
Hôm thứ Tư (22/04/2020), một khu trục hạm Úc đã đến cùng tập trận với ba tàu chiến của Mỹ ở Biển Đông, gần khu vực mà một tàu Trung Quốc bị nghi ngờ đang khai thác dầu, gần vùng biển cũng do Việt Nam và Malaysia tuyên bố chủ quyền.
Trong tuần, các tàu chiến đã đến gần với nơi tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của chính phủ Trung Quốc đang hoạt động, cũng gần nơi một tàu do công ty dầu mỏ Malaysia Pet Petas điều hành đang tiến hành khoan thăm dò.
Trước đó, Hải quân Mỹ cho biết các tàu chiến USS America và USS Bunker Hill đang hoạt động ở Biển Đông. Hiện khu vực có thêm khu trục hạm HMAS Parramatta của Úc và USS Barry của Mỹ, được cho là đang thực hiện một cuộc tập trận chung.
Theo Bộ Quốc phòng Úc, xuyên suốt quá trình tập trận, các tàu chiến của 2 nước đã "mài giũa khả năng phối hợp giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Úc, với các nội dung liên quan đến tiếp tế trên biển, chiến dịch hàng không, diễn tập hàng hải và diễn tập thông tin liên lạc".
Tàu Haiyang Dizhi 8 cách bờ biển Malaysia khoảng 325 km, trong vùng đặc quyền kinh tế. Đi kèm với nó là một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc, đã tiến hành một cuộc khảo sát địa chấn trong gần một tuần.
Khu vực ở gần vùng biển mà cả Việt Nam và Malaysia cũng như Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Trong đó, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở hầu hết vùng biển trù phú ở Biển Đông, tạo ra một đường chín đoạn hình chữ U trên bản đồ (hay còn gọi ví von là đường lưỡi bò), trong khi các nước láng giềng không ai công nhận.
Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện ở Biển Đông và kêu gọi họ ngừng các hành vi bắt nạt ở khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc, cho rằng Haiyang Dizhi 8 chỉ đang tiến hành các hoạt động bình thường.
Năm 2019, Việt Nam đã dành nhiều tháng để theo dõi Haiyang Dizhi 8. Việt Nam cho biết vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
- Từ khóa :
- Úc
- ,
- Mỹ
- ,
- Trung Quốc
- ,
- Biển Đông
- ,
- tàu chiến
Gửi ý kiến của bạn