Hôm thứ Tư (20/05/2020), Đức đã thông qua quy định mới, cho phép chính phủ có quyền ngăn chặn các nhà đầu tư ngoài EU tiếp quản các công ty y tế, để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19.
Quy định mới được thông qua bởi Nội các Đức, sẽ cho phép chính phủ có quyền ngăn chặn các thương vụ của các công ty Đức đang phát triển hoặc sản xuất các sản phẩm y tế quan trọng như vaccine, thuốc men, đồ bảo hộ cá nhân như khẩu trang và thiết bị y tế dùng để xử lý bệnh truyền nhiễm, gồm thiết bị trợ thở.
Các công ty trên phải thông báo cho chính quyền nếu công ty bên ngoài EU muốn mua hơn 10% cổ phần (mức hiện tại là 25%). Chính phủ có quyền định đoạt thương vụ.
Chính phủ trên khắp thế giới đã và đang chạy đua để thu mua khẩu trang, đồ bảo hộ hay thiết bị trợ thở. Mặc dù Châu Âu có nhiều công ty dược phẩm và thiết bị y tế, phần lớn dây chuyển sản xuất được đặt tại những nước như Trung Quốc.
Hồi tháng 03/2020, tin đồn Tổng thống Mỹ Trump đề nghị mua độc quyền vaccine mà một công ty công nghệ sinh học Đức (CureVac) đang phát triển đã gây xôn xao. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định thương vụ sẽ không xảy ra.
Đến đầu tháng 04/2020, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh bài học rút ra từ đại dịch là Châu Âu phải "tự cung tự cấp" khẩu trang. Bà cho hay: "Bất chấp thực tế là thị trường đang được đặt ở Châu Á, chúng ta cần tự cung tự cấp hoặc ít nhất là có nền tảng sản xuất vững chắc ở Đức hoặc những nước khác trong EU"
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đánh giá Covid-19 cho thấy năng lực tự sản xuất của Đức và Châu Âu có thể quan trọng như thế nào trong các tình huống khủng hoảng. Ông nhận định: "Đồng thời, quy định mới góp phần quan trọng để duy trì lâu dài hệ thống y tế hiệu quả ở Đức".
Dù vậy, một số người trong ngành đã chỉ trích động thái mới của Đức, cho rằng nó gửi tín hiệu sai giữa lúc khủng hoảng.
Gửi ý kiến của bạn