Thứ Hai (29/06/2020), Mỹ bắt đầu tiến hành các bước loại bỏ quy chế đặc biệt của Hong Kong, tạm dừng xuất khẩu quốc phòng và hạn chế quyền tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao, trong bối cảnh Trung Quốc thông qua luật an ninh mới dành cho đặc khu.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đang đình chỉ đối xử ưu đãi với Hong Kong, bao gồm cả các trường hợp ngoại lệ về giấy phép xuất khẩu, và cho biết các hành động tiếp theo để hủy bỏ tình trạng đặc quyền của Hong Kong cũng đã được đưa vào đánh giá.
Ủy ban thường trực Quốc hội Trung Quốc thông qua dự luật trong ngày 30/06/2020. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Quyết định của chính phủ Trung Quốc về việc tước quyền tự do của Hong Kong, đã buộc chính quyền Tổng thống Trump phải xem xét lại các chính sách của mình đối với đặc khu”.
Theo ông Mike Pompeo, kể từ 29/06/2020, Washington sẽ chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang Hong Kong và sẽ từng bước ngừng xuất khẩu công nghệ kép sang đặc khu. Công nghệ kép được dùng cho cả hai mục đích thương mại và quân sự. Ông cho hay: “Mỹ buộc phải có hành động để bảo vệ an ninh quốc gia. Chúng tôi không thể phân biệt được các mặt hàng trên sẽ được xuất khẩu sang đâu, Hong Kong hay Trung Quốc đại lục”.
Kurt Tong, cựu tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hong Kong cho biết, hành động không bao gồm đa số hàng hóa thương mại vì đặc khu không phải trung tâm sản xuất lớn và nền kinh tế của nó chủ yếu dựa vào dịch vụ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa đưa ra bình luận.
Tháng 05/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đang khởi xướng một quy trình để loại bỏ những đối xử kinh tế đặc biệt, cho phép Hong Kong duy trì là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, kể từ khi Anh chuyển giao bán đảo về tay Trung Quốc năm 1997. Các tuyên bố của Mỹ được đưa ra vào thời điểm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump chính thức khởi động. Các cuộc thăm dò cho thấy, cử tri Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Trung Quốc, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo ông Mike Pompeo, Washington đang áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức hiện tại và cựu quan chức của Bắc Kinh, những người được cho là chịu trách nhiệm chính trong việc phá hoại quyền tự trị của Hong Kong.
Giới phân tích nhận định, việc chấm dứt hoàn toàn quy chế đặc biệt với Hong Kong trên thực tế là Mỹ đang tự bắn vào chân mình, vì các điều kiện kinh doanh thân thiện với đặc khu này đã mang lại rất nhiều lợi lộc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, 85,000 công dân Mỹ đã sống ở Hong Kong vào năm 2018, hơn 1,300 công ty Mỹ hoạt động tại đặc khu, bao gồm gần hết các công ty tài chính lớn. Các dịch vụ pháp lý và kế toán của Mỹ cũng tìm được nguồn thu lớn ở đây. Năm 2018, thặng dư thương mại hàng hóa song phương lớn nhất của Mỹ chính là với Hồng Kông, đạt 31.1 tỷ USD . Số lượng hàng hóa trị giá 432.7 triệu USD đã được xuất sang Hong Kong theo trường hợp ngoại lệ của Bộ Thương mại Mỹ, chủ yếu liên quan đến mã hóa, phần mềm và công nghệ.
Năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt các sản phẩm và dịch vụ quốc phòng có kiểm soát trị giá khoảng 2.4 triệu USD cho các cơ quan chính quyền Hong Kong, trong đó đã chuyển đi hơn 50%.
- Từ khóa :
- Mỹ
- ,
- Hong Kong
- ,
- Dự Luật An Ninh Hong Kong
Gửi ý kiến của bạn