Người Đức – 'Nước Mỹ Trên Hết’ Hay 'Trump Trên Hết’?

09 Tháng Sáu 20201:00 SA(Xem: 6054)
Người Đức – 'Nước Mỹ Trên Hết’ Hay 'Trump Trên Hết’?
Người Đức – 'Nước Mỹ Trên Hết’ Hay 'Trump Trên Hết’

Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời mời dự hội nghị G7 tại Washington tháng 06/2020 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo trở nên căng thẳng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel viện dẫn lý do không thể tham gia G7 vì đại dịch vẫn diễn tiến phức tạp. Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp lời rằng ông cảm thấy thất vọng về nhóm G7, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông nói Mỹ đang làm rất tốt, ngay cả khi biểu tình bạo loạn xảy ra khắp cả nước và cáo buộc Trung Quốc đã gây ra đại dịch Covid-19.

Hai nhà lãnh đạo gác máy sau 20 phút.

Một quan chức kể lại sau khi chứng kiến cuộc trao đổi giữa hai lãnh đạo: "Đây không phải cuộc nói chuyện tốt đẹp"

Một tuần sau, người Đức nghe tin Mỹ có kế hoạch rút quân khỏi Đức. Khoảng 9,500 binh sĩ đồn trú tại Đức, làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình cho Châu Âu, dự kiến rời đi trong ba tháng tới. Không có bất kỳ cảnh báo hay thông báo chính thức nào.

Không rõ quyết định rút quân của Mỹ có liên quan tới việc Thủ tướng Merkel từ chối lời mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 hay không, nhưng chúng báo hiệu sự đổ vỡ trong quan hệ của Mỹ và quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất Châu Âu kể từ Thế chiến II. Mỹ và Đức đã có nhiều bất đồng gần như trên mọi vấn đề quan trọng, gồm Nga, Iran, Trung Quốc, thương mại và an ninh.

Lòng tin giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel đã mất từ lâu. Nhiều quan chức và nhà phân tích cho rằng thậm chí giờ đây điều cơ bản hơn là niềm tin vào chính liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng đang biến mất.

Những quyết định bất ngờ, khó lường và không hề có tham khảo trước của ông Trump, điển hình như việc cắt đứt quan hệ với WHO, đã trở thành dấu ấn trong những năm tháng cầm quyền của ông ở Nhà Trắng.

Theo quan điểm của giới chức Châu Âu, Mỹ đã từ một đồng minh không thể thiếu trở thành một đồng minh không thể tin cậy. Johann David Wadephul, nhà lập pháp cấp cao thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel, cho hay: "Đây là lời cảnh tỉnh cho người Châu Âu chúng tôi rằng phải tự nắm lấy vận mệnh của mình"

Bằng cách đơn phương rút quân khỏi Đức, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Châu Âu, ông Trump đang làm tổn hại NATO và "nhét quà vào tay" Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từ lâu không hài lòng với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Châu Âu, theo Thomas Kleine-Brockhoff, phó chủ tịch Quỹ German Marshall ở Berlin.

Kleine-Brockhoff cho biết, đối thủ chiến lược của ông Trump không phải là Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà là bà Angela Merkel. Tổng thống Trump, tỷ phú nổi tiếng, không tìm được tiếng nói chung với bà Merkel, nhà vật lý lượng tử, cũng không phải là chuyện mới mẻ. Điều mới mẻ là ông Trump dường như từ bỏ việc cố tỏ ra họ đứng cùng phía.

Kleine-Brockhoff nhận định: "Merkel đại diện cho những điều mà Trump không thích, như chủ nghĩa toàn cầu, đa phương và luật pháp quốc tế. Ông ấy thích hướng tới các lãnh đạo độc đoán nổi tiếng trên thế giới hơn"

Người Đức lo ngại Trump đang xác định lại lợi ích quốc gia của Mỹ và liên minh xuyên Đại Tây Dương không nằm trong đó. Kleine-Brockhoff cho hay: "Ông ấy nghĩ động thái của mình sẽ cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ. Nhưng nếu rút quân trong ba tháng tới, Trump đang khiến khả năng răn đe của Mỹ ở Châu Âu giảm 25%", và nói thêm rằng đây là thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau Thế chiến II.

Các nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm ở hai bên bờ Đại Tây Dương đều cho rằng mối quan hệ Mỹ - Đức nên được xem là vô cùng quan trọng, đặc biệt là sau khi Anh rời Liên minh Châu Âu (EU).

Đức là quốc gia giàu có và đông dân nhất Châu Âu. Đức cũng là cường quốc kinh tế của Châu Âu và là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ. Các công ty của Đức đang sử dụng khoảng 700,000 lao động ở Mỹ.

Đồng thời, Đức cũng được xem là trung tâm quân sự quan trọng nhất của Washington ở Châu Âu, với khoảng 35,000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây. Khoảng 12,000 người Đức đang làm việc cho các cơ sở quân sự của Mỹ. Sự hiện diện của người Mỹ cũng mang tới hàng chục nghìn công việc khác cho người Đức. Do đó, kế hoạch rút quân của Mỹ sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế Đức.

Nhưng nó cũng gây tổn hại không nhỏ cho Mỹ. Ngoài rút binh lính thường trực, Tổng thống Trump dự định hạn chế số lượng lính Mỹ ở Đức không quá 25,000, chưa bằng một nửa so với mức tối đa hiện tại. Điều này có thể nghiêm trọng hơn kế hoạch rút 9,500 quân, theo Ivo Daalder, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Council on Global Affairs ở Chicago.

Hầu như tất cả chuyến bay quân sự của Mỹ tới Iraq hoặc Afghanistan đều qua Ramstein ở tây nam nước Đức, căn cứ lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Bệnh viện quân đội Mỹ ở Landstuhl cũng là nơi điều trị cho rất nhiều lính Mỹ bị thương trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Căn cứ ở tây nam Đức cũng là nơi điều phối nhiều nhiệm vụ của quân đội Mỹ ở Châu Phi.

Trên tất cả, vai trò quan trọng nhất của lính Mỹ ở Đức là răn đe Nga. Nicholas Burns, cựu quan chức dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là giáo sư tại trường Harvard Kennedy, thuộc Đại học Harvard, cho rằng quyết định rút quân của Mỹ sẽ đem lợi cho Tổng thống Putin. Ông nhận xét: "Đây là đòn chính trị giáng vào ưu tiên hiện tại của chúng ta ở Châu Âu, là tăng cường kết nối chiến lược với Đức, cường quốc quan trọng nhất ở Châu Âu, đặc biệt là sau khi Anh rời EU"

Quyết định của Trump phù hợp với quan điểm "Nước Mỹ trước hết", nhằm hạn chế triển khai lính Mỹ ở nước ngoài và yêu cầu các đồng minh san sẻ gánh nặng ngân sách quốc phòng. Nhưng một số người cho rằng quan điểm "Nước Mỹ trước hết" đang biến thành "Trump trước hết".

Norbert Röttgen, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Đức và là một trong số ứng viên hy vọng kế nhiệm Thủ tướng Merkel vào năm 2021, cho hay: "Nó không còn là quan điểm về thế giới, về chính trị mà là về riêng Trump, về nhu cầu được công nhận và đôi khi là để trả đũa"

Các quan chức Đức đã sẵn sàng đón nhận các tuyên bố gây rạn nứt quan hệ nhiều hơn từ Washington trong những tháng trước bầu cử Mỹ và có thể là cả sau đó.

Nhiều người lo ngại Trump sẽ đơn phương rút ngắn thời gian rút quân từ Afghanistan, tạo điều kiện cho Taliban chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán hòa bình. Một số thậm chí cho rằng Trump cũng sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc. Röttgen nhận định: "Ông ấy đang rất lo lắng và chịu nhiều áp lực. Khi áp lực càng nhiều, tình thế ngày càng nghiêm trọng, ông ấy sẽ càng kích động"

Một số người còn sợ rằng nếu tái đắc cử, tuyên bố đầu tiên của Trump sẽ là rời NATO. Kleine-Brockhoff đặt câu hỏi rằng liệu Tổng thống Mỹ có thể phá hủy liên minh tới mức nào.

Trump từ lâu đã phàn nàn Mỹ phải chịu gánh nặng chi phí đóng góp cho NATO hơn các đồng minh. Kể từ khi nhậm chức, ông luôn chỉ trích Đức là quốc gia giàu có nhưng chi tương đối ít cho ngân sách quốc phòng. Nhiều nhà phân tích cho rằng một số phàn nàn của Trump là chính đáng.

Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cho hay: “Đức vấp phải rất nhiều chỉ trích về chi tiêu quốc phòng. Đó là cách NATO làm". Nhưng theo ông, cách để khiến một quốc gia đóng góp nhiều hơn là phải đưa ra những chiến lược chung.

Daalder cũng cho rằng quan điểm của Trump rằng Đức được hưởng lợi từ việc quân Mỹ hiện diện mà không phải mất gì là hoàn toàn sai lầm. Đức đã phải trả rất nhiều để tiếp đón quân Mỹ, cũng như phải cung cấp vùng đất rộng lớn làm nơi huấn luyện cho quân Mỹ và NATO. Nơi duy nhất ở Châu Âu cho phép bất kỳ ai được diễn tập bắn đạn thật là Bavaria. Ông kết luận: "Chúng tôi tham gia NATO không phải là ân huệ đối với các nước đồng minh, mà là để bảo vệ chính an ninh của chúng tôi. Mỹ triển khai quân đội ở Đức và nhiều nơi khác để ngăn chặn chiến tranh nên chúng tôi không thể đối đầu với họ"


50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).