Hôm thứ Tư (20/05/2020), Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng các cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ để cố thay đổi hiện trạng và khuyến khích New Delhi chống lại.
Alice Wells, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Trung và Nam Á, chỉ ra sự tương đồng giữa các cuộc giao tranh đang tăng lên ở Himalayas với những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, và xem đây là mối đe dọa do Bắc Kinh đặt ra.
Wells nói với Hội đồng Đại Tây Dương: "Đối với bất kỳ ai ảo tưởng rằng sự gây hấn của Trung Quốc chỉ mang tính phô trương, tôi nghĩ họ cần nói chuyện với Ấn Độ. Nếu nhìn ra Biển Đông, các hoạt động của Trung Quốc tại đây luôn có một phương pháp, đó là gây hấn liên tục, nỗ lực liên tục để thay đổi các quy tắc và hiện trạng”
“Những hành vi như vậy phải bị phản kháng lại", Wells nhận định, bà sắp nghỉ hưu, kết thúc công việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đông dân nhất thế giới, có căng thẳng biên giới kéo dài và từng giao tranh năm 1962, dập tắt hy vọng của thủ tướng Ấn Độ đầu tiên Jawaharlal Nehru về sự đoàn kết giữa các cường quốc Châu Á. Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control – LAC) là ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Tuy nhiên, hai bên chưa thống nhất phân định biên giới, dẫn tới hàng loạt vụ đụng độ vẫn xảy ra dọc LAC trong nhiều năm.
Bà Wells cũng nhắc lại rằng Mỹ ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ và khuyến khích New Delhi - Bắc Kinh giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao.
Trong hai thập kỷ, Mỹ đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ, trong khi quan hệ với Trung Quốc ngày càng gay gắt trên nhiều lĩnh vực.
- Từ khóa :
- Mỹ
- ,
- Trung Quốc
- ,
- Ấn Độ
- ,
- Biên giới
Gửi ý kiến của bạn