Sau khi ca nhiễm gia tăng vào cuối mùa thu dẫn đến ca nhập viện và tử vong tăng cao, Thụy Điển đã từ bỏ nỗ lực chống dịch "kiểu riêng" ở Châu Âu.
Giống như các nước Châu Âu khác, người dân Thụy Điển bước vào mùa đông với một loạt hạn chế, từ lệnh cấm tụ tập đông người cho đến hạn chế bán rượu và đóng cửa trường học - tất cả đều nhằm ngăn hệ thống y tế của đất nước không bị quá tải và hạn chế ca tử vong trên đầu người, vốn đã nằm trong top cao nhất thế giới.
Các hạn chế bắt đầu vào tháng 11/2020 đặt dấu chấm hết cho cách tiếp cận đã khiến Thụy Điển nằm trong tâm điểm của cuộc tranh luận toàn cầu giữa phe phản đối và ủng hộ biện pháp hạn chế của các chính phủ.
Những người ngưỡng mộ cách tiếp cận của Thụy Điển ca ngợi lợi ích của nó đối với nền kinh tế và sự tôn trọng quyền tự do cơ bản của người dân. Trong khi đó, những người chỉ trích gọi đây là canh bạc với mạng người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Với thay đổi trong chiến lược, chính phủ Thụy Điển hiện đứng về phía những người ủng hộ áp đặt ít nhất một số hạn chế bắt buộc.
Khi đại dịch quét qua Châu Âu vào tháng 03/2020, Thụy Điển đã không thực hiện các biện pháp giống các nước trong khu vực, không yêu cầu đeo khẩu trang và vẫn cho các quán bar và hộp đêm hoạt động, họ trông chờ vào tinh thần tự nguyện của người dân.
Cuối tháng 10/2020, người Thụy Điển vẫn tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao đông người. Giới chức y tế khẳng định rằng các biện pháp tự nguyện là đủ để giúp họ tránh khỏi làn sóng Covid-19 trỗi dậy trở lại ở Châu Âu.
Vài tuần sau, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 lên đến gần 700 trên một triệu dân, ca nhiễm tăng theo cấp số nhân và các bệnh viện chật kín bệnh nhân Covid-19, chính phủ phải quay đầu.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 22/11/2020, Thủ tướng Stefan Löfven cầu xin người Thụy Điển hủy tất cả các cuộc gặp không cần thiết và ra lệnh cấm tụ tập trên 8 người, dẫn đến việc đóng cửa các rạp chiếu phim và các địa điểm giải trí khác. Trường trung học bắt đầu đóng cửa từ ngày 07/12/2020.
Piotr Nowak, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Đại học Karolinska ở Stockholm, cho biết: "Giới chức Thụy Điển đã chọn một chiến lược hoàn toàn khác với phần còn lại của Châu Âu, vì vậy, đất nước đã phải chịu đựng rất nhiều hậu quả trong đợt sóng đầu tiên. Chúng tôi không hiểu vì sao họ không lường trước làn sóng thứ hai sẽ đến".
Tuần đầu tiên của tháng 12/2020, ca tử vong do Covid-19 ở Thụy Điển vượt 7.000. Trong khi đó, số người chết tại các nước láng giềng có quy mô tương tự Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy lần lượt là 878, 415 và 354. Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, các nước láng giềng của Thụy Điển đã đóng cửa biên giới với họ.
Vivikka Richt, phát ngôn viên Bộ Y tế Phần Lan nói: "Chúng tôi không muốn gọi Thụy Điển là 'cừu đen', nhưng họ rõ ràng đã là một con cừu khác biệt". Bác sĩ Nowak cho biết các nhân viên y tế chưa bao giờ lạc quan về "miễn dịch cộng đồng" giống như giới chức y tế công cộng và họ đã nhiều lần cảnh báo rằng không thể kiểm soát virus bằng các trông chờ vào tinh thần tự nguyện của người dân.
Một lý do khiến Thụy Điển duy trì với cách tiếp cận của mình trong thời gian dài bất chấp nhiều dấu hiệu đáng lo ngại là mức độ độc lập và quyền hạn cao mà cơ quan y tế và các cơ quan nhà nước tương tự khác được hưởng theo luật pháp Thụy Điển.
Gương mặt đại dịch cho chiến lược chống dịch của đất nước là Anders Tegnell, nhà dịch tễ học trưởng của Thụy Điển. Tegnell từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng trong các cuộc trò chuyện trước đây với các hãng truyền thông, ông nói rằng biện pháp phong tỏa là không bền vững và không cần thiết. Cơ quan của ông tiếp tục không khuyến khích đeo khẩu trang trong khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, cơ quan thuộc Liên minh Châu Âu có trụ sở đặt gần văn phòng của Tegnell ở Stockholm, khuyến cáo nên đeo chúng.
Trong những tháng gần đây, Tegnell dự đoán người Thụy Điển sẽ dần dần xây dựng khả năng miễn dịch đối với virus thông qua phơi nhiễm có kiểm soát, cho rằng vaccine sẽ mất nhiều thời gian phát triển hơn dự kiến và tỷ lệ tử vong ở phương Tây sẽ tương đồng.
Thay vào đó, vaccine đầu tiên của phương Tây đã được cấp phép tại Anh vào đầu tháng 12/2020, tỷ lệ tử vong của Thụy Điển vẫn cao hơn nhiều so với các nước láng giềng và Tegnell thừa nhận vào cuối tháng 11/2020 rằng sự gia tăng ca nhiễm mới cho thấy "không có dấu hiệu" miễn dịch cộng đồng.
Trong khi đó, chiến lược của Thụy Điển không mang lại lợi ích kinh tế mà những người đề xướng nó đã dự đoán. Trong nửa đầu năm 2020, GDP của Thụy Điển giảm 8,5% và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng lên gần 10% vào đầu năm 2021, theo ngân hàng trung ương và một số viện kinh tế.
Một loạt các nhà hàng, khách sạn và doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa. Không giống như phần còn lại của Châu Âu, nơi các chính phủ tung ra các gói hỗ trợ hào phóng đi đôi với những hạn chế, giới chức Thụy Điển cung cấp ít hỗ trợ hơn cho các doanh nghiệp vì họ không bắt buộc đóng cửa.
Jonas Hamlund nói: "Điều này còn tồi tệ hơn phong tỏa và đây là năm thảm khốc đối với các ngành kinh doanh. Họ không bắt buộc đóng cửa nên họ không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ hỗ trợ đáng kể nào, thế nhưng họ lại khuyên mọi người 'đừng đi ăn nhà hàng". Ông đã buộc phải đóng cửa một trong hai nhà hàng của mình ở thành phố biển Sundsvall, sa thải 30 người.
Lars Calmfors, nhà kinh tế là thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, cho biết nỗi sợ hãi về virus và khuyến cáo tránh tương tác xã hội của chính phủ để đã khiến nhu cầu trong nước suy giảm, làm tổn hại đến niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ông cho biết: "Các quốc gia áp đặt hạn chế bắt buộc đã làm tốt hơn chúng tôi".
Tại Stockholm, Anna Lallerstedt điều hành ba nhà hàng nổi tiếng được cha mẹ cô mở vào những năm 1980. Vậy mà trong tháng 11/2020, cô phải đóng cửa hai trong số đó, sa thải gần 100 người. Cô lo sợ rằng nhà hàng cuối cùng, hiện chỉ có 10 nhân viên, cũng có thể gặp rủi ro khi làn sóng lây nhiễm hiện tại dự kiến đạt đỉnh vào mùa Giáng sinh, vốn là dịp mang lại doanh thu đáng kể. Lallerstedt tiếc nuối: "Có lẽ chúng tôi nên đeo khẩu trang sớm hơn"
Vai trò của Tegnell trong nỗ lực chống đại dịch của chính phủ giờ đã suy giảm. Nhưng một số nhà khoa học cho biết thí nghiệm thất bại đã làm lung lay niềm tin của công chúng vào giới chức và chuyên gia, tại quốc gia vốn có truyền thống tôn trọng cả hai.
Một cuộc thăm dò của Ipsos vào tháng 11/2020 cho thấy 82% số người được hỏi lo lắng về gánh nặng đại dịch đè lên các bệnh viện, trong khi 44% nhận định giới chức đã không thực hiện các biện pháp đầy đủ, tăng từ mức 31% vào tháng 10. Tuy nhiên, đa số vẫn ủng hộ Tegnell.
Björn Eriksson, Giám đốc Y tế và Bệnh viện của khu vực Stockholm, khu vực đông dân nhất của đất nước, cho biết: "Tình trạng lây lan đang gia tăng ở Stockholm và chúng tôi đang gặp phải tình huống rất, rất nghiêm trọng"
Eriksson nói rằng nhân viên y tế của thủ đô chật vật chăm sóc cho lượng bệnh nhân lớn và áp lực mà đại dịch đè lên hệ thống y tế chỉ có thể được xoa dịu bằng các biện pháp hạn chế khắt khe hơn.
Calmfors cho hay: "Chúng ta thích tự cho mình là những người rất lý trí và thực dụng. Tuy nhiên, trong nhiều tháng, giới chức vẫn tiếp tục cách tiếp cận dù đã có bằng chứng cho thấy nó thất bại. Tôi không thể nhận ra đất nước của mình nữa".
- Từ khóa :
- Thụy Điển
- ,
- COVID-19
- ,
- Miễn dịch cộng đồng
Gửi ý kiến của bạn