
Hôm thứ Năm (09/04/2020), Đài Loan đã yêu cầu người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới WHO phải đưa ra một lời xin lỗi, sau khi ông cáo buộc chính quyền đảo dẫn đầu công chúng công kích cá nhân ông và phản ứng của WHO đối với đại dịch Covid-19.
Chính quyền Đài Loan nói tuyên bố của Tổng giám đốc WHO Tedros rằng hòn đảo công kích cá nhân là "vu khống" và yêu cầu ông này xin lỗi.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết chiến đấu chống lại đại dịch tối thứ Tư (08/04/2020), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích và đe dọa cắt giảm ngân sách chi cho WHO. Trong cuộc họp báo, ông đã nói về sự lạm dụng - bao gồm cả những lời chỉ trích về chủng tộc - ông đã phải chịu từ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng xảy ra.
Tedros phần lớn tránh đề cập đến tên ông Trump, nhưng ông đã nêu đích danh chính phủ ở Đài Bắc, đã bị WHO ‘cho ra rìa’ sau áp lực chính trị từ Bắc Kinh. Ông nói với phóng viên: "Ba tháng trước, những lời lẽ công kích như vậy đến từ Đài Loan. Họ thậm chí chỉ trích tôi giữa tất cả những lời lăng mạ và gièm pha, nhưng tôi không quan tâm".
Phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói với các phóng viên tại Đài Bắc hôm 09/04/2020: "Đài Loan chưa bao giờ khuyến khích công chúng công kích cá nhân nhằm vào Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hoặc đưa ra bất kỳ bình luận phân biệt chủng tộc nào. Chính quyền chúng tôi yêu cầu ông Tedros lập tức làm rõ và xin lỗi về hành vi vu khống vô trách nhiệm như vậy".
Quan hệ giữa WHO và Đài Loan xấu đi đáng kể từ khi đại dịch bùng phát, ngay cả khi các chuyên gia y tế quốc tế ca ngợi Đài Loan về cách phản ứng với dịch bệnh. Đài Loan hiện chỉ ghi nhận 379 ca nhiễm Covid-19, trong đó 5 trường hợp tử vong, dù có vị trí địa lý và quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc đại lục, nơi dịch bệnh khởi phát.
Đài Loan từng giữ tư cách là quan sát viên tại các hội nghị thường niên của WHO, tuy nhiên áp lực ngoại giao từ Bắc Kinh trong những năm gần đây đã đẩy Đài Loan khỏi những cơ quan quốc tế lớn, bao gồm WHO và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), hai tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền lãnh đạo Đài Loan, Trung Quốc càng tăng cường nỗ lực cô lập hòn đảo do bà không công nhận chính sách "Một Trung Quốc".
Trong khi đó, nhiều người, trong đó có các quan chức cấp cao Mỹ, chỉ trích Tedros, cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông, WHO quá thân cận với Trung Quốc và tán dương nỗ lực chống Covid-19 của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí nói rằng WHO "coi Trung Quốc là trung tâm" và đe dọa cắt tài trợ. Tedros dĩ nhiên phủ nhận cáo buộc, kêu gọi thế giới đoàn kết chống đại dịch và không chính trị hóa nó.
- Từ khóa :
- Đài Loan
- ,
- Trung Quốc
- ,
- WHO
- ,
- COVID-19
- ,
- Tedros Adhanom Ghebreyesus
Ý kiến bạn đọc
09 Tháng Tư 202011:27 CH
THANH
Khách
HAY NHIN BUC HINH THI DU RO : TONG GIAM DOC WHO : VUI MUNG CHAY LAI NAM TAY TCB - KHUM NUM ,, CUOI TUOI NHU DUOC GAP ONG TO ? TEN HEN MAT NAY PHAI TU CHUC - MY KHONG NEN DONG GOP QUA NHIEU CHO WHO, 1 LU AN HAI -
09 Tháng Tư 202011:06 CH
Phạm huỳnh Ngân.
Khách
Nhân vật tay sai của Bắc Kinh nầy có cãi chầy cãi chối như thế nào cũng không ai tin đâu.Kiếp khuyễn mã là tên mản kiếp.