Lần đụng độ mới nhất giữa Apple và Facebook chỉ là diễn biến tiếp theo trong cuộc chiến kéo dài hơn thập kỷ giữa hai “Big Tech” trên thế giới.
Trong một hội thảo bảo mật tại Brussels hồi tháng 10/2018, CEO Tim Cook đã “tát vào mặt” các đối thủ lớn trong làng công nghệ bằng bài phát biểu của mình: “Mỗi ngày, hàng tỷ USD được giao dịch, vô số quyết định được đưa ra, dựa trên các nút “like”, “dislike”, bạn bè, gia đình, mối quan hệ và hội thoại của chúng ta. Mong ước của chúng ta, nỗi sợ của chúng ta, hi vọng của chúng ta, giấc mơ của chúng ta. Những dữ liệu vụn vặt này, dù bản thân vô hại, lại được lắp ghép, thu thập, giao dịch và mua bán một cách cẩn trọng”.
Dù không chỉ đích danh Facebook, rõ ràng công ty của Mark Zuckerberg là một trong số đó. Facebook đã xây dựng nên một đế chế từ dữ liệu của người dùng để phục vụ cho hệ thống quảng cáo mục tiêu. Doanh thu của Facebook trong quý trước đạt 20 tỷ USD, gần 99% đến từ quảng cáo.
Bài phát biểu chỉ là một trong số hàng loạt các đòn mà Tim Cook và Mark Zuckerberg tung ra trong hơn một thập kỷ qua. Căng thẳng giữa Facebook và Apple bắt đầu từ thời kỳ sơ khai của iPhone và ham muốn kiểm soát làn sóng điện toán tiếp theo. Chẳng hạn, trong câu chuyện trang bìa trên tạp chí Time 2014, Zuckerberg chỉ trích Apple và lập trường của Cook về quyền riêng tư. Ông chủ Facebook cho rằng Apple bán sản phẩm quá đắt.
Cuộc khẩu chiến kéo dài hơn 10 năm cho thấy khác biệt căn bản về ý kiến giữa hai công ty công nghệ khổng lồ về cách kinh doanh trên Internet. Theo quan điểm của Facebook, Internet là "cánh rừng hoang" với nhiều nền tảng cạnh tranh nhau, cung cấp dịch vụ sáng tạo miễn phí. Người dùng có thể không trả tiền để sử dụng mà bằng dữ liệu để nhà quảng cáo hiển thị thứ bạn muốn mua ngay trước mắt người dùng khi chuyển đổi từ thiết bị và dịch vụ này sang thiết bị và dịch vụ khác.
Theo quan điểm của Apple, Internet chỉ là phần mở rộng của cuộc cách mạng điện toán máy tính mà công ty hỗ trợ khởi động trong những năm 1980 và điện thoại là thiết bị mang tính riêng tư nhất. Mọi người nên biết các công ty đang làm gì với thông tin thu thập được qua chiếc điện thoại đó trước khi chia sẻ dữ liệu.
Trận chiến trường kì
Tuần thứ 3 tháng 12/2020, Facebook thực hiện chiến dịch chống Apple kéo dài 2 ngày. Mạng xã hội mua quảng cáo trên nhiều tờ báo in để nhấn vào thay đổi sắp tới trong hệ điều hành iPhone. Thay đổi sẽ thông báo cho người dùng khi có ứng dụng muốn theo dõi dữ liệu cá nhân của họ như địa điểm, lịch sử duyệt web. Đây là hành vi mà những hãng như Facebook dùng để phục vụ quảng cáo. Nó cũng cho phép người dùng tùy chọn chặn theo dõi trước khi dùng ứng dụng.
Facebook cho rằng quyết định của Apple là nhằm nghiền nát các doanh nghiệp nhỏ đang phụ thuộc vào quảng cáo mục tiêu để tiếp cận khách hàng qua mạng. Facebook cũng cảnh báo – dù không có bằng chứng – rằng quyết định của Apple sẽ buộc các nhà sản xuất ứng dụng ngừng cung cấp phần mềm miễn phí, hỗ trợ quảng cáo cho khách hàng. Thay vào đó, họ phải thu tiền qua hình thức thuê bao hoặc một số khoản phí khác. Còn Apple sẽ hưởng lợi từ phần trăm giao dịch qua nền tảng.
Facebook vẽ ra bức tranh “quỷ quyệt” về Apple: Một công ty toàn quyền kiểm soát nền tảng, thực hiện thay đổi nhằm bóp nghẹt doanh nghiệp nhỏ, buộc họ đi theo mô hình tính phí để công ty thu hoa hồng. Facebook truyền tải thông điệp đó trong quảng cáo báo giấy, blog, bài viết Instagram và các website khác.
Apple phủ nhận cáo buộc của Facebook. Công ty khẳng định thông báo mà người dùng nhìn thấy trên ứng dụng chỉ được thiết kế nhằm cho họ biết khi nào và bằng cách nào mà ứng dụng theo dõi người dùng, chứ không cấm hoàn toàn. Những nhà phát triển ứng dụng như Facebook vẫn có quyền sử dụng thông báo và không gian khác để giải thích vì sao người dùng nên cho họ theo dõi. Các ứng dụng vẫn thoải mái thu thập tất cả dữ liệu về người dùng như trước đó nhưng phải được cho phép. Theo Apple, nó chỉ là một trong số hàng loạt tính năng tập trung vào quyền riêng tư mà hãng bổ sung cho các sản phẩm trong những năm qua.
Nguồn gốc cuộc chiến Facebook – Apple
Quay lại thời sơ khai của iPhone, người ta đã tranh luận về hình dáng của Internet di động. Liệu nó giống như trên desktop, nơi mọi người chủ yếu dùng trình duyệt di động để ghé thăm website và mọi thứ được xây dựng trên tiêu chuẩn công khai? Hay người dùng sẽ chuyển sang những “ứng dụng”, mang đến quyền kiểm soát lớn hơn cho các công ty sở hữu nền tảng di động?
Facebook ủng hộ quan điểm thứ hai và thúc đẩy các ứng dụng. Tuy nhiên, phần lớn hãng thua cuộc vì Apple, người ủng hộ mô hình ứng dụng là cách thực hiện tác vụ trên iPhone và App Store là cách hợp pháp và dễ dàng duy nhất để tìm, cài đặt ứng dụng. Trong khi đó, Google lại theo cả hai khi vừa đầu tư vào Android và Google Play, vừa phát triển trình duyệt Chrome và gây ảnh hưởng lên các tiêu chuẩn web.
Khi tương lai trở nên rõ ràng, Facebook nỗ lực sản xuất smartphone để không phải nhường quyền kiểm soát vào tay Apple, Google. Nhưng thiết bị chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng. Tiếp đó, Facebook lại phát triển một giao diện dành cho thiết bị Android, tích hợp dịch vụ riêng, song cũng thất bại thê thảm. Ngày nay, công ty đang đặt ra nền móng cho nền tảng điện toán lớn tiếp theo để không còn phải chơi theo luật của bất kỳ người nào khác nữa. Đó là lý do vì sao mạng xã hội đang nghiên cứu những thứ như kính thông minh, dự kiến ra mắt năm 2021. Và họ vẫn phải đối phó với Apple.
Cách nào cho Facebook?
Mỉa mai thay, Facebook tố Apple lợi dụng sức mạnh thị trường chỉ vài ngày sau khi Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) và một nhóm luật sư liên bang kiện Facebook vi phạm luật chống độc quyền, đề nghị phá vỡ công ty. Trên hết, tranh luận của Facebook còn vạch trần vị trí của hãng trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Doanh nghiệp nhỏ không phải phụ thuộc vào họ nhiều như thế nếu họ có một đối thủ xứng tầm để các công ty mua quảng cáo.
Apple cũng đối mặt với mức độ theo dõi tương tự nhưng chưa có vụ kiện nào chính thức xảy ra. Tháng 10/2020, Tiểu ban chống độc quyền Hạ viện công bố báo cáo lớn về “sức mạnh độc quyền” của bốn đại gia công nghệ, cáo buộc Apple sử dụng quyền kiểm soát App Store để phá đối thủ tiềm năng.
Cả hai công ty đều bác bỏ những khiếu nại vi phạm luật chống độc quyền. Rất khó để biết cuộc chiến kết thúc như thế nào. Apple không có ý định khoan nhượng, còn Facebook không muốn mất hàng triệu người dùng khi gỡ ứng dụng khỏi App Store.
Giám đốc Chính sách công và quyền riêng tư Facebook Steve Satterfield cho biết công ty vẫn tuân thủ quy định mới của Apple. Facebook sẽ không vi phạm, châm ngòi cuộc chiến tương tự Apple và Epic Games hiện tại. Theo ông Satterfield, mục tiêu của Facebook rất đơn giản, đó là họ muốn Apple lắng nghe. “Họ công bố chính sách vào tháng 6 (2020) mà không có sự cố vấn ý nghĩa… Xét tới ảnh hưởng sâu rộng của nó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch chuẩn bị”.
Không dễ để thông cảm cho những tranh luận của Facebook chống lại Apple. Trong nhiều năm, hãng nói rằng người dùng ưa thích quảng cáo cá nhân, mục tiêu thay vì quảng cáo ngẫu nhiên. Nếu đây là sự thật, không có lý do gì để người dùng tắt theo dõi khi Apple hiển thị thông báo.
Dù vậy, vào tháng 08/2020, Facebook đi ngược lại những gì mình tuyên bố khi công bố nghiên cứu cho thấy việc vô hiệu hóa theo dõi sẽ dẫn tới doanh thu giảm 50% trên mạng lưới quảng cáo. Công ty cũng cảnh báo nhà đầu tư rằng doanh thu năm 2020 sẽ giảm khi Apple bắt đầu kích hoạt tính năng mới.
Theo Facebook, họ muốn sử dụng công cụ kiểm tra quyền riêng tư riêng, giúp người dùng hạn chế dữ liệu chia sẻ thay vì thông báo của Apple. Nhưng Apple lại kiên quyết về việc người dùng muốn tích hợp nhiều tính năng kiểm soát quyền riêng tư hơn trong iPhone. Sau nhiều năm chỉ trích hành vi kinh doanh của Facebook, Apple dần dần đưa thêm nhiều tính năng bảo mật hơn.
Không chỉ Apple phản bác Facebook. Các nhóm doanh nghiệp nhỏ, đối tượng mà Facebook nói đang cố gắng bảo vệ, đã nhấn chìm hashtag #SpeakUpForSmall trên Twitter bằng hàng loạt khiếu nại vì không được Facebook chú ý như khách hàng lớn vào đúng ngày Facebook mua quảng cáo nói xấu Apple.
Gửi ý kiến của bạn