Từ Milan đến Palermo ở Sicily, rất ít người dám mạo hiểm đến uống cà phê ở quán bar địa phương.
Quán bar Il Sant’Andrea là biểu tượng cho sự sôi động của Orvieto, một thị trấn nằm trên đỉnh đồi với khoảng 4,000 dân tại vùng Umbria, miền trung nước Ý (Italia). Thông thường vào buổi sáng, quán sẽ tấp nập người uống cafe, trò chuyện hay đọc báo.
Tuy nhiên, hôm 10/03/2020, khi cả nước Ý được đặt dưới lệnh phong toả, chỉ vài khách quen còn lui tới. Francesco Maggi, nhân viên phục vụ quầy bar nói: "Mới hôm Chủ nhật, 5 người chúng tôi còn làm việc. Hôm nay chỉ còn một”.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cuối ngày thứ Hai (09/03/2020) đã yêu cầu hơn 60 triệu người dân Ý "ở yên trong nhà", khi chính phủ đưa ra nhiều biện pháp chưa từng có trong thời bình nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch coronavirus (Covid-19). Ý hiện là ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ hai thế giới với hơn 10,000 ca nhiễm và hơn 630 ca tử vong.
Thông điệp của ông Conte bắt đầu lan rộng. Từ khoá #iostoacasa ("tôi đang ở nhà"), cùng với hình ảnh những bữa cơm gia đình hay những cuốn sách được hàng nghìn người chia sẻ trên mạng xã hội.
Ở Orvieto, một thị trấn sống dựa vào du lịch, các quán bar và cửa hàng đã dán băng keo đánh dấu trên sàn để hướng dẫn khách hàng đứng cách nhau ít nhất một mét.
Sáng thứ Ba (10/03/2020), bầu không khí tại đây rất ảm đạm, nhưng người dân không hoảng loạn. Vài người đi dạo quanh thị trấn, một số người đeo khẩu trang hoặc dùng khăn che miệng.
Federico Badia, một thợ đóng giày cho biết: "Mọi người chắc chắn nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn. Họ ở nhà và chỉ ra ngoài nếu cần thiết. Nhưng tôi rất lo lắng về tương lai của một thị trấn nhỏ như Orvieto, khi hầu hết các doanh nghiệp đều sống nhờ du lịch. Nếu mùa du lịch không bắt đầu trong một tháng tới hoặc sau đó, tôi nghĩ chúng tôi sẽ mất hẳn doanh thu năm nay”.
Một số người khác hoang mang trước các quy định phong tỏa. Toni DeBella, một người Mỹ cho biết: "Rất khó hiểu. Người dân phải ở nhà nhưng lại có thể đi đến quán bar. Giao thông vẫn hoạt động nhưng mọi người không được đi đâu".
Theo quy định kiểm dịch, tất cả các hình thức tụ tập nơi công cộng, trong đó có các sự kiện thể thao, ma chay, cưới hỏi, đều bị cấm tổ chức. Rạp hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng gym, spa, khu trượt tuyết đều bị đóng. Chỉ các quán bar và nhà hàng được mở từ 6h đến 18h. Việc đi lại bị hạn chế trừ "trường hợp công việc khẩn cấp, có xác nhận hoặc lý do sức khoẻ".
Ông Matteo Renzi, cựu thủ tướng và lãnh đạo của Italia Viva, một trong những đảng chiếm phần đa trong chính phủ cho biết: "Đây không phải là lệnh phong toả nghiêm ngặt như kiểu Trung Quốc. Chúng ta cần giảm lây nhiễm xuống mức thấp nhất, không chỉ vì tỷ lệ tử vong mà còn vì tác động đến hệ thống y tế là rất lớn. Các khoa chăm sóc đặc biệt đang chật cứng và nếu bị đột quỵ hay đau tim, người ta không thể được chữa trị".
Cuộc sống ở những thành phố lớn như Rome, Milan và Venice đã đi vào bế tắc. Sabina Colombo, một tư vấn viên làm việc ở nhà, nói: “Có thể nhìn thấy sự khác biệt ở Rome hôm nay với hôm qua. Rất tĩnh lặng. Nếu phải đi ra ngoài, tôi sẽ đeo găng tay cao su, tôi không tìm được khẩu trang ở đâu để mua cả. Trong tình huống hiện nay, cần nêu cao trách nhiệm của công dân và xử phạt những người không tuân thủ quy định. Những kẻ đó không quan tâm đến những người già đang chết hay những người mắc ung thư và có khả năng miễn dịch yếu".
Kelly Medford, một nghệ sĩ Mỹ đang sống ở Rome cũng nhận thấy sự thay đổi trong tâm trạng 24 giờ qua. Cô cho biết: “Tôi nghĩ tất cả đều khá sốc vì lệnh phong toả ảnh hưởng tới từng gia đình, cho thấy tình hình nghiêm trọng đến mức nào”.
Ở miền nam nước Ý, đường phố vùng Campania gần như yên ắng, ngoại trừ siêu thị và các hiệu thuốc, khi mọi người xếp hàng dài chờ mua nước khoáng, mỳ và chất khử trùng. Campania là khu vực có số ca nhiễm coronavirus nhiều nhất, tính đến thứ Hai là 126 ca, tiếp theo sau là Sicily với 60 ca. Ngay sau khi tin tức phong tỏa lan truyền, hàng trăm người đã đổ vào một trong số ít siêu thị ở Palermo, Sicily, mở cửa 24 giờ.
Đến sáng thứ Ba (10/03/2020), các con phố trong thành phố hầu hết im lặng, ngoại trừ khu mua sắm tại các siêu thị và nhà thuốc, mọi người xếp hàng dài để mua các nhu yếu phẩm như nước, mì ống và thuốc khử trùng.
Có thể nhìn thấy rõ tình trạng căng thẳng, hoang mang và lo lắng về dịch bệnh cùng với những quy định mới. Federica Montalba, một điều phối viên về giáo dục, chia sẻ: "Sáng nay, lần đầu tiên tôi đeo khẩu trang và nhìn thấy mọi người cũng đeo. Những gì chúng tôi nhìn thấy trên TV hôm qua đã diễn ra ở đây hôm nay. Tôi không sợ nhiễm virus nhưng tôi sợ lây cho gia đình mình. Tôi chưa dám tới thăm họ kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Palermo. Điều làm tôi lo lắng nhất là sự thờ ơ của người dân. Một số người không hiểu rằng chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp và tiếp tục hành xử như không có gì xảy ra".
Khi số ca nhiễm Covid-19 ở Ý tiếp tục tăng, Simona D’Alessi, một bác sĩ tại bệnh viện Benfratelli ở Palermo, cho hay nguy cơ lây nhiễm trong các bệnh viện là "rất cao": "Chúng tôi sắp hết khẩu trang và găng tay. Mọi người liên tục vào phòng cấp cứu. Các bác sĩ không có thời gian nghỉ vì tình huống khẩn cấp hiện nay và mọi người cần chúng tôi, nhưng tôi không biết có thể trụ đến bao giờ".
Gửi ý kiến của bạn