Nếu không “thông thiên văn tường địa lý”, quý vị nên suy nghĩ kỹ trước khi đặt chân tới đất Trùng Khánh. Nhìn từ phía xa, Trùng Khánh toát lên vẻ đẹp lấp lánh của “Dubai Trung Quốc”. Tiến tới gần, quý vị sẽ choáng ngợp với những tòa kiến trúc cao, đan xen vào nhau thành một khối hỗn độn mang một vẻ đẹp rất riêng.
Nhưng khi bắt đầu đi tới các ngóc ngách, lần theo từng đường cong của vẻ đẹp Trùng Khánh, quý vị có thể sẽ toát mồ hôi khi biết mình đã lạc đường. Những người hiểu rõ đường đi lối lại của thành phố rối rắm chắc đều đã đi làm nghề giao hàng (shipper) hết rồi, vì chỉ có họ mới tìm được lối thoát trong cơn ác mộng hoa lệ Trùng Khánh.
Không shipper đồ ăn nào tại Trùng Khánh sử dụng ứng dụng để tìm đường giao hàng, họ đều dựa vào kiến thức đường sá của mình để đi giao hàng. Hệ thống trí tuệ nhân tạo được cho là tiên tiến của Trung Quốc cũng phải bó tay trước những hệ thống đường chằng chịt.
Anh Li Lu, 25 tuổi, là nhân viên ship hàng của ứng dụng gọi đồ ăn Meituan Dianping. Vì Li Lu tới từ vùng ngoại ô Trùng Khánh, cũng khó trách được anh đã hoảng sợ tột cùng với đơn giao hàng đầu tiên của mình; anh mất tới hơn một giờ để tìm tới được cửa nhà khách hàng. Anh kể lại sau khi đã làm nghề ship cơm được nửa năm: “Nhìn vào bản đồ, quý vị sẽ thấy địa chỉ gần mình lắm. Nhưng thực chất nó nằm ở tầng 22 và phải đi hết một vòng mới tới được đó. Bản đồ chỉ mang tính chất tham khảo, mà quý vị phải thực sự quen đường mới đi được”.
Anh Xin Xiaoyong, nhân viên giao hàng 21 tuổi của công ty Ele.me, nhớ như in lần đầu tiên bị lạc lối trong mê cung Trùng Khánh: “Tôi đi mất hai giờ đồng hồ để tìm được đúng nhà. Tôi cứ đi theo bản đồ để rồi vào ngõ cụt. Tôi không quen ngõ ngách nơi đây, phải hỏi bốn năm người mới đến được chỗ cần đến”.
Trang South China Morning Post phỏng vấn khoảng một chục shipper nhân viên của hai ứng dụng giao hàng lớn nhất Trung Hoa, gần như tất cả mọi người đều không sử dụng tới đường vạch sẵn trên bản đồ. Họ phải tự làm quen với địa thế nơi mình thường lui tới để đi giao, nếu cứ mất vài giờ mới xong một đơn, họ sẽ sớm “chết đói” với cái nghề bạc bẽo; vì một shipper chuyển được càng nhiều hàng, anh ta sẽ càng kiếm được nhiều tiền.
Giáo sư khoa học thông tin địa lý Lin Hui cho biết: “Trùng Khánh là một thành phố 3D với hệ thống địa chỉ 3 chiều phức tạp, ví dụ, một tòa nhà có thể có hai địa chỉ phố khác nhau bởi tầng một ở một khu riêng, mà ở trên tầng bảy cùng tòa nhà lại thuộc một con phố trên cao khác”. Lấy ví dụ về một tòa nhà cao 24 tầng ở quận Du Trung: cao đến 24 tầng mà không có thang máy, chỉ có 3 lối thoát mà mỗi đường lại dẫn ra một con phố khác nhau.
Địa hình đồi núi của Trùng Khánh là yếu tố chính khiến nhà cửa nơi đây hỗn loạn đến vậy, danh tiếng của Thành Phố Thẳng Đứng đã xuất hiện từ hồi thế kỷ 19. Đến thời hiện đại, người dân Trung Quốc đặt cho Trùng Khánh cái tên là “Thành Phố Ảo Mộng 8D”, một khu dân cư đông đúc với 4 mặt đều được bọc bởi núi.
Các ứng dụng đặt và giao hàng của Trung Quốc dựa vào sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để ghép đơn, đưa ra lộ trình tối ưu nhất cho các shipper. Hệ thống sẽ tính thời gian giao hàng thực tế, dựa trên cơ sở dữ liệu là hàng nghìn order mỗi ngày, để dự đoán thời gian hàng tới nơi và tìm ra cung đường hợp lý nhất để rút ngắn thời gian giao hàng tới mức tối đa.
Những doanh nghiệp muốn phát triển ngành giao đồ ăn không chỉ cần shipper dẻo chân, đầu bếp dẻo tay mà còn cần cả thuật toán định vị chính xác. Ngược lại với những nơi có địa hình khá bằng phẳng như Bắc Kinh hay Thượng Hải, sức mạnh của trí tuệ nhân tạo cũng phải bó tay trước sự rối rắm của thành phố ảo mộng tám chiều không gian.
Giáo sư Chen Wu giải thích: “Tại Trùng Khánh, việc xác định vị trí theo cả bề dọc lẫn chiều ngang đều gặp nhiều lỗi. Vệ tinh không thể cung cấp vị trí chính xác do khu vực này nhiều đồi núi. Thuật toán dẫn đường vẽ ra được bản đồ 3D nhưng lại vô dụng nếu như vị trí ban đầu sai lệch”.
Còn với những người phải đích thân đi giao hàng, việc đồ ăn tới muộn sẽ đi kèm với lời phàn nàn của khách và giảm thu nhập. Công việc ship đồ ăn kiếm về cho họ từ 7,000 NDT (tương đương 983 USD) cho tới 8,000 NDT (1,123 USD) mỗi tháng, có những người shipper kiếm về được tới 10,000 NDT (1,404 USD) chỉ với công việc giao hàng, nhiều hơn cả lương công nhân lắp ráp đồ điện tử.
Songdan, shipper 21 tuổi cho hãng Meituan chia sẻ: “Ngày nào chúng tôi chẳng phải chạy đua với thời gian. Đôi lúc nhìn thấy ứng dụng báo chỉ còn ba phút nữa là tới hạn giao hàng, tôi phải vắt chân lên cổ mà chạy thôi. Nhưng mãi rồi tôi cũng quen”.
Các hãng lớn đừng đằng sau ứng dụng mua hàng hiểu rõ những khổ đau shipper phải trải qua, họ đang cố gắng cải thiện công nghệ của mình. Phát ngôn viên của Meituan nói với báo giới: “Địa hình Trùng Khánh nhấp nhô uốn lượn, quá khó để tìm ra đường giao hàng tối ưu nhất. Chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật bản đồ thông qua dữ liệu thu thập được và tìm kiếm giải pháp mới từ một góc nhìn khác”.
Về phía Ele.me, công ty hứa hẹn sẽ tiếp tục cải thiện dịch vụ cung cấp bản đồ để tăng khả năng tìm đường, dẫn đường cho các tài xế. Ele.me sẵn sàng mời những người giao hàng giàu kinh nghiệm về để huấn luyện cho những nhân viên mới.
Theo báo cáo của Daxue Consulting, thị trường đồ takeaway (đồ ăn mang đi) tại Trung Quốc trị giá 37 tỷ USD, với 355 triệu người sử dụng smartphone để gọi đồ trực tuyến. Cải thiện được công nghệ dẫn đường, 25% người dân Trung Quốc sẽ sung sướng hưởng bữa ăn nóng nổi, tránh được thảm cảnh shipper đói quá ăn cả đồ của khách.
Đó mới chỉ là về địa hình, kiến trúc hỗn loạn của đất Trùng Khánh khiến người ta muôn phần e dè thôi. Nếu dị ứng với kiểu thời tiết trái khoáy, quý vị cũng nên tránh Trùng Khánh: nơi đây là một trong “Tam đại hỏa lô” thuộc sông Trường Giang, bên cạnh Vũ Hán và Nam Kinh, mùa hè của ba thành phố thuộc hàng nóng và ẩm nhất Trung Quốc. Mùa đông thì đã ngắn, lại còn ẩm ướt và u ám. Đường sá thì đông, không khí thì ngột ngạt, nhưng bù lại Trùng Khánh được nhiều người nhận xét rằng có nhiều đồ ăn ngon.
- Từ khóa :
- Trùng Khánh
- ,
- Trung Quốc
Gửi ý kiến của bạn