Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận về khả năng cùng sản xuất vaccine Covid-19 trong một cuộc điện đàm hôm thứ Ba (05/01/2021).
Điện Kremlin thông báo: "Các vấn đề hợp tác trong việc chiến đấu với đại dịch Covid-19 đã được thảo luận, với trọng tâm là những triển vọng về khả năng cùng sản xuất vaccine”, và cho biết thêm hai bên đã đạt thỏa thuận nhằm tiếp tục những cuộc tiếp xúc về vấn đề giữa các cơ quan y tế và chuyên trách của hai nước.
Ngoài ra, hai vị lãnh đạo còn thảo luận về việc giải quyết xung đột giữa Ukraine với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. Vấn đề hầu như bế tắc kể từ khi các hiệp định hòa bình Minsk được ký hồi năm 2015.
Thời gian gần đây, Nga và Đức đều bắt đầu chương trình tiêm chủng hàng loạt cho người dân nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19, đồng thời tránh phải tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.
Đức đang sử dụng vaccine Covid-19 do công ty BioNTech hợp tác phát triển cùng hãng dược Mỹ Pfizer. Trong khi đó, Nga đã cho lưu hành vaccine Sputnik V mà họ tự phát triển, bất chấp hoài nghi từ phương Tây vì vaccine được cấp phép trước khi thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng.
Nga bắt đầu đợt tiêm chủng hàng loạt vào đầu tháng 12/2020, với những nhóm nguy cơ cao được ưu tiên, bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người già. Alexander Gintsburg, giám đốc trung tâm nghiên cứu Gamaleya, nơi phát triển vaccine Sputnik V, cho biết tới nay có hơn 1 triệu người Nga đã được tiêm chủng.
Moscow cũng đã gửi các lô vaccine của mình đến Belarus, Serbia và Argentina và thông báo rằng 2,6 triệu liều sẽ được cung cấp cho Bolivia nhưng thừa nhận rằng họ đang gặp khó khăn về sản lượng.
Đức bắt đầu tiêm chủng từ ngày 26/12/2020, với hơn 264.000 người đã được tiêm mũi đầu tiên trong hai mũi cần thiết. Tuy nhiên, truyền thông Đức chỉ trích tình trạng mà họ đánh giá là triển khai chậm, cáo buộc chính phủ phụ thuộc quá nhiều vào phản ứng chung với Liên minh Châu Âu.
- Từ khóa :
- Nga
- ,
- Đức
- ,
- Vladimir Putin
- ,
- Angela Merkel
- ,
- COVID-19
- ,
- Vaccine Covid-19
Gửi ý kiến của bạn