
Khoảng đầu tháng 01/2020, chính quyền Trump bắt đầu soạn thảo các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể đối với Baghdad trong trường hợp Iraq trục xuất quân đội Mỹ.
Theo ba nguồn tin giấu tên được tiếp cận kế hoạch trên của chính quyền, Mỹ bắt đầu soạn thảo các biện pháp trừng phạt đối với Iraq. Động thái diễn ra sau khi Trump tuyên bố sẽ áp trừng phạt kinh tế "chưa từng có" với Iraq nếu họ trục xuất quân đội Mỹ.
Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết đề nghị chính phủ ngừng yêu cầu hỗ trợ từ liên quân do Mỹ dẫn đầu, sau khi Mỹ tiến hành cuộc không kích hạ sát tướng Iran Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ngày 03/01/2020.
Washington chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp trừng phạt với Iraq. Một quan chức cho biết kế hoạch vẫn để mở và sẽ chờ xem Baghdad có tiến hành trục xuất quân đội Mỹ khỏi Iraq hay không.
Bộ Tài chính và Nhà Trắng sẽ là cơ quan chỉ đạo trong trường hợp các lệnh trừng phạt được thực thi. Các quan chức còn cho rằng đây là động thái "rất bất thường" chống lại một đồng minh nước ngoài mà Mỹ đã dành gần hai thập kỷ và hàng trăm tỷ USD hỗ trợ.
Erich Ferrari, luật sư chuyên về luật trừng phạt của Mỹ cho biết: “Tổng thống hoàn toàn có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iraq. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ tạo tiền lệ xấu. Ở mức độ tối thiểu là thiếu tôn trọng chủ quyền. Nếu các ông bắt chúng tôi rời đi, chúng tôi sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với các ông”.
Trừng phạt kinh tế là một cách Nhà Trắng sử dụng để cô lập, nhắm vào một cá nhân, một công ty hay một chính phủ. Ví dụ, Nhà Trắng có thể cấm các doanh nghiệp Mỹ làm việc với các doanh nghiệp Iraq. Tuy nhiên, Trump hiện để ngỏ nhiều kịch bản, cả về quân sự lẫn kinh tế nhắm vào Iran và Iraq, tùy thuộc cách hai nước phản ứng.
Phát biểu với phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một khi đang trên đường từ Florida về Washington cùng ngày, Donald Trump nói rằng chi phí cho các căn cứ Mỹ ở Iraq "rất đắt đỏ": “Rất lâu từ trước thời của tôi, nước Mỹ đã tốn hàng tỷ USD để xây dựng các căn cứ. Chúng tôi sẽ không rời đi trừ khi họ trả lại tiền cho chúng tôi”.
Thư của một chỉ huy đặc nhiệm Mỹ có nói sẽ rút quân về để đảm bảo chủ quyền của Iraq, nhưng Lầu Năm Góc bác bỏ thông tin. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói: “Bức thư đó không phù hợp với tình hình hiện tại của chúng tôi”, và khẳng định Washington không rút quân khỏi Iraq.
Một số chuyên gia cho rằng sẽ khó có thể thực thi các biện pháp trừng phạt với Iraq mà không gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ do liên kết giữa hai quốc gia suốt 17 năm qua, kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến ở Iraq. Hàng nghìn lính Mỹ chết khi chiến đấu ở Iraq từ 2003 và cuộc chiến ngốn của chính quyền Washington khoảng một nghìn tỷ USD.
- Từ khóa :
- Mỹ
- ,
- Phương Án Trừng Phạt Kinh Tế
- ,
- Iraq
Gửi ý kiến của bạn