Trung Quốc Chuẩn Bị Tổ Chức Họp Bàn Về Vai Trò Toàn Cầu Hậu Đại Dịch

18 Tháng Năm 20204:30 SA(Xem: 3695)
Trung Quốc Chuẩn Bị Tổ Chức Họp Bàn Về Vai Trò Toàn Cầu Hậu Đại Dịch
Trung Quốc Chuẩn Bị Tổ Chức Họp Bàn Về Vai Trò Toàn Cầu Hậu Đại Dịch

Đây là phần đầu tiên trong chuỗi 10 câu chuyện điều tra mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt trong các phiên họp hàng năm của Đại hội Đại biểu Nhân dân và Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc trong tuần thứ 3 của tháng 05/2020.

Quốc hội Trung Quốc sẽ họp vào ngày 22/05/2020 để bàn về các mục tiêu đặt ra trước Covid-19 cũng như bàn về vai trò toàn cầu hậu đại dịch.

Hàng nghìn đại biểu quốc hội Trung Quốc sẽ tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh sau hơn hai tháng hoãn họp vì đại dịch Covid-19. Các cuộc họp chủ yếu tập trung công khai chương trình nghị sự kinh tế hàng năm, các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách quốc gia. Cuộc họp hồi tháng 04/2020 của Bộ Chính trị đã mô tả những thách thức kinh tế Trung Quốc đang đối mặt là "chưa từng có".

Cuộc họp của cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc năm 2020 còn diễn ra trong bối cảnh nhiều nước đang phản ứng dữ dội với cách Bắc Kinh xử lý dịch cũng như kêu gọi mở điều tra quốc tế về Covid-19.

Mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ cũng chạm mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, khi những lời đối đáp ngoại giao được thay thế bằng những tuyên bố đổ lỗi lẫn nhau về nguyên nhân bùng phát dịch cũng như đe dọa đáp trả.

Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định nhu cầu về sự cân bằng kinh tế trong nước và phản ứng dữ dội toàn cầu hậu Covid-19 có thể buộc lãnh đạo đất nước phải suy tính lại chiến lược. Ông cho biết: "Nguồn cung quốc gia đang giảm dần và đại dịch cũng tạo ra một môi trường toàn cầu phức tạp hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy sự thu hẹp chiến lược nhất định của Trung Quốc”

Tuy nhiên, Richard McGregor, chuyên gia nghiên cứu về Đông Á tại Viện Lowy, Australia, không cho rằng đại dịch sẽ thay đổi tư duy chiến lược của Trung Quốc. Ông cho hay: "Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ không thay đổi, vẫn tập trung củng cố quyền lực trong nước và mở rộng ảnh hưởng nước ngoài trên một loạt các lĩnh vực như thương mại, công nghệ, quân sự, đặc biệt là vấn đề Biển Đông và cạnh tranh với Mỹ"

Trong khi đó, các biện pháp xử lý áp lực quốc tế ngày càng tăng do đại dịch toàn cầu, đã khiến hơn 310,000 người chết khắp thế giới, cũng đang tạo ra cuộc tranh luận tại Trung Quốc.

Một bên là đội quân ngoại giao, còn được gọi là "Chiến Lang" (Wolf Warriors), những quan chức không ngần ngại đáp trả và tấn công những ý kiến phê bình Trung Quốc ở nước ngoài. Bên còn lại là những quan chức như cựu thứ trưởng ngoại giao Fu Ying, người cho rằng những phát ngôn quyết liệt không đủ để thay đổi những thành kiến chống lạiTrung Quốc.

Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu Châu Á tại viện quan hệ đối ngoại tại New York, nói rằng trong khi chiến lược ngoại giao "chiến lang" đã khiến nhiều người xa lánh, Bắc Kinh vẫn không có dấu hiệu thay đổi chiến lược. Bà nói: "Những nỗ lực nhằm thuyết phục chính người dân Trung Quốc hơn là nước ngoài, và đó là lý do Bắc Kinh không có nhiều động lực để thay đổi hành vi”

Thiệt hại do đại dịch gây ra cho nền kinh tế sẽ gây ra một số trở ngại cho Bắc Kinh, bao gồm cả Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) để mở rộng cơ sở hạ tầng và liên kết thương mại quốc tế.

Trung Quốc năm 2020 đã báo cáo sự thu hẹp kinh tế đầu tiên kể từ năm 1976, năm cựu lãnh đạo tối cao Mao Trạch Đông qua đời, với dữ liệu chính thức cho thấy mức giảm 6.8% trong quý đầu tiên. Năm 2020 cũng là năm Trung Quốc sẽ kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Theo truyền thông nhà nước, các cuộc thảo luận về kế hoạch 5 năm tiếp theo đã bắt đầu ở cấp địa phương. Kế hoạch chi tiết hơn, dựa trên kết quả các cuộc thảo luận, sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong hai năm tiếp theo. Có rất nhiều quan điểm đồng ý rằng việc xây dựng các chính sách cho kế hoạch 5 năm tiếp theo đang diễn ra trong một bối cảnh rất khác so với năm 2015.

Zhao Xijun, phó hiệu trưởng tại đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết đất nước cần suy tính nhiều hơn từ góc độ của nền kinh tế toàn cầu trong kế hoạch 5 năm tới, vì sức mạnh kinh tế đã tăng lên rất nhiều. Theo ông, đất nước cần sáng suốt hơn sau những bài học kinh nghiệm trong 5 năm qua.

Ông Zhao nói: "Đầu tư ở nước ngoài không còn là viện trợ đơn phương, cần dựa trên thị trường nhiều hơn và Trung Quốc cũng cần xem xét Mỹ và Châu Âu có thể phản ứng như thế nào trước những hành vi đó"

Wang Huiyao, Chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết Trung Quốc được dự kiến tiến nhanh hơn trong công cuộc xây dựng sự tự lực với các sản phẩm công nghệ cao như chất bán dẫn trong kế hoạch 5 năm tới. Ông cho hay: "Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, chúng ta có thể thấy những thay đổi lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực y tế cộng đồng và công nghệ cao, như giảm phụ thuộc vào nguồn cung chip nước ngoài"

Cuộc họp năm 2020 của cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc dự kiến diễn ra trong khoảng một tuần, bằng khoảng một nửa thời gian họp thông thường. Các cuộc họp thường niên thường kéo dài từ 10 tới 14 ngày.

Những người tham dự sẽ phải tới nhà khách quốc gia Diaoyutai ở Bắc Kinh trước một ngày để tiến hành làm xét nghiệm Covid-19 và chỉ được phép vào Đại lễ đường Nhân dân nếu cho kết quả âm tính. Và chỉ có ba hãng thông tấn nhà nước được phép vào hội trường đưa tin.

50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).