
Lãnh đạo cơ quan an ninh Hong Kong cho rằng sự can thiệp của Mỹ, Đài Loan thúc đẩy biểu tình và phong trào chống chính quyền đặc khu.
John Lee, lãnh đạo cơ quan an ninh Hong Kong, cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến những người cổ vũ cho phong trào độc lập của Hong Kong. Sau đó chúng tôi phát hiện những dấu hiệu của sự can thiệp nước ngoài vào vấn đề Hong Kong"
Trong năm 2019, ước tính khoảng một triệu người đã xuống đường biểu tình trong nhiều tháng, khiến dự luật bị hủy bỏ. Tuy nhiên, các cuộc tuần hành tiếp tục phát triển thành phong trào chống chính quyền, đòi hỏi cải cách chính trị và lực lượng cảnh sát, dẫn đến nhiều vụ đụng độ.
Ông Lee tin rằng phong trào biểu tình được tổ chức cao độ, khi có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng, với mạng lưới hậu cần, chỉ huy tại hiện trường và việc sử dụng ký hiệu bàn tay giữa những người biểu tình để liên lạc với nhau.
Từ tháng 06/2019 đến cuối tháng 05/2020, tổng cộng có 8,986 người đã bị bắt giữ vì các hành vi phạm tội bao gồm bạo loạn và đốt phá. Phía cảnh sát đã bắn 16,223 viên đạn hơi cay, 10,108 viên đạn cao su, 1,885 quả lựu đạn bọt biển, 2,033 viên đạn đậu và 19 viên đạn thật.
Ông Lee bày tỏ nỗi buồn khi thấy những người trẻ "bị lợi dụng" để thực hiện các hành vi bạo lực, nêu đích danh Mỹ và Đài Loan khi cáo buộc các thế lực nước ngoài can thiệp vào vấn đề Hong Kong. Ông cho biết sự lan truyền tin giả, "gạt bỏ các tiêu chuẩn đạo đức" và mức độ can thiệp vượt quá sức tưởng tượng.
Hồi tháng 11/2019, Mỹ đã thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, mở đường cho quá trình tước bỏ trạng thái thương mại đặc biệt của đặc khu mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố trong tháng 05/2020. Theo Lee, đạo luật đi ngược lại luật pháp quốc tế và "can thiệp hoàn toàn" vào vấn đề nội bộ của Hong Kong.
Ông cho hay: "Thêm vào đó, toàn bộ cuộc biểu tình diễn ra trong giai đoạn bầu cử lãnh đạo Đài Loan. Do đó, tôi nghĩ chúng ta có thể thấy rằng các thế lực bên ngoài đã can thiệp trong những tháng biểu tình chống đối đó"
Ông cũng nói thêm rằng sự can thiệp từ Mỹ và Đài Loan "chắc chắn" đã làm thay đổi quá trình diễn ra phong trào chống chính quyền, nhưng từ chối cung cấp bằng chứng chi tiết. Ông lưu ý những cuộc biểu tình quy mô lớn cần nguồn lực, tài chính và kế hoạch, nói thêm rằng các hoạt động sụt giảm kể từ cuối tháng 01/2020 và ông từng thấy người biểu tình phải tái chế thiết bị mua trước đó. Vì vậy, Lee cho rằng phong trào biểu tình có thể đang mất dần nguồn tài trợ từ bên ngoài.
Các cuộc biểu tình chống chính quyền tại Hong Kong hạ nhiệt từ hồi đầu năm 2020 sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, người dân Hong Kong gần đây lại tiếp tục xuống đường để phản đối kế hoạch áp luật an ninh với đặc khu của Bắc Kinh. Đây là một trong những vấn đề khiến quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng.
Gửi ý kiến của bạn