Từ năm 2010 đến 2019, ngành công nghệ thông tin phát triển mãnh liệt, kéo theo không ít các vụ bê bối. Các hãng công nghệ dần trở thành tâm điểm của những vấn đề xã hội, chính trị tại Mỹ và toàn cầu. Facebook, Apple, Google – ba trong số những công ty quyền lực nhất hành tinh – đều liên quan tới không ít thì nhiều những vụ việc chấn động thế giới. Trang Business Insider đã điểm lại một số bê bối có ảnh hưởng lớn nhất trong 10 năm qua:
Năm 2010
Ít nhất 14 công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn ở Thẩm Quyến, Trung Quốc đã tự sát trong năm 2010. Foxconn là đối tác lắp ráp sản phẩm của Apple, Nintendo, HP. Theo The Wall Street Journal, điều kiện làm việc tại đây bị xem là địa ngục, tăng ca liên tục, quản lý thô bạo. Nhân viên có thể bị trừ lương vì những sai phạm nhỏ nhất. Thậm chí, báo chí còn đưa tin nhà máy lắp cả lưới an toàn để ngăn công nhân nhảy lầu và yêu cầu họ ký thỏa thuận không tự sát. Apple, HP và các khách hàng khác đều nói đã gây áp lực buộc Foxconn cải thiện điều kiện làm việc sau hàng loạt vụ tự sát. Trung Quốc cũng ra luật mới năm 2012 hạn chế giờ làm thêm của người lao động.
Năm 2013
Edward Snowden là một trong những người tố giác vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cựu nhân viên nhà thầu NSA từng theo dõi tài khoản Yahoo, Google của nhiều người, đọc tin nhắn, âm thanh, video mà họ không hề hay biết. Google và Yahoo đều bày tỏ sự ngạc nhiên trước tiết lộ của Snowden và khẳng định họ không cho phép chính phủ truy cập máy chủ. Tuy nhiên, trong một thông báo, Google thừa nhận lo lắng từ lâu về khả năng theo dõi. Snowden vẫn đang đối mặt với tội danh vi phạm Luật gián điệp và sống lưu vong tại Nga.
Năm 2015
Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) phát hiện hãng xe hơi Volkswagen sử dụng thiết bị bí mật trên xe hơi, phát hiện khi chúng được thử nghiệm khí thải và làm giả kết quả để trông như chúng thân thiện môi trường. Volkswagen đã thừa nhận cáo buộc, cho biết 11 triệu xe hơi cài thiết bị. Nhà sản xuất xe Đức đồng ý trả 4.3 tỷ USD tiền phạt cho Mỹ và phải chi hơn 22 tỷ USD để xử lý các khiếu nại từ nhà quản lý cũng như chủ xe. 6 lãnh đạo công ty đối mặt với tội danh hình sự vì liên quan đến vụ việc.
Năm 2016
1. Trong hơn một thập kỷ, Apple điều tiết mọi hoạt động tại Châu Âu qua Ireland, lợi dụng chính sách thuế của “thiên đường thuế” và trốn được khoản tiền thuế phải nộp khổng lồ. Hồi năm 2013, Liên minh Châu Âu (EU) khép lại cuộc điều tra kéo dài 3 năm với kết luận việc lách luật là bất hợp pháp. EU yêu cầu Apple phải trả 14.5 tỷ USD tiền thuế. Apple kháng cáo và cho biết sẽ suy nghĩ lại về hoạt động kinh doanh tại Châu Âu.
2. Là một trong các startup nổi tiếng nhất 10 năm qua, Theranos đã tuyên bố đóng cửa phòng thí nghiệm năm 2016. Elizabeth Holmes, nhà sáng lập kiêm CEO startup, rơi xuống đáy vực sau khi công ty không thể chứng minh được phương pháp xét nghiệm chỉ nhờ 1-2 giọt máu bằng thiết bị siêu nhỏ của mình. Elizabeth Holmes đã trở thành “kẻ bốc phét thế kỷ” và đang bị điều tra cũng như đối mặt với tội danh lừa đảo.
3. Samsung phải triệu hồi toàn bộ Galaxy Note 7 vào tháng 09/2016 sau khi một số máy phát nổ. Công ty cũng phải dừng hoàn toàn việc sản xuất thiết bị. Thảm họa khiến Samsung tổn thất lớn cả về uy tín lẫn doanh thu.
Năm 2017
Tháng 09/2017, Facebook tiết lộ các thế lực có thể có nguồn gốc từ Nga đã chi 100,000 USD chạy quảng cáo Facebook từ tháng 06/2015 với mục đích can thiệp kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trước đó, mạng xã hội liên tục nhấn mạnh không có lý do gì để nghi ngờ Nga liên quan tới hành vi trên.
Năm 2018
1. Cuối năm 2018, hàng nghìn nhân viên Google khắp thế giới diễu hành phản đối cách xử lý của công ty trước các khiếu nại quấy rối tình dục, phân biệt đối xử của quan chức cấp cao. Trang New York Times đưa tin Google đã bảo vệ Andy Rubin, người bị tố cáo vi phạm đạo đức công ty trong khi xử lý bất công đối với người tố cáo. Rubin còn nhận được hàng chục triệu USD để rời Google. CEO Google Sundar Pichai thừa nhận thiếu sót và cam kết “biến ý tưởng thành hành động”.
2. Sau bài điều tra gây sốc của trang The Guardian, Facebook dừng hợp tác với Cambridge Analytica. Công ty đã lấy và sử dụng dữ liệu hàng triệu người dùng để phục vụ cho quảng cáo ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc bầu cử 2016. Chiến dịch của ông Trump được cho là đã chi cho Cambridge Analytica hàng triệu USD cho dịch vụ của mình, vi phạm điều khoản đối tác quảng cáo của Facebook.
3. Google âm thầm thiết lập quan hệ với Lầu Năm Góc trong dự án phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo phân tích, trợ giúp tấn công bằng máy bay không người lái. Ít người biết đến dự án và sau khi bị Gizmodo phanh phui, Google đối mặt với làn sóng phản đối rộng rãi từ nhân viên. Công ty buộc phải dừng ký mới hợp đồng với Lầu Năm Góc.
Năm 2019
Chỉ trong vòng một tháng, giá trị của startup chia sẻ không gian làm việc WeWork rơi từ 47 tỷ USD xuống 8 tỷ USD. CEO Adam Neumann bị buộc rời vị trí, hủy bỏ kế hoạch IPO sau khi các nhà đầu tư và truyền thông đặt câu hỏi về tài chính và phong cách quản lý của startup. Công ty dự định sa thải 25% nhân viên trong những tháng tiếp theo trong nỗ lực ổn định kinh doanh.
Gửi ý kiến của bạn