Là một nhân viên vệ sinh văn phòng, Gan Xiaoge chứng kiến tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc và những cơ hội mà nó mang lại.
Gan Xiaoge bắt xe gần 200 km từ tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc đến Bắc Kinh để tìm việc vài năm trước, khi nền kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều cơ hội việc làm với nguồn thu nhập khá cho những người nghèo như cô.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại và giá các nhu yếu phẩm như thịt lợn tăng chóng mặt do hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi, Gan cũng như hàng trăm nghìn người lao động Trung Quốc khác bắt đầu "tỉnh mộng". Cô nói: “Giá thịt lợn tăng quá mạnh trong những tháng gần đây và tôi sắp không thể mua nổi thịt nữa. Chủ nhà đã tăng tiền thuê nhà từ 500 NDT (71 USD) lên 800 NDT (114 USD) rồi tăng tiếp lên 1,000 NDT (142 USD) chỉ trong ba tháng”
GDP của Trung Quốc tăng 6% trong vòng Quý 3, gấp ba lần tăng trưởng GDP Mỹ (1.9%) và là mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc đối với quốc gia có diện tích lớn như vậy. Tuy nhiên, đây lại là mức tăng thấp nhất của Trung Quốc từ năm 1992.
Tăng trưởng kinh tế chững lại đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của những người lao động tha hương như Gan và các nhóm thu nhập thấp. Gan cho biết: “Chúng tôi không được bảo vệ trước việc giá thuê nhà tăng vọt và chủ nhà luôn có thể dễ dàng tìm được người thuê mới. Mức lương ở Bắc Kinh chỉ vừa đủ để sống qua ngày”.
Những người đồng cảnh ngộ như Gan đang cảm nhận ảnh hưởng từ giảm tốc kinh tế theo nhiều cách khác nhau, trong đó có thị trường việc làm. Theo Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị Quý 3 của Trung Quốc ở mức 3.61%. Chỉ số ở duy trì ở mức gần 4% trong nhiều năm qua, và tương đương với tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều công ty sản xuất Trung Quốc quyết định sa thải nhân viên khi các đơn đặt hàng nước ngoài giảm mạnh do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Chỉ số người có việc làm của Trung Quốc giảm xuống mức dưới 47% hồi tháng 08/2019, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007 - 2008. Chỉ số đã tăng nhẹ lên 47.3% vào tháng 10/2019, song tỷ lệ việc làm dưới 50% cho thấy nhiều nhà xưởng đang cắt giảm nhân công.
Thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu năm 2018. Một trong những lý do dẫn đến sự giảm tốc là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm nợ công và bất bình đẳng xã hội, điều vốn trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ Trung Quốc theo đuổi chiến lược tập trung vào xuất khẩu nhằm xây dựng nền công nghiệp hàng đầu thế giới với nguồn nhân công giá rẻ.
Hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách ứng phó với "tác dụng phụ" từ chiến lược trên bằng cách giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu và biến tiêu dùng trong nước thành động lực tăng trưởng. Một số chuyên gia cho rằng chiến lược mới của ông Tập vẫn chưa cho thấy "trái ngọt".
Diana Choyleva, người đứng đầu nhóm chuyên gia kinh tế tại công ty dự đoán chính trị và kinh tế vĩ mô Enodo Economics, nhận định: “Bắc Kinh đang chật vật tái cân bằng tăng trưởng kinh tế theo hướng chi tiêu tiêu dùng, điều cho thấy bất cứ nỗ lực kích thích tăng trưởng nào cũng sẽ tập trung vào đầu tư. Có vẻ như ông Tập đã sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Ông quan tâm đến việc giảm tình trạng bất bình đẳng và giải quyết mối đe dọa từ vấn đề đó hơn là tăng trưởng kinh tế và các thị trường tài chính”.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế sụt giảm chỉ là một trong những lý do bóp nghẹt thu nhập của người lao động.
Sự bùng phát của dịch tả lợn Châu Phi, buộc các cơ quan chức năng phải tiêu hủy hàng triệu con lợn và khiến nguồn cung thịt lợn giảm, dẫn đến giá hàng hóa tăng chóng mặt.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá tiêu dùng trong tháng 09/2019 tăng 3% so cùng kỳ năm 2018, mức tăng lớn nhất trong gần 6 năm qua, nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn tăng.
Người Trung Quốc có truyền thống tiết kiệm, với tỷ lệ tiết kiệm hơn hẳn người dân ở phần lớn các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kể từ khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chạm đỉnh hồi năm 2010, tiết kiệm hộ gia đình theo phần trăm thu nhập đã giảm dần đều. Chỉ số tiết kiệm giảm khi chính phủ khuyến khích tiêu dùng trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu.
Trong khi đó, nợ của hộ gia đình tăng đáng kể trong cùng thời gian. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tổng nợ hộ gia đình Trung Quốc ở mức 50.3% GDP hồi tháng 06/2018, cao hơn mức trung bình của các thị trường mới nổi và tăng 32% so với 10 năm trước. IMF cho rằng việc chỉ số tăng làm dấy lên những lo ngại rằng việc nợ tiếp tục tăng có thể dẫn đến những tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính.
Không chỉ có các hộ gia đình đang tích lũy nợ, chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Nick Marro, chuyên gia về thương mại thế giới của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), cho biết ông không bất ngờ trước sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông ước tính rằng số liệu tăng trưởng thực tế có thể sẽ còn thấp hơn nếu không tính tác động từ các đợt cắt giảm thuế.
Chính phủ Trung Quốc đã giảm các khoản thuế để thúc đẩy chi tiêu và kích thích tăng trưởng, song điều này cũng để lại một "tác dụng phụ" là giảm nguồn thu ngân sách của các chính quyền địa phương, buộc họ phải tăng vay.
Marro nhận định: “Việc phụ thuộc ngày một nhiều vào các khoản nợ không bền vững để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ là mối đe dọa đến nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các chính sách tăng trưởng quyết liệt hơn sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ công hiện nay, điều sẽ ảnh hướng đến sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc trong trung và dài hạn”
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế giảm tốc cũng không đồng đều trên cả nước, điều đang khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu.
Theo số liệu chính thức, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế của 14/25 tỉnh thành ở Trung Quốc tăng cao hơn mức trung bình quốc gia. Sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng cũng rất lớn, với tỉnh Vân Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở mức 9.2%, trong khi tỉnh Thiên Tân ở gần Bắc Kinh lại đứng chót với 4.6%.
Việc tốc độ tăng trưởng của các địa phương có sự chênh lệch lớn khiến chính quyền Trung Quốc không thể áp dụng các giải pháp "phù hợp với tất cả", trong khi tình trạng sụt giảm của kinh tế quốc gia cho thấy các vùng ít nguồn lực đang chịu đau đớn nhiều hơn. Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, chia sẻ với Al Jazeera: “Thông thường, các tỉnh ven biển được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước các biến động kinh tế, vì họ có nhiều tài nguyên kinh tế hơn, từ doanh nghiệp, chính quyền, nguồn nhân lực và lao động. Các tỉnh đông bắc và miền trung Trung Quốc có năng suất thấp hơn và nhiều khả năng cũng đang có mức nợ công cao”.
Trong khi chính phủ Trung Quốc có ít lựa chọn để giảm thiểu tác động của giảm tốc kinh tế, cách để những lao động nghèo như Gan vượt qua tình cảnh khó khăn có vẻ rõ ràng hơn. Gan nói: “Tôi sẽ nhận thêm việc bán thời gian và cắt giảm các khoản chi không cần thiết”.
- Từ khóa :
- kinh tế
- ,
- Trung Quốc
- ,
- Người Nghèo
Gửi ý kiến của bạn