Các Nhà Khoa Học Phát Hiện Ra Một Tế Bào Miễn Dịch Có Thể Điều Trị Mọi Loại Ung Thư

02 Tháng Hai 20208:00 SA(Xem: 3646)
Các Nhà Khoa Học Phát Hiện Ra Một Tế Bào Miễn Dịch Có Thể Điều Trị Mọi Loại Ung Thư
Các Nhà Khoa Học Phát Hiện Ra Một Tế Bào Miễn Dịch

Nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Cardiff, Xứ Wales cho biết họ vừa phát hiện ra một phần mới trong hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể được khai thác để điều trị tất cả các loại bệnh ung thư.

Phương pháp đã được thử nghiệm để tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, phổi và các bệnh ung thư khác trong môi trường phòng thí nghiệm và tỏ ra rất thành công. Dù chưa tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người, nhưng nhóm các tác giả cho biết phương pháp của mình có một "tiềm năng to lớn". Nghiên cứu của họ đã được đăng trên tạp chí Miễn dịch Tự nhiên.

Tế bào miễn dịch: Thứ vũ khí mới tiêu diệt ung thư

Trong cơ thể tồn tại một hệ thống miễn dịch đang giúp ta chống lại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc bất kỳ tác nhân ngoại lai nào xâm nhập và gây bệnh. Nhưng sự thật là hiếm khi các tế bào miễn dịch phát hiện và tấn công các tế bào ung thư, vì chúng nhận diện tế bào ung thư vẫn như một phần của chính cơ thể bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, các nhà khoa học bắt đầu tìm được ra cách đào tạo lại hệ thống miễn dịch, khiến nó nhận diện ung thư là một căn bệnh cần được đào thải khỏi cơ thể. Họ đang tập trung tới những tế bào T trong máu người. Đây là một tế bào miễn dịch có thể quét cơ thể như những chiếc radar để đánh giá trong tầm phủ sóng của nó có mối đe dọa nào cần phải loại bỏ hay không. Khi mục tiêu bị phát hiện, có thể là vi khuẩn, virus, các tế bào lạ hoặc thậm chí cả tế bào ung thư, đội quân tế bào T sẽ phát động một cuộc tấn công để tiêu diệt và loại bỏ chúng. Giáo sư Andrew Sewell, tác giả nghiên cứu đến từ Trường Y Đại học Cardiff cho biết: “Đó là một cơ hội để điều trị cho tất cả các bệnh nhân ung thư. Trước đây không ai tin điều này có thể xảy ra. Nhưng liệu pháp mới đã gia tăng triển vọng cho một phương pháp điều trị hiệu quả với mọi loại bệnh ung thư, một loại tế bào T duy nhất có khả năng tiêu diệt nhiều loại ung thư khác nhau cho toàn bộ dân số”

Phương pháp mới hoạt động như thế nào?

Để có thể khiến tế bào T tiêu diệt được tế bào ung thư, trước hết, các nhà khoa học phải chỉ cho chúng nhìn thấy mục tiêu của mình. Các tế bào T tự nhiên đã có các thụ thể trên bề mặt cho phép chúng nhận diện các đối tượng khác trong cơ thể bằng cơ chế hóa học. Tuy nhiên, đa số các tế bào T đều mang trên mình những thụ thể không nhận diện được tế bào ung thư. Bằng việc sàng lọc hàng loạt mẫu máu trừ một ngân hàng sinh học ở Xứ Wales, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cardiff đã vô tình tìm thấy một tế bào T mang trên mình thụ thể đặc biệt thể tìm và tiêu diệt một loạt các tế bào ung thư khác nhau.

Hiệu quả đã được họ thử nghiệm và xác nhận trong môi trường phòng thí nghiệm, với mẫu chứa tế bào ung thư phổi, da, ung thư máu, ruột kết, ung thư vú, xương, ung thư tuyến tiền liệt, buồng trứng, thận và ung thư cổ tử cung. Một điều quan trọng nữa là tế bào T không tấn công các tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể. Thụ thể tế bào T đặc biệt tương tác với một phân tử gọi là MR1, nằm trên bề mặt của mọi tế bào trong cơ thể con người.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng MR1 có thể chỉ điểm cho những bất thường trong quá trình trao đổi chất mà tế bào ung thư tạo ra. Nó là một sĩ quan tình báo được cài cắm vào khối u và cung cấp thông tin cho hệ thống miễn dịch. Tiến sĩ Garry Dolton, một đồng tác giả nghiên cứu cũng đang làm việc tại Đại học Cardiff cho biết: “Chúng tôi là những người đầu tiên mô tả một tế bào T tìm thấy MR1 trong các tế bào ung thư - điều chưa từng được thực hiện trước đây, đây là lần đầu tiên hiệu ứng được quan sát, mô tả và thử nghiệm”.

Tại sao phát hiện mới có ý nghĩa quan trọng?

Thực tế, nhiều nhóm khoa học trên khắp thế giới đã và đang phát triển được nhiều liệu pháp miễn dịch hứa hẹn giúp điều trị cho một số căn bệnh ung thư. Nổi bật trong số đó là liệu pháp CAR-T, đã được Mỹ phê duyệt vào năm 2018. CAR-T là một liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư. Trong đó, các bác sĩ trích xuất tế bào T từ hệ miễn dịch của bệnh nhân, tìm cách kết hợp nó với thụ thế kháng nguyên nhân tạo (chimeric antigen receptor –CAR).

Sau khi tạo thành tổ hợp CAR-T, loại thuốc mới sẽ được truyền trở lại cơ thể bệnh nhân. Thụ thể CAR sẽ đi tìm và gắn nó vào các tế bào ung thư mục tiêu. Nhờ vậy, tế bào T có thể tấn công được căn bệnh, điều mà nó không thể làm trước đây, khi coi tế bào ung thư là một phần bình thường trong cơ thể.

Trong một số thử nghiệm lâm sàng và cả các ca bệnh thực tế, CAR-T đã cho hiệu quả rõ rệt, giúp một số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, từng được coi là vô phương cứu chữa thuyên giảm đến mức hoàn toàn. Tuy nhiên, điểm yếu của CAR-T đó là nó đòi hỏi kháng nguyên miễn dịch CAR phải được tinh chỉnh đặc biệt cho từng bệnh ung thư khác nhau. CAR chỉ có thể được huấn luyện để tấn công vào những tế bào ung thư nhất định, với mục tiêu nhất định.

CAR-T đã hoạt động rất hiện quả trên các bệnh nhân mắc ung thư máu, nhưng nó lại tỏ ra hạn chế trong việc điều trị các khối u rắn. Hiện nay, các nhà nghiên cứu ở Đại học Cardiff cho biết thụ thể tế bào T mà họ mới phát hiện có thể dẫn đến một phương pháp điều trị ung thư "phổ quát". Nó sẽ không chỉ hiệu quả với nhiều loại ung thư, bao gồm cả các khối u rắn kể trên, mà còn hoạt động trong toàn bộ dân số. Theo lý thuyết, liệu pháp không bị giới hạn bởi nhóm chủng tộc hay bất kỳ một đối tượng nào.

Phương pháp điều trị thực tế sẽ diễn ra như thế nào?

Cũng giống như liệu pháp miễn dịch CAR-T. Ban đầu, các bác sĩ sẽ tiến hành rút mẫu máu ra khỏi người bệnh nhân ung thư. Các tế bào T của họ sẽ được chiết xuất và sau đó biến đổi gen để lập trình lại sao cho chúng tạo ra các thụ thể phát hiện ung thư. Các tế bào miễn dịch đã nâng cấp sẽ được nhân lên tới hàng triệu bản sao, tạo thành một đội quân, một liều thuốc sống. Sau đó, các bác sĩ sẽ truyền trở lại toàn bộ lượng tế bào T vào cơ thể bệnh nhân và theo dõi quá trình chúng dọn dẹp các tế bào ung thư trong cơ thể họ.

Tuy nhiên, cho tới hiện nay, liệu pháp miễn dịch sử dụng tế bào T và thụ thể mới nhắm đến MR1 mới chỉ được thử nghiệm trên chuột. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cardiff cho biết đó mới chỉ là kết quả ban đầu và sẽ cần nhiều nghiên cứu nữa để đánh giá độ an toàn và hiệu quả của phương pháp mới trước khi nó được thử nghiệm lâm sàng trên người. Nhưng với những con chuột đã thuyên giảm sau khi được truyền tế bào T mới, họ cho biết kết quả là "rất đáng khích lệ".

Các chuyên gia ung thư khác bình luận gì về nghiên cứu mới?

Hai nhà nghiên cứu Lucia Mori và Gennaro De Libero đến từ Đại học Basel ở Thụy Sĩ, cho biết nghiên cứu mới của Đại học Cardiff đem lại một "tiềm năng lớn".  Nhưng họ cũng lưu ý rằng thành công trong giai đoạn thử nghiệm trong ống nghiệm và trên chuột mới chỉ là kết quả sơ bộ. Vẫn còn quá sớm để nói rằng các tế bào T có hoạt động trên người và với tất cả các bệnh ung thư hay không.

Daniel Davis, một giáo sư miễn dịch học tại Đại học Manchester cũng đồng ý: "Hiện nay, đây mới chỉ là một nghiên cứu rất cơ bản và chưa thể tiến gần tới một loại thuốc thực tế cho bệnh nhân". Dù vậy, ông cũng không thể phủ nhận về tiềm năng của loại tế bào T mới: "Không nghi ngờ gì, đó là một khám phá rất thú vị trên cả hai phương diện. Nó giúp nâng cao kiến thức cơ bản của chúng ta về cách hệ thống miễn dịch hoạt động và mở ra tiềm năng cho các loại thuốc mới trong tương lai".

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).