Không Còn Tăng Trưởng Bùng Nổ, Trung Quốc Đang Mất Đi Một Thế Hệ Lao Động Công Nghệ

11 Tháng Mười 20198:30 SA(Xem: 7137)
Không Còn Tăng Trưởng Bùng Nổ, Trung Quốc Đang Mất Đi Một Thế Hệ Lao Động Công Nghệ
conference-room-768441_1280

Terry Hu lần đầu cảm nhận được vấn đề ở nơi làm việc của mình – một startup về game tại Bắc Kinh – khi ông chủ ngừng xuất hiện ở văn phòng. Sau đó hàng núi quà tặng miễn phí cho người dùng – những thẻ quà tặng, đồ chơi – cũng dần biến mất. Cuối cùng nhà đồng sáng lập cho biết, nguồn quỹ cho công ty đã cạn kiệt. Hu và 2/3 nhân viên bị sa thải.

Hu chia sẻ: “Ông ấy nói chúng tôi là những người giỏi nhất và sáng láng nhất, rằng chúng tôi có thể trở lại và làm việc cho công ty vào một ngày nào đó trong tương lai. Thật là rác rưởi”, nhưng anh từ chối không đề cập đến tên công ty vì lo ngại ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình. Sau đó anh mất đến 3 tháng để tìm cho mình một chỗ làm mới tại trung tâm tiếng Anh, thoát khỏi lĩnh vực công nghệ từng rất hấp dẫn. Anh nói: “Tôi đã học được một bài học”.

Đây cũng là thực trạng mới mà một thế hệ lao động trong ngành công nghệ Trung Quốc phải đối mặt khi ngành công nghệ đang phải đối mặt với tình hình tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng năm 2008 đến 2019. Đà tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã chấm dứt thời kỳ bùng nổ đã khai sinh những công ty lớn trong làng công nghệ Trung Quốc như Alibaba hay Tencent.

Tan vỡ giấc mộng làm giàu trong ngành công nghệ

Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu Preqin, tính từ đầu 2019, các startup ở Trung Quốc đại lục chỉ huy động được 32.5 tỷ USD thông qua các thỏa thuận với quỹ đầu tư mạo hiểm, chưa bằng 1/3 tổng số vốn 111.8 tỷ USD của cả năm ngoái. Lượng công việc mất đi cũng tăng lên và lượng tuyển dụng mới cũng giảm đi. Theo nền tảng tuyển dụng Zhaopin, số công việc mới về Internet và thương mại điện tử giảm đến 13% trong quý hai năm 2019. Các doanh nghiệp cũng kém sẵn sàng hơn cho việc đầu tư mạo hiểm, dẫn đến nhịp độ sáng tạo đang giảm dần.

Lời hứa ngầm khét tiếng từng dành cho lao động trong ngành công nghệ của Trung Quốc – làm nhiều và giàu nhanh – đã không còn nữa. Trong nhiều năm, các lao động trong ngành công nghệ tại Trung Quốc đã chấp nhận lịch làm việc 996 – 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày một tuần, thậm chí làm qua đêm và thêm giờ - để đổi lấy sự giàu có mà họ thèm muốn trước đây.

Hiện nay, nhiều người sẵn sàng nhận lấy mức lương thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 2,000 USD mỗi tháng như trường hợp của Hu. Họ nhận ra rằng, lòng trung thành mù quáng không phải lúc nào cũng được đền bù xứng đáng. Trong tháng 03/2019, hàng loạt các lập trình viên ẩn danh của Trung Quốc đã dùng nền tảng chia sẻ mã nguồn GitHub để phản đối lịch làm việc 996. Họ liệt kê một danh sách đen các công ty không trả tiền làm thêm giờ và gửi khiếu nại về ông chủ của mình lên các cơ quan quản lý địa phương về lao động. Bài đăng trên GitHub của họ đã lan rộng ra toàn cầu và thu hút đến gần 1/4 triệu người theo dõi. Nhiều cái tên trong danh sách đó cũng là các công ty tiếng tăm ở Trung Quốc như Alibaba, hay JD.com, khi những người sáng lập như ông Jack Ma hay Richard Liu đều lên tiếng ủng hộ nhiệt thành cho 996.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghệ Trung Quốc. Tháng 05/2019, Huawei bị chính phủ Mỹ cấm mua linh kiện từ Mỹ và gần đây nhất là 8 công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Làm gia tăng sự bất mãn của các lao động trong ngành công nghệ vào thời điểm hiện nay sẽ càng làm suy giảm tăng trưởng của cả ngành. Brock Silvers, giám đốc quản lý tại hãng đầu tư Kaiyuan Capital tại Thượng Hải cho biết: “Đối mặt với việc thu nhập ngày càng khó khăn hơn, những người làm 996 ở Trung Quốc có thể mất đi nhiệt huyết của mình. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhu cầu đang tăng trưởng của ngành công nghệ Trung Quốc”

Suji Yan, nhà sáng lập 23 tuổi của hãng riêng tư dữ liệu Dimension tại Thượng Hải, cho biết, thế hệ trẻ hiện nay trân trọng việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn, và anh cho phép các nhân viên của mình có thể linh hoạt trong giờ làm việc cũng như có thể làm việc từ xa ở bất cứ đâu trên toàn cầu. Anh cho rằng sẽ mất từ một đến hai thập kỷ để thay đổi văn hóa làm việc căng thẳng của Trung Quốc.

Khi giấc mộng làm giàu tan vỡ, các lập trình viên càng ngày càng nhận ra rằng họ chỉ là những người lao động bình thường, những người ngang hàng với các anh chàng giao hàng thực phẩm và cũng đáng thương giống như họ. Trong lần suy thoái của ngành công nghệ Trung Quốc vào năm 2016, hàng loạt công ty dừng tuyển dụng và cắt giảm lao động, trong số đó nhiều công ty còn cho biết điều chỉnh lại giá trị sổ sách, định giá lại tài sản và cắt giảm chi phí. Điều này làm cho các nhà đầu tư thận trọng chỉ rót tiền vào các công ty đã có nền tảng sẵn, giúp đẩy mạnh giá trị của những startup lớn nhất cả nước và tạo nên sự trỗi dậy của một số “người khổng lồ công nghệ” kiểm soát hầu hết mọi lĩnh vực.

Nhưng hiện nay, chính các startup khổng lồ đó lại đang nếm trải nỗi đau

Full Truck Alliance, ứng dụng gọi xe tải được chính SoftBank hậu thuẫn, đã phải thu hồi kế hoạch huy động 1 tỷ USD, trong khi startup trí tuệ nhân tạo SenseTime Group cho biết, họ đang trong "lộ trình bí mật" và không có mục tiêu gọi vốn nào. Chỉ vài tháng trước, chính startup cho biết họ chuẩn bị đàm phán để huy động thêm 2 tỷ USD nữa. Dịch vụ gọi xe Didi Chuxing đang có kế hoạch nội bộ nhằm cắt giảm 25% lực lượng lao động vào đầu năm 2019. Ngay cả Alibaba cũng cho biết đang tạm thời ngừng tuyển dụng.

Với công ty mạng xã hội nơi Cherry Wang đang làm việc, tình trạng quá tải lao động từng là điều bình thường trước đây và luôn không có đủ bàn làm việc cho mọi người. Nhưng hiện nay, hàng dãy bàn đang để trống và nhà quản lý sản phẩm phải nhìn các đồng nghiệp của mình đóng gói đồ đạc và rời đi. Wang cho biết, khoảng 10% lực lượng lao động đã bị cắt giảm từ cuối năm 2018. Nhưng cô không dám tiết lộ tên công ty vì sợ mất việc.

Vicky Ren, 26 tuổi, rất biết ơn vì không còn phải chịu đựng những giờ làm việc dài đằng đẵng ở các công ty công nghệ Trung Quốc nữa. Từng dành 2 năm với vị trí chuyên viên tiếp thị cho một công ty Internet Trung Quốc, Ren ngày càng thất vọng khi phải đối mặt với những lần di chuyển qua lại bất tận giữa các trụ sở tại Trung Quốc và giờ làm việc kéo dài – việc tan làm lúc 10h tối đã trở thành điều bình thường. Cuối cùng cô nghỉ việc vào tháng 05/2019.

Hiện nay cô đã tìm được một việc làm bán đồ gia dụng cho công ty Mỹ, nơi thu nhập tăng thêm 30% và cô chỉ phải làm từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Cô hoàn thành được nhiều việc hơn và các nhân viên được khuyến khích hoàn thành hết mọi việc trong giờ làm việc thông thường. Ren cho biết: “Mọi người ở đây đều thấy việc làm ngoài giờ thật kỳ quặc”

53Vote
42Vote
32Vote
22Vote
12Vote
3.211
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).