồ đạc quá nên đã làm thủng sàn và gãy ống nước. Hậu quả là hơn 350,000 băng master cùng cả catalog của Motown bị hư hại vì ngập nước. Aronson giải quyết nhanh bằng cách đưa băng ra ngoài và thuê các xe tải có thùng lạnh để làm khô băng, tổng cộng tiêu tốn khoảng 12 triệu USD cho tất cả chi phí. Aronson nhiều lần kiến nghị với UMG về việc chuyển các băng từ sang nơi khác an toàn hơn, nhưng sau đó chỉ 1 số được tuyển chọn và chuyển đến Pennsylvania, phần còn lại vẫn nằm ở chỗ cũ. Lượng băng còn lại ở Building 6197 khoảng 120,000 - 175,000 băng, gần bằng con số thiệt hại mà ông đưa ra khi kho này bị cháy. Ông nói: "Dĩ nhiên là nơi đó có đơn vị cứu hỏa. Nhưng nhìn lại, tôi cũng cảm thấy kỳ quặc: Ai lại nghĩ đến việc chứa các băng từ trong kho của công viên giải trí?"
Danh sách catalog băng từ cực lớn
UMG bắt đầu dự án Project Phoenix vào tháng 10/2008 để tập hợp lại những bản sao của các băng master đã bị hủy hoại trong đám cháy. Những bản sao sẽ được số hóa và lưu trữ trong thư viện nhạc số, tuy có chất lượng thấp hơn các bản thu gốc nhưng ít nhất chúng vẫn còn sử dụng được. UMG tìm kiếm các bản thu ở nhiều nơi trên thế giới và dự án kéo dài trong 2 năm, thu về được khoảng 1/5 các bản thu đã mất. Các bản thu được chuyển đến Linear Tape-Open (LTO) để lưu trữ vào thư viện nhạc số, sau đó đưa đến cất giữ tại 2 kho thuộc quyền quản lý của Iron Mountain, đơn vị uy tín chuyên cung cấp dịch vụ kho chứa và an ninh.
Tháng 01/2011, UMG trao tặng khoảng 200,000 băng đĩa tổng hợp cho Library of Congress, trong đó có các bản thu với thời gian từ 1926 - 1948. Các bản thu master vật lý sẽ được quản lý bởi chính phủ, tuy nhiên UMG vẫn giữ bản quyền trí tuệ. Library of Congress sẽ được toàn quyền sử dụng những bản thu cho nhu cầu nghiên cứu của các học giả và nghiên cứu sinh, trong khi phía hãng thu vẫn sẽ có thể sử dụng chúng với mục đích thương mại. Đây là 1 quyết định sáng suốt của UMG để "trao lại" trách nhiệm lưu trữ cho bên khác, vừa tiết kiệm được chi phí lưu trữ mà vẫn có thể khai thác lợi nhuận từ bản thu.
Nhìn theo khía cạnh khác, việc số hóa các băng từ master là điều nên làm nhằm giảm thiểu các rủi ro về tai nạn, cũng như về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí lưu trữ hơn. Băng đĩa nhạc dù không có gì tác động đến chúng vẫn sẽ hư hại theo thời gian, do đó số hóa có thể chính là điều mà sớm muộn chúng ta sẽ phải làm. Nội dung kỹ thuật số có điểm yếu là tuy không hư hại dần dần nhưng nếu hư sẽ hư hẳn, không thể phục hồi được nữa. Bù lại chúng dễ bảo quản hơn và không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề môi trường, ví dụ như thời tiết hay bụi bặm chẳng hạn.
Randy Aronson chỉ mới bắt đầu bị thuyết phục và ghi danh tài khoản Spotify trong thời gian gần đây. Theo ông đánh giá, chất lượng nhạc stream qua mạng giống như nó được "master bên trong 1 lon nước ngọt", tuy nhiên về sự tiện dụng, không có gì phải bàn cãi. Khi trả lời phỏng vấn, ông vẫn tiếp tục hồi tưởng đến ngày định mệnh khi trước mặt ông là ngọn lửa cao ngút trời. Tiếp sau đó là những rắc rối pháp lý, những kiện tụng dài hơi và những bài báo phê bình, nhưng rồi mọi việc cũng đi qua. Aronson chia sẻ: “Trong các băng từ đã mất tôi nhớ là có nhiều bản thu vừa thu xong là mang cất ngay, đợi dịp thích hợp mới giới thiệu và phát hành thương mại. Có những bản thu của Nirvana với các track phụ chưa từng có ai nghe được, thật đáng tiếc! Chess Records cũng có nhiều chiếc hộp chỉ với mảnh giấy ghi "Session [số]" mà không có thêm bất cứ thông tin nào. Ai mà biết được có gì trong những thước băng đó? Chúng ta sẽ mãi mãi không thể biết được”.
Sẽ có nhiều người cho rằng tuy đáng tiếc nhưng mọi chuyện nên xảy ra như vậy. Số lượng bản thu master nhiều hay ít hoàn toàn không hề liên quan đến chất lượng của âm nhạc bên trong nó. Không kể đến Bings và Billies hay Nirvana, vẫn luôn có những bản thu khác không đạt chất lượng, và việc lưu trữ chúng chẳng có ý nghĩa gì. Điều này nghĩa là chúng ta chỉ cần giữ lại những gì hay nhất, tốt nhất. Có thể là vậy, tuy nhiên trong lịch sử âm nhạc cũng có những trường hợp 1 bản thu đã biến nghệ sĩ vô danh thành nổi tiếng, mang âm nhạc của họ đến cho nhiều người thưởng thức hơn. The Velvet Underground hay Nick Drake chính là những ví dụ điển hình nhất với các tác phẩm chỉ xuất hiện trong 1 đoạn quảng cáo nhỏ nhưng lại mang về danh tiếng và cơ hội khổng lồ.
Ở góc độ nghệ thuật, vụ cháy còn hơn cả một thảm họa. Không chỉ có ảnh hưởng đến UMG, nhiều hãng thu khác cũng không may mắn hơn. Điển hình trong đó có thể nhắc đến AVI Records với khoảng 9.866 băng từ bị hủy hoại, cũng là toàn bộ catalog của hãng. Đáng buồn cho chúng ta, cho đến khi mà các hãng thu nhận ra được tầm quan trọng của giá trị nghệ thuật bên trong các băng từ master, lúc đó chúng mới được bảo vệ 1 cách xứng đáng. Hiện nay, các băng từ lưu trữ giống như 1 gánh nặng hơn là nguồn lợi cho các hãng thu, đó là lý do vì sao chúng bị lơ là. Sự quan trọng của các bản thu master là không thể chối cãi, đóng vai trò là băng gốc để thực hiện tất cả những quy trình mixing, đồng thời chúng cũng có chất lượng âm thanh âm thanh nguyên bản nhất.
- Từ khóa :
- Universal Studios Hollywood
- ,
- Hỏa Hoạn
Gửi ý kiến của bạn