Khoảng giữa tháng 08/2019, với thử nghiệm trên chuột bạch, các nhà khoa học tại đại học Basel, Thụy Sỹ đã thành công trong việc biến tế bào ung thư vú thành mỡ, lợi dụng chính đặc điểm của tế bào ung thư và tế bào gốc.
Để dễ hình dung, khi ta bị đứt tay, hoặc khi bào thai hình thành các cơ quan nội tạng, tế bào biểu mô bắt đầu lòng hóa và biến thành một dạng tế bào gốc tên là tế bào trung mô, rồi biến thành bất kỳ dạng tế bào nào cơ thể cần để hoàn thiện. Quá trình được gọi là EMT (epithelial-mesenchymal transition). Bản thân tế bào ung thư cũng sinh trưởng và di căn theo quá trình EMT cũng như quá trình ngược lại là MET (mesenchymal‐to‐epithelial transition).
Lợi dụng điều này, các nhà khoa học Thụy Sỹ đã thử nghiệm chuột bạch với một dạng ung thư vú, rồi chữa bằng thuốc tiểu đường rosiglitazone và thuốc trị ung thư trametinib. Nhờ hai loại thuốc, khi tế bào ung thư sinh sôi thông qua hai quá trình EMT và MET, chúng bị biến thành tế bào mỡ, không còn khả năng gây nguy hại cho cơ thể. Không phải tất cả những tế bào ung thư trong khối u đều biến thành mỡ, nhưng những tế bào đã bị biến đổi không còn “quay lại” trở thành tế bào ung thư nữa. Cả hai loại thuốc rosiglitazone và trametinib đều đã được FDA cấp phép lưu hành nên giai đoạn thử nghiệm trên người có thể sẽ diễn ra sớm, hứa hẹn giúp con người chống lại ung thư và quá trình di căn.
Gửi ý kiến của bạn