
Khoảng cuối tháng 02/2020, các nhà thiên văn học tại Catalina Sky Survey tuyên bố đã phát hiện một vệ tinh tự nhiên thứ hai quay quanh Trái đất, bên cạnh Mặt trăng mà chúng ta đều biết. Có vẻ như Trái đất đã có thêm một mặt trăng nữa quay quanh mình.
Phát hiện mới cho thấy một tiểu hành tinh nhỏ bị cuốn vào quỹ đạo của Trái đất, và trở thành một mặt trăng tạm thời. Các nhà khoa học đã phát hiện tiểu hành tinh từ tuần thứ 3 của tháng 02/2020, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác nhận rằng nó không phải vệ tinh nhân tạo hay rác vũ trụ, do kích thước của nó quá nhỏ.
Một nhà thiên văn học trong nhóm nghiên cứu tại Catalina đã đăng lên Twitter đoạn video cho thấy mặt trăng thứ hai đang quay quanh Trái đất, và gọi là 2020 CD3. Theo các nhà thiên văn học, nó có kích thước khá nhỏ, ước tính đường kính chỉ khoảng 3.5 m, nên chúng ta không thể quan sát được mặt trăng thứ hai bằng mắt thường từ Trái đất.
Những sự kiện như vậy là hiện tượng rất hiếm gặp, nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Cách đây 14 năm, các nhà khoa học cũng phát hiện một mặt trăng tạm thời của Trái đất. Sự tương tác cũng không phải là mãi mãi, trong vòng vài tháng, mặt trăng mới sẽ tạm biệt Trái đất và tiếp tục bay vào vũ trụ. Sự kiện cũng là cơ hội cho các nhà khoa học nghiên cứu các tiểu hành tinh và cách chúng tương tác với các vật thể có kích thước cỡ hành tinh.
Gửi ý kiến của bạn