Tháng 01/2020, theo đơn vị nghiên cứu bảo mật Sophos, một dạng lừa đảo thông qua ứng dụng mới gọi là fleeceware đang hoành hành trên chợ ứng dụng Google Play Store. Khoảng hơn 20 ứng dụng trên Play Store đã ảnh hưởng tới khoảng 600 triệu người dùng. Các ứng dụng cũng đa dạng, từ chỉnh sửa video, đến bàn phím ảo và thậm chí cả ứng dụng coi bói xem chỉ tay.
Sophos cho biết: “Chúng tôi muốn cảnh báo về rủi ro với mô hình kinh doanh ứng dụng kiểu Fleeceware, khi nó có thể gây ra nhiều hậu quả xấu đối với người dùng. Chính sách của Google Play Store không hỗ trợ người dùng hết mức có thể, muốn đòi lại tiền cũng rất gian nan.”
Fleeceware, về cơ bản, hoạt động dựa trên việc lợi dụng sự bất cẩn và thiếu kiến thức sử dụng ứng dụng của người dùng smartphone. Ngay cả khi gỡ ứng dụng sau thời gian “dùng thử” nhưng quên tắt subscription trong tài khoản Google Play Store, những nhà phát triển ứng dụng vẫn có thể thu tiền từ người dùng, dù hầu hết những ứng dụng trên có thể nói là vô dụng. Đáng chú ý trong số đó là Fortunemirror, đọc chỉ tay coi bói. Nó cho người dùng xài thử miễn phí 3 ngày, rồi thu 69.99 USD mỗi tuần sau đó. Nếu không tắt subscription trên Google Play Store, người dùng sẽ bị trừ tiền oan, đúng theo tính toán của những kẻ viết ứng dụng lừa đảo. Hiện ứng dụng vẫn đang tồn tại trên Google Play Store.
Tháng 09/2019, Sophos đã phát hiện ra rất nhiều ứng dụng tương tự, như máy tính và ứng dụng quét QR Code, gỡ ứng dụng mà vẫn trừ của người dùng từ 100 đến 240 USD. Sophos chỉ ra vài chi tiết đáng chú ý để nhận biết Fleeceware lừa đảo. Ví dụ, những ứng dụng như thế hầu hết đều có lượt tải cao bất thường. Thứ hai, lượng đánh giá 5 sao từ những con bot tồn tại song hành với những lượt đánh giá thấp vì người dùng bị lừa gạt lấy tiền. Và nếu cảm giác ứng dụng không đáng tin tưởng, người dùng hãy đặt lịch để nhắc nhở xóa subscription trong Play Store, thay vì chỉ đơn giản gỡ ứng dụng.
Sophos khuyên những người dùng lỡ cài những ứng dụng lừa đảo: “Nhiều ứng dụng cho dùng thử 3 ngày trước khi charge tiền, nhưng chính sách của Google chỉ cho người dùng 48 giờ sau khi nhấn lệnh mua trong ứng dụng để đòi lại tiền, và nhà phát triển ứng dụng sẽ có quyền quyết định xem sẽ giữ tiền hay trả lại.”
Gửi ý kiến của bạn