Chỉ vài phút sau nửa đêm ngày 30/12/2019, nền tảng trí thông minh nhân tạo BlueDot phát hiện ra một cụm “viêm phổi bất thường” với những ca bệnh xuất hiện quanh một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc, và gắn cờ đánh dấu nó.
BlueDot đã phát hiện được ổ dịch 9 ngày trước khi WHO đưa ra cảnh báo về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng coronavirus mới (Covid-19) gây ra.
Đến ngày 25/02/2020, Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO, tuyên bố Covid-19 hoàn toàn có khả năng trở thành một đại dịch toàn cầu. Nhưng hồi tháng 12/2019, Kamran Khan, nhà sáng lập kiêm CEO BlueDot, và cũng là giáo sư ngành dược và y tế công động ở đại học Toronto, Canada cho biết: “Chúng tôi khi ấy không thể biết được rồi nó sẽ trở thành một đợt dịch có quy mô lớn tới mức như vậy.”
Và ông tự hỏi sẽ như thế nào nếu COVID-19 lan rộng hơn? Sẽ như thế nào nếu dịch nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đang tưởng tượng? Đó chính là mục đích khi giáo sư Khan thành lập BlueDot, với một mục tiêu đơn giản nhất: “Phổ biến kiến thức nhanh hơn tốc độ mầm bệnh lây lan.”
Lấy cảm hứng từ SARS
Khan tự mô tả bản thân “khởi nghiệp một cách tình cờ” - ông chưa bao giờ đến trường kinh tế trau dồi kiến thức kinh doanh, cũng không có kinh nghiệm lập trình. Tất cả kinh nghiệm của bản thân ông trước khi thành lập BlueDot đều chỉ đến từ việc làm một chuyên gia dịch tễ học và kinh nghiệm điều trị cho những bệnh nhân ở Toronto hồi năm 2003, khi dịch SARS hoành hành.
Ông kể lại: “Chắc chắn lúc đó không một ai trong chúng tôi biết SARS là gì cho đến khi những ca bệnh xuất hiện ở các thành phố và bệnh viện”. Ông hồi tưởng lại “nỗi khổ thể chất và tinh thần” khi dịch SARS bùng phát, căn bệnh kéo dài 6 tháng, khiến 774 người tử vong tại 29 quốc gia, trong đó có cả những y bác sỹ đồng nghiệp của ông ở các nước khác. Theo CDC, dịch SARS khiến toàn thế giới phải chi ra 40 tỷ USD để khắc phục hậu quả.
Khan chia sẻ: “Những gì tôi học được trong dịch SARS là, không để nước đến chân mới nhảy, đến lúc dịch bùng phát mới bắt đầu phòng chống, mà cần phòng ngừa chúng từ trước khi bị rơi vào thế bị động phản ứng lại dịch. Nếu chúng ta chờ đợi các cơ quan chính phủ đưa ra thông tin về tình hình dịch bệnh, có thể chúng ta sẽ không có được những thông tin quý giá đó đúng thời điểm quan trọng nhất.” Trong khi đó, Internet đã trở thành một trong những công cụ tuyệt vời cho các nhà dịch tễ học thu thập thông tin về một dịch bệnh truyền nhiễm, với những tin tức không có trong các bản báo cáo chính thức từ phía các chính phủ.
Muốn tạo ra một công nghệ tốt hơn để đối phó với các đợt dịch nguy hiểm, trong hơn 1 thập kỷ, Khan nghiên cứu cách một mầm bệnh lây lan ra toàn thế giới. Rồi 6 năm trước, ông sáng lập BlueDot – cái tên được lấy cảm hứng từ chính bức ảnh năm 1990 của Carl Sagan, chụp trái đất từ tàu Voyager 1 của NASA có tên “Pale Blue Dot”.
BlueDot là phần mềm bản quyền, được tạo ra để theo dõi, định vị và mô phỏng tốc độ lây lan của một dịch bệnh. Năm 2019, công ty nhận được khoản đầu tư 9.4 triệu USD, và hiện có 40 người làm việc, từ bác sĩ, chuyên gia dịch tễ, bác sĩ thú y, kỹ sư lập trình, kỹ sư data và nhà phát triển phần mềm. Nó đưa ra những cảnh báo sớm về các dịch bệnh bất thường do AI phát hiện ra và nguy cơ tiềm ẩn của chúng tới các cơ quan y tế quốc gia, y tế công cộng, các chính phủ và doanh nghiệp.
Chìa khóa của BlueDot đến từ big data. Họ sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và máy học để thu thập và sáng lọc hàng trăm nghìn nguồn thông tin, bao gồm các tuyên bố chính thức của các tổ chức y tế, mạng xã hội, dữ liệu vé máy bay trên thế giới, thông tin dân số… Cứ 15 phút, AI lại cập nhật lượng dữ liệu khổng lồ, 24/24.
Từ đó, một nhóm bác sĩ và lập trình viên sẽ xem xét những gì AI tìm thấy, kiểm tra và tạo ra báo cáo cho các khách hàng mua dịch vụ của BlueDot. Khan cho biết: “Chúng tôi không dùng AI để thay thế trí thông minh của con người, mà chỉ dùng nó để mò kim đáy bể rồi đưa ra cho chúng tôi.”
Ngoài khả năng phát hiện sớm các dịch bệnh, mục tiêu của BlueDot còn là dự báo tác động của những dịch bệnh đó khi chúng lây lan ra toàn thế giới, và nghiên cứu khả năng lây lan của mầm bệnh ở những khu vực khác nhau.
Trong trường hợp của COVID-19, ngoài việc gửi cảnh báo sớm, BlueDot cũng có thể xác định những thành phố lân cận có liên kết với Vũ Hán qua các dữ liệu vé máy bay toàn cầu, để dụ đoán khả năng xuất hiện ca nhiễm bệnh sớm. Các điểm đến quốc tế mà BlueDot dự đoán sẽ có lượng khách du lịch đến từ Vũ Hán cao nhất là: Bangkok, Hong Kong, Tokyo, Đài Bắc, Phuket, Seoul và Singapore. Cuối cùng, tất cả 11 thành phố được xếp hạng nguy cơ rủi ro cao nhất của BlueDot đều là những nơi đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc SARS-CoV-2.
Sau dịch COVID-19
Khan thừa nhận dịch COVID-19 có tính chất tương đồng với SARS, và điều đó khiến ông cảm thấy hơi tức giận: “Chúng ta lại đang phải trải qua một thứ y hệt đã từng xảy ra 17 năm về trước?”
Thời gian sẽ trả lời câu hỏi của ông, và cũng sẽ đánh giá xem BlueDot có tác động tích cực đến mức nào khi theo dõi một dịch bệnh ở quy mô lớn.
Cho đế nay, BlueDot đã dự đoán chính xác Zika virus lây lan tới tận Florida vào năm 2016, 6 tháng trước khi điều đó xảy ra. Năm 2014, họ cũng đã dự đoán rằng dịch Ebola sẽ lan từ Tây Phi ra thế giới, và ở Mỹ cũng sẽ có ca nhiễm bệnh.
Một lợi ích của AI là nó có thể nhận ra những đợt dịch bùng phát trong khi một đợt dịch khác đang thu hút sự chú ý như con người trên các thông tin truyền thông. Ví dụ như hiện ở Tây Phi đang có dịch sốt Lassa. Dù sẽ không có quy mô tai hại như Covid-19, nhưng nó vẫn là thứ mầm bệnh gây ảnh hưởng tới cộng đồng và dân số, thứ mà các cơ quan y tế vẫn cần để ý đến.
Ông nhận định: “Con người dễ bị xao nhãng, vì thế chúng ta cần tới máy móc để liên tục để mắt tới những thứ khác đang xảy ra hàng ngày hàng giờ.”
- Từ khóa :
- AI
- ,
- BlueDot
- ,
- virus corona
- ,
- COVID-19
Gửi ý kiến của bạn