S&P Global Ratings cảnh báo ngành ngân hàng toàn cầu có thể đối mặt với một năm nhiều khó khăn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009.
Theo đó, S&P đã đưa ra đánh giá "tiêu cực" với 1/3 ngân hàng toàn cầu do tác động của dịch Covid-19 và cú sốc giá dầu hồi đầu năm. Nhà phân tích Emmanuel Volland của S&P Global Ratings cho biết: "12 tháng trước, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, các ngân hàng bước sang một năm mới với tình hình tương đối êm ả. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chuẩn bị đón năm 2021 với tình hình ngược lại hoàn toàn. Với nhiều hệ thống ngân hàng, chúng tôi dự báo phải tới năm 2023 hoặc lâu hơn để có thể phục hồi mức trước Covid-19".
S&P dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn vào năm 2021 và phục hồi chậm chạp, không ổn định tùy theo từng khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích của S&P nhận định các ngân hàng nhìn chung đang ở trạng thái tốt hơn để vượt khủng hoảng so với thời điểm năm 2009.
Theo S&P, các ngân hàng đang được hưởng lợi lớn từ các gói cứu trợ lớn của chính phủ và thị trường vốn còn nhiều dư địa. Bản thân các nhà băng cũng tích cực xử lý những tài sản chất lượng kém. Nhà phân tích Gavin Gunning của S&P Global Ratings, nhận định: "Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ nhà băng không thể kéo dài mãi. Khi những biện pháp giảm dần vào năm 2021, bức tranh chân thực hơn về chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ dần hiện ra, kể cả khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi".
Trong loạt báo cáo công bố ngày 17/11, S&P dự báo sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế cùng với "bảng cân đối kế toán khả quan của các ngân hàng, sự hỗ trợ của chính phủ cho thị trường doanh nghiệp và bán lẻ, cũng như sự linh động của giới làm luật" sẽ giúp hạn chế mức suy giảm của ngành ngân hàng vào năm 2021.
Kịch bản cũng được thúc đẩy hơn nữa với những tin tức tích cực từ các cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 của hai hãng được Pfizer và Moderna. Báo cáo của S&P nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vaccine được phân phối rộng rãi vào giữa năm 2021 đối với triển vọng tín dụng.
Tuy nhiên, S&P cũng cảnh báo rằng bất kỳ thay đổi nào trong yếu tố giả định trên, ví dụ như sự phục hồi chậm, đình trệ hay gián đoạn kinh tế trầm trọng, có thể dẫn tới mức tín nhiệm tiêu cực cho các nhà băng, đặc biệt tại những khu vực đang chứng kiến làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ hai.
Các nhà phân tích của S&P cũng quan ngại về khả năng nhiều chính phủ sẽ dừng hỗ trợ cho các nhà băng và người đi vay sớm hơn dự kiến. Điều này có thể tạo ra những rủi ro trong dài hạn.
Nhà phân tích Gunning và Volland nhận định: "Các biện pháp hỗ trợ đã giúp cân bằng những tác động của đại dịch với các ngân hàng, trong bối cảnh nền kinh tế biến động mạnh ảnh hưởng lớn tới người đi vay. Do đó, những hành động chính xác và đúng thời điểm sẽ vô cùng quan trọng trong năm 2021. Các gói kích thích tài khóa và tiền tệ bị dừng quá sớm sẽ ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của nền kinh tế. Điều này tác động tiêu cực tới các hộ gia đình và doanh nghiệp, kéo theo hệ quả tới các ngân hàng”
Theo S&P, một rủi ro nữa đối với ngành ngân hàng vào năm 2021 là sự suy yếu của thị trường bất động sản do tác động của đại dịch Covid-19, từ đó làm tăng nguy cơ phá sản và giảm chất lượng tín dụng của các ngân hàng.
Gửi ý kiến của bạn