
Khoảng cuối tháng 09/2019, một nghiên cứu mới được ba tác giả Stuart Soroka (đại học Michigan), Patrick Fournier (đại học Montreal) và Lilach Nir (đại học Jerusalem) thực hiện đã chỉ ra rằng, một lý do những trang tin và báo chí thường xuyên đăng tải những tin tức tiêu cực chính là vì “độc giả”.
Cụ thể, chúng ta có xu hướng phản ứng dữ dội hơn, bày tỏ cảm xúc cá nhân nhiều hơn khi đọc những tin tức mang tính tiêu cực. Các nhà khoa học đã phát hiện ra, tại 17 quốc gia, với hơn 1,000 người tham gia cuộc nghiên cứu, có một khái niệm tâm lý gọi là “thiên kiến tiêu cực” (negative bias), ảnh hưởng tới khả năng tiếp nhận thông tin khi theo dõi tin tức, đọc báo, xem clip thông tin của con người.
Báo cáo nghiên cứu có đề cập tới một xu hướng báo chí đã trở nên rất quen thuộc, tạm dịch là “không có lửa thì làm sao có khói”. Nó đánh trực tiếp vào sự tò mò của độc giả, khi những người làm báo chí đào sâu vào một chủ đề mang tính tiêu cực, như một scandal hay một vụ án để kích thích lượt người xem. Và hệ quả là, cứ mỗi lần có một sự vụ nào đó, có rất nhiều trang với những hướng khai thác nội dung khác nhau. Đó chính là nguyên nhân mà hiện nay những tin tức vui vẻ, khiến con người có thêm niềm tin vào cuộc sống ngày càng ít dần, vì chúng bị thế chỗ bởi những bài viết thu hút sự chú ý và đánh vào thiên kiến tiêu cực của độc giả. Chính người đọc hầu hết cũng muốn xem những tin tức tiêu cực, và phía truyền thông đơn thuần chỉ đang chiều lòng chúng ta để thu về lượt view.
Có 1,156 người tham gia thử nghiệm đã được cho ngồi xem 7 đoạn clip ngắn tin tức trên truyền hình, đeo tai nghe cách âm để theo dõi nội dung, và có cảm biến đo huyết áp, nhịp tim (HRV) và mức độ dãn da trên cơ thể (nSCL). Đây gần như là cách tốt nhất để phát hiện người xem phản ứng mạnh hơn với dạng tin tức nào. Hai con số sau đó được dùng để tính toán mức độ tác động của tin tức lên cơ thể con người. Họ phát hiện ra rằng, tin tức càng mang tính tiêu cực, tác động lên cơ thể càng rõ rệt, nghĩa là con người phản ứng mạnh hơn, có sự chú ý cao hơn với những tin không vui vẻ. Sai số của thông số ở từng quốc gia không sai khác quá nhiều, từ Trung Quốc đến Mỹ cho tới các quốc gia Châu Âu có người tham gia thử nghiệm.
- Từ khóa :
- tin tức tiêu cực
Gửi ý kiến của bạn