Hiện có khoảng 2,800 vệ tinh đang hoạt động xung quanh Trái đất. Tuy nhiên, con số vẫn chưa là gì so với số lượng vật thể không còn hoạt động – hay còn gọi là ‘rác không gian’ – đang quay quay hành tinh chúng ta.
Các nhà khoa học ước tính rằng gần 3,000 vệ tinh đã chết (tức ngừng hoạt động) vẫn đang quay xung quanh Trái đất, chưa kể đến 900,000 mảnh vỡ có kích thước chưa đến 10 cm đang rải rác trên quỹ đạo, có thể gây ra thảm họa nếu một hay nhiều mảnh vỡ va chạm vào các vệ tinh.
Đây được coi như một bài toán nan giải mà các cơ quan hàng không vũ trụ trên thế giới đang tìm cách giải quyết. Và Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) đã đề xuất một ý tưởng cực kỳ độc đáo để dọn dẹp rác không gian.
Theo kế hoạch, các con tàu vũ trụ có hình dáng giống như một chiếc móng vuốt khổng lồ sẽ được phóng lên quỹ đạo để ‘kẹp’ các vệ tinh đã ngừng hoạt động và hướng chúng lao trở lại bầu khí quyển - nơi cả vệ tinh và ‘móng vuốt’ sẽ tự bốc cháy.
Kế hoạch ban đầu của ESA đã hình thành từ năm 2019, nhưng mãi đến gần đây, cơ quan mới chính thức ký hợp đồng với công ty khởi nghiệp Thụy Sĩ ClearSpace để xây dựng và khởi động sứ mệnh loại bỏ rác vũ trụ đầu tiên, được gọi là ClearSpace-1. ESA sẽ chi ra khoảng 86 triệu Euro để ClearSpace chế tạo thiết bị dọn dẹp rác vũ trụ.
Mục tiêu đầu tiên của sứ mệnh ClearSpace-1 là Vespa (Bộ điều hợp tải trọng phụ của Vega) – một bộ phận tên lửa còn sót lại sau khi tên lửa Vega được phóng lên vào năm 2013, có trọng lượng khoảng 112kg, tương đương một vệ tinh nhỏ.
ESA hy vọng sứ mệnh ClearSpace-1 có thể khởi động sớm nhất vào năm 2025. Với số lượng khổng lồ rác vũ trụ, chúng ta sẽ cần rất nhiều con tàu như vậy để dọn dẹp quỹ đạo Trái Đất. Nếu ClearSpace-1 thành công, ESA có thể thiết kế các phiên bản móng vuốt hiệu quả hơn để dọn rác.
- Từ khóa :
- Cơ quan Vũ trụ Châu Âu
- ,
- ESA
- ,
- Rác Không Gian
Gửi ý kiến của bạn