Việc Cắt Ngân Sách Tài Trợ Cho WHO Có Thể Khiến Khủng Hoảng Trầm Trọng Thêm

15 Tháng Tư 20205:30 SA(Xem: 4903)
Việc Cắt Ngân Sách Tài Trợ Cho WHO Có Thể Khiến Khủng Hoảng Trầm Trọng Thêm
Việc Cắt Ngân Sách Cho WHO Có Thể Tạo Ra Thảm Họa Kép

Quyết định cắt ngân sách tài trợ cho WHO của ông Trump giữa đại dịch Covid-19 được cho là hành động tạo ra khủng hoảng giữa khủng hoảng, làm suy yếu nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu.

WHO đóng vai trò quan trọng trong tư vấn cho các quốc gia đang phát triển về những vấn đề y tế và khủng hoảng. Việc cắt giảm ngân sách của tổ chức ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn tiến nghiêm trọng như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ khiến virus vượt khỏi tầm kiểm soát ở những khu vực có diễn biến bệnh phức tạp, đồng thời có thể khiến nó bùng phát trở lại ở những nước phát triển đã kiềm chế dịch bệnh thành công.

Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, trụ sở ở Washington, bình luận: “Nếu ta giáng một đòn vào WHO, bản thân chúng ta cũng sẽ chịu tác động bởi nó sẽ khiến nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh toàn cầu trở nên khó khăn hơn và điều đó không tốt cho lợi ích của chúng ta",

Ông nói thêm: "Khi ngọn lửa vẫn còn đang cháy, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, tất cả chúng ta đều sẽ bị tổn thương. Và WHO thực sự giữ một vai trò quan trọng để dập tắt những đám cháy như vậy. Chúng ta nên tạo điều kiện để họ làm việc này thay vì gây chiến với họ".

Ngày 14/04/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đang chỉ đạo chính quyền ngừng cấp ngân sách và "thực hiện một cuộc đánh giá nhằm làm rõ vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc khiến thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng khi đối phó Covid-19 và che đậy sự lây lan của đại dịch". Trump lưu ý Mỹ mỗi năm cấp ngân sách cho WHO từ 400 đến 500 triệu USD trong khi Trung Quốc "chỉ đóng góp gần 40 triệu USD".


Chính phủ Trung Quốc đã bị nhiều nước cáo buộc về việc đàn áp thông tin về quy mô của vụ dịch và gây hiểu lầm cho thế giới về bản chất của virus. Ông Trump tin rằng WHO thiên vị Trung Quốc và thông đồng với Bắc Kinh che giấu về Covid-19 nhằm khiến Mỹ, đối thủ kinh tế chính của Trung Quốc, bị mù mờ thông tin trước dịch bệnh. Theo Trump, điều này khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại.

Jack Chow, đại sứ Mỹ về ứng phó HIV/AIDS toàn cầu dưới thời tổng thống George W. Bush, đánh giá việc Mỹ rút ngân sách khỏi WHO sẽ làm ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng trong tổ chức. Ông cho biết: “Cấu trúc dựa trên Liên Hợp Quốc làm cho chính sách ngoại giao của WHO trở nên đáng suy ngẫm và quan liêu vì các động lực chính trị của Liên Hợp Quốc thường hướng đến cách thức WHO đưa ra quyết định. Khi Trung Quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, họ sẽ tạo thêm được ảnh hưởng trong toàn bộ hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả WHO. Phản ứng của WHO trước cách Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh đã cho thấy sự công nhận mà WHO dành cho Trung Quốc trong gần như tất cả các lĩnh vực chiến lược"

Theo Konyndyk, quyết định cắt ngân sách không liên quan đến việc WHO đã làm hay không làm gì mà chủ yếu nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận khỏi những phản ứng có phần lúng túng và chậm chạp ban đầu của chính quyền Trump trước đại dịch Covid-19 và thực tế là Mỹ giờ đây đang là tâm dịch toàn cầu.

Ông nói: "WHO là một con dê tế thần bởi họ không thể chống trả. Họ không thể và không muốn chỉ trích thành viên của mình. Nếu Mỹ muốn đổ lỗi cho họ, họ chỉ đơn giản là ngồi đấy và chấp nhận. WHO thực sự là một con dê tế thần hoàn hảo đối với Nhà Trắng nhưng thật nực cười khi nghĩ rằng họ bằng cách nào đó phải chịu trách nhiệm vì phản ứng chậm chạp của Mỹ".


Bất chấp những chỉ trích của Trump về WHO, Konyndyk cũng nói rằng WHO đã ở trước đường cong so với Mỹ về việc xử lý Covid-19: "Họ đã cảnh báo về khả năng gây đại dịch trong thời điểm mà Mỹ vẫn đánh giá rủi ro là thấp. Họ có xét nghiệm khả thi được phân phối trên toàn thế giới trong khi chúng ta không có, ngay cả khi chỉ sử dụng trong nước”


WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu đối với Covid-19 vào ngày 30/01/2020, chưa đầy một tháng sau khi nó được xác định là một loại virus mới và hơn một tuần sau trường hợp được xác nhận đầu tiên ở Mỹ. Vài tuần sau, Trump vẫn xem thường mối đe dọa của virus.


Vào ngày 26/02/2020, Trump cho biết số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ sẽ "gần bằng 0" trong "vài ngày". Ca tử vong đầu tiên do Covid-19 ở Mỹ là ba ngày sau đó. Tính đến tối thứ Ba (14/04/2020), Mỹ đã có hơn 602,000 ca nhiễm với hơn 25,000 trường hợp tử vong.

Cả Konyndyk và Chow đều tin rằng việc Mỹ cắt ngân sách đóng góp cho WHO trong lúc Covid-19 gây chao đảo thế giới là hành động tự chuốc lấy thất bại.

Konyndyk nhấn mạnh: “Việc cắt ngân sách sẽ gây phản tác dụng sâu sắc đối với các lợi ích của Mỹ vì Mỹ được lợi trong việc ngăn chặn virus ở bất kỳ đâu. Nếu dịch bệnh chưa được dập tắt hoàn toàn, chúng ta vẫn có nguy cơ bị tổn thương. WHO có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chống lại đại dịch toàn cầu. Họ được bộ y tế các nước trên thế giới lắng nghe nhưng họ đặc biệt có ảnh hưởng đối với bộ y tế ở những nước đang phát triển. Các nước này sẽ cần tới sự giúp đỡ từ WHO".

Còn Chow nhận định bất kể Trump bất bình với WHO như thế nào, cắt viện trợ ở thời điểm như hiện nay là một "sai lầm nghiêm trọng" bởi WHO là nhà cung cấp tư vấn y tế công cộng chính ở những trung tâm dân số lớn của thế giới với hệ thống y tế còn mong manh. Ông nhận xét: “Việc cắt ngân sách cho WHO đồng nghĩa với việc rút các cố vấn y tế khỏi những khu vực giữa lúc họ cần nhất. Nếu Covid-19 tăng tốc lây lan ở những khu vực nghèo khó, dịch bệnh có thể kéo dài thêm nhiều tháng thậm chí nhiều năm nữa hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn với nhân loại. Hành động của Trump, tạo ra khủng hoảng giữa khủng hoảng, sẽ làm suy yếu phản ứng toàn cầu ở vào một thời điểm vô cùng bấp bênh”

Phản ứng với quyết định của Tổng thống Mỹ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố hiện "không phải lúc" để giảm ngân sách cho WHO hay bất kỳ tổ chức nào khác đang chiến đấu với dịch bệnh. Ông nhấn mạnh: "Đây là lúc cộng đồng quốc tế cần đoàn kết nhằm ngăn chặn virus và những hậu quả thảm khốc của nó”

Phe Dân chủ cũng chỉ trích quyết định từ Tổng thống Trump, cảnh báo rằng nó có thể làm phức tạp hóa những nỗ lực toàn cầu nhằm kìm hãm dịch bệnh. Chủ tịch Ủy ban Thẩm định Hạ viện Mỹ Nita Lowey nói: "Bất kỳ động thái nào của Tổng thống nhằm ép buộc các chuyên gia y tế Mỹ làm việc mà không có sự hỗ trợ từ WHO đều sẽ phản tác dụng và cuối cùng dẫn tới nhiều hệ lụy hơn"

Nhìn chung, Mỹ đóng góp khoảng 22% ngân sách WHO với các khoản tiền được chuyển qua nhiều cơ quan khác nhau. Những năm gần đây, WHO nhận được tiền từ Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Hầu hết số tiền được sử dụng để thực hiện các chiến dịch loại trừ bệnh bại liệt và hỗ trợ y tế, dinh dưỡng cho Châu Phi.

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
13Vote
13
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).