
EU gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng sau khi thượng đỉnh bốn bên không đạt được đột phá trong giải quyết xung đột ở Ukraine.
Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đăng trên Twitter: “Quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt Nga đã được thông qua”. Theo đó, lệnh trừng phạt nhắm vào toàn bộ lĩnh vực của nền kinh tế Nga, trong đó có các doanh nghiệp dầu mỏ, đã được gia hạn đến giữa năm 2020.
Động thái của Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra vài ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh bốn bên giữa Ukraine, Nga, Pháp và Đức ở Paris không đem lại bước đột phá lớn để giải quyết cuộc xung đột kéo dài 5 năm tại miền đông Ukraine.
Tại hội nghị, các bên cam kết thực hiện đầy đủ và toàn diện lệnh ngừng bắn, được củng cố bằng các biện pháp hỗ trợ ngừng bắn cần thiết trước khi kết thúc năm 2019. Các lãnh đạo cũng thống nhất cho rằng ba khu vực xung đột ở miền đông Ukraine nên đạt thỏa thuận để các bên tiến hành kế hoạch rút quân mới cho đến tháng 03/2020.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine nói ông thấy tiếc vì chỉ đạt được rất ít kết quả mong đợi. Zelensky cho hay: “Nhiều câu hỏi đã được giải quyết và các đối tác của tôi nói rằng đó là kết quả rất tốt cho cuộc họp đầu tiên. Nhưng thật lòng mà nói tôi thấy rất ít kết quả, tôi muốn giải quyết một số vấn đề lớn hơn”
Các biện pháp trừng phạt Nga lần đầu được EU áp dụng sau khi máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại miền đông Ukraine vào năm 2014. Lệnh trừng phạt được gia hạn 6 tháng một lần.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây bắt đầu kêu gọi làm "tan băng" quan hệ với Nga, song EU vẫn khẳng định phải thực hiện đầy đủ Hiệp định Minsk 2015 trước khi bình thường hóa quan hệ.
Hiệp định Minsk được cả Moskva và Kiev tán thành nhằm mục đích chấm dứt xung đột và tìm giải pháp chính trị cho các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, xung đột vẫn kéo dài dai dẳng.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, người luôn ủng hộ Ukraine và tán thành các biện pháp trừng phạt Nga, nói rằng nên duy trì trừng phạt bởi Nga cần có động lực để đạt được những cam kết trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán. Nauseda cho biết hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Paris ngày 09/12/2019 chỉ là "bước đầu tiên".
Tổng thống Litva khẳng định: “Tôi nghĩ rằng Nga cần hợp tác hơn nữa để đạt kết quả. Cho đến nay những nhượng bộ mà chúng ta thấy đang đến từ phía Ukraine. Tôi muốn thấy Nga sẵn lòng hơn để đi tới kết quả cuối cùng”
Xung đột tại Donetsk và Lugansk, miền đông Ukraine, đã khiến hơn 13,000 người thiệt mạng. Quân đội Ukraine và phe ly khai tuần trước thực hiện giai đoạn cuối của việc rút quân, được xem là tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh bốn bên tại Paris. Quan hệ Nga - Ukraine được nhận định có chiều hướng tích cực hơn kể từ khi Tổng thống Zelensky lên nắm quyền hồi tháng 05/2019.
- Từ khóa :
- EU
- ,
- Nga
- ,
- Trừng phạt
Gửi ý kiến của bạn