Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn Hàn Quốc trở thành thành viên G7 vì các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên.
Hôm Chủ nhật (28/06/2020), các nguồn tin ngoại giao cho biết, Nhật Bản đã nói với Mỹ về việc họ phản đối ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Hàn Quốc trở thành thành viên G7. Động thái được đánh giá sẽ khiến mối quan hệ Nhật - Hàn vốn đã lạnh lẽo sẽ tiếp tục xấu đi.
Thông điệp Tokyo không ủng hộ Seoul trở thành thành viên G7 được một quan chức cấp cao Nhật Bản chuyển đi hồi cuối tháng 05/2020, ngay sau khi Tổng thống Trump đưa ra ý tưởng mời Úc, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc dự hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào cuối năm 2020.
Ông Trump từng nói với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng 06/2020 rằng ông có thể mời cả Brazil và nhóm mở rộng sẽ được đặt tên là "G11" hoặc "G12". Giới chức Nhật Bản đã nhận được câu trả lời từ phía Mỹ rằng quyết định cuối cùng về vấn đề trên phụ thuộc hoàn toàn ở Tổng thống Trump.
Theo giới quan sát, thông tin Nhật Bản phản đối Hàn Quốc tham gia G7 chắc chắn sẽ khiến Seoul giận dữ bởi họ đã hoan nghênh đề xuất từ Tổng thống Mỹ.
Trong một chương trình phát sóng trên truyền hình ngày 28/06/2020, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã nhắc lại quan điểm phản đối đề xuất của Tổng thống Trump. Ông nói: "Điều quan trọng là phải giữ khuôn khổ G7 như nó vốn có. Tôi tin đây là sự đồng thuận chung"
Theo một số nguồn tin, quan chức cấp cao Nhật Bản cho biết Tokyo phản đối đề xuất là vì chính quyền Tổng thống Moon có chính sách thân Trung Quốc, nên không phù hợp với cách tiếp cận hiện nay của Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh. Chính quyền Tổng thống Moon cũng đang nỗ lực hàn gắn quan hệ liên Triều, trong khi Trump không từ bỏ lập trường duy trì trừng phạt Bình Nhưỡng vì vấn đề hạt nhân.
Đối với Nhật Bản, việc Hàn Quốc tham gia nhóm sẽ khiến họ đánh mất vị thế là quốc gia Châu Á duy nhất trong G7. Trump trong khi đó nói muốn mở rộng G7 vì tin rằng số thành viên hiện nay của nhóm không hoàn toàn đại diện cho tình hình toàn cầu và khuôn khổ đã lạc hậu.
Gửi ý kiến của bạn