Chaebols: Sự Trỗi Dậy Của Các Tập Đoàn Công Nghệ Hàn Quốc Hùng Mạnh

05 Tháng Năm 201510:00 CH(Xem: 9882)
Chaebols: Sự Trỗi Dậy Của Các Tập Đoàn Công Nghệ Hàn Quốc Hùng Mạnh
blank
Chaebol là thuật ngữ được dùng để chỉ những công ty với quy mô lớn, kinh doanh đa lĩnh vực và có truyền thống gia đình trị tại Hàn Quốc. Samsung, LG là hai trong số các chaebol lớn nhất tính đến thời điểm năm 2015, họ không chỉ đơn giản là một công ty mà còn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chính trị Hàn Quốc.

Vậy, làm thế nào mà các chaebol đã vươn lên để góp phần giúp Hàn Quốc thoát khỏi khủng hoảng, cũng như những thách thức mà họ phải đối mặt?

Chaebol - Những Tập Đoàn Khổng Lồ

Có một câu chuyện cười ở Hàn Quốc vào những năm 1990: “Nhân viên của các chaebol sẽ làm gì nếu họ gặp một con gấu hung dữ khi đang đi trong từng? Câu trả lời là nhân viên của Hyundai sẽ đập con gấu chết ngay mà không chần chừ, đội ngũ nhân viên Daewoo thì gọi cho Chủ tịch Kim Woo-jung và đợi lệnh của ông ấy. Trong khi đó, nhân viên Samsung sẽ họp lại khi mà con gấu vẫn đang đứng đó, để thảo luận xem họ nên làm gì tiếp theo, còn nhân viên LG thì đợi xem Samsung sẽ làm gì rồi làm theo y hệt”.

Những biến thể của câu chuyện này vẫn còn được truyền miệng nhau cho đến những năm 2015, và đó là bằng chứng sinh động nhất cho thấy cách mà các chaebol đã in sâu vào tâm trí của người dân Hàn Quốc.

Mặc dù Daewoo Group - nổi tiếng nhất với các sản phẩm xe hơi của mình - giờ đã không còn nữa, những tập đoàn chaebol khác vẫn đang phát triển và đóng góp một phần vô cùng quan trọng vào GDP của nước nhà. Có khá nhiều chaebol được sinh ra, nhưng nổi tiếng nhất và được giới truyền thông Hàn Quốc gọi là “Bộ Tứ Quyền Lực” gồm có 4 công ty: Hyundai Motor Company, SK Group, Samsung và LG.

Các chaebol là một trong những nhân tố đã giúp Hàn Quốc thoát khỏi tình trạng nghèo khổ sau “Chiến tranh Hàn Quốc”. Nhiều chaebol trong số đó giờ đã trở thành các tập đoàn nổi tiếng toàn cầu và dẫn dắt ngành công nghiệp. Hầu như tất cả chúng ta đều đã nghe đến điện thoại Samsung Galaxy, TV hay máy giặt LG và cả xe hơi Hyundai.

Dù các công ty kinh doanh những lĩnh vực tương đối khác nhau, trừ Samsung và LG, nhưng họ vẫn chia sẻ chung một tầm nhìn rằng công nghệ thông tin chính là yếu tố quyết định tương lai của mình. Công nghệ cũng sẽ là thứ giúp họ trở thành những tập đoàn “trường thọ”, theo cách mà các chaebol hay mô tả về mình, hoặc sẽ có lúc đi đến kết thúc giống như Daewoo.

Chaebol - Bè Phái Giàu Có

Chữ chaebol dịch ra có nghĩa là “bè phái giàu có”, nhưng đi sâu hơn nữa thì một chaebol còn hơn cả một công ty. Trong văn hóa Hàn Quốc, mỗi chaebol còn được xem như là một “triều đại”. Các chaebol cũng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc, đến nỗi chủ tịch của những tập đoàn cũng được xem như những người nổi tiếng giống diễn viên, ca sĩ...

Có một điểm đáng chú ý ở chaebol, đó là những vị trí chủ chốt của công ty thường chỉ được truyền cho những người có quan hệ huyết thống với chủ tịch. Ví dụ, Koo Bon-joon - CEO hiện tại của LG Electronics - là em trai của chủ tịch Koo Bon-moo, người đang lãnh đạo cả tập đoàn LG.

Để được gọi là một chaebol đúng nghĩa thì ngoài chế độ “gia đình trị”, công ty cũng phải kinh doanh ít nhất hai lĩnh vực khác biệt nhau. Ví dụ, Samsung - chaebol lớn nhất Hàn Quốc - nổi tiếng nhờ kinh doanh các mặt hàng điện tử, nhưng hãng cũng tham gia cả các ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, cơ khí, sản xuất xe chuyên dụng, thậm chí còn có bộ phận chuyên về tài chính, bảo hiểm hay vận hành khách sạn hạng sang. Còn LG, đối thủ trực tiếp của Samsung, ngoài TV, smartphone thì công ty còn sản xuất hóa chất, địa ốc, viễn thông…

Một yếu tố khác thường được nhắc đến ở chaebol đó là sự sở hữu chéo phức tạp giữa các công ty trong trong chaebol. Vào đỉnh điểm năm 1999, trước khi chính phủ tăng cường các biện pháp kiểm soát, sự sở hữu chéo trong một chaebol có khi lên đến 43%. Các khoản vay giữa những công ty không liên quan trong một chaebol cũng được giám sát chặt chẽ để bảo toàn quyền điều hành và kiểm soát của gia đình chủ tịch.

Park Sang-in, giáo sư ngành hành chánh công tại Đại học Seoul, nhận xét: “Rất khó để tìm thấy một thứ gì đó tương tự như các chaebol Hàn Quốc của những nước khác vào thời buổi này. Ở những quốc gia nói tiếng Anh, thật sự không có những tập đoàn lớn như thế này mặc dù một công ty cũng có khi sở hữu 100% công ty con của mình. Ở Châu Âu, các tổ hợp công nghiệp thì không bao giờ có quy mô lớn như chaebol, quyền sở hữu và quản trị công ty cũng được chia cắt rất nghiêm ngặt. Trong khi đó, các chaebol là một tập hợp nhiều công ty nhỏ với khối lượng giao dịch nội bộ cực lớn, tất cả được kiểm soát bởi một người chủ tịch đầy quyền hành vừa đóng vai trò quản lý vừa là người sở hữu của cả tập đoàn”.

Nhiều chaebol có nguồn gốc từ thời Nhật còn chiếm Hàn Quốc, trong khoảng năm 1910 đến 1945. Một số khác, ví dụ như tập đoàn công nghiệp nặng Doosan Group, thì thậm chí còn có lâu hơn thế nữa. Riêng chữ chaebol thì được tin rằng bắt nguồn từ chữ zaibatsu trong tiếng Nhật, hai chữ này thậm chí còn có cách viết giống nhau. Giống như chaebolt, zaibatsu cũng là những tổ hợp công nghiệp gia đình trị, tuy nhiên không nhất thiết phải là những người có cùng huyết thống, mà là những người thân thiết với nhau. Nhiều zaibatsu đã không còn sau Thế chiến II, các công ty hậu thế thì không còn mang tính tập trung cao độ như chaebol.

Sự Thịnh Vượng Và Quyền Lực Quốc Gia

Năm 1953, GDP đầu người của Hàn Quốc chỉ là 67 USD, và để so sánh thì GDP đầu người của Mỹ trong cùng năm đó là 2449 USD. Sau Thế chiến II cũng như cuộc chiến tranh Triều Tiên, nhiều biến cố chính trị đã biến Hàn Quốc trở nên nghèo đói. Những hiểm họa với Hàn Quốc khi đó là có thật – đất nước bị nhiều cuộc nổi loạn và cũng bị do thám nhiều bởi điệp viên của các bên, trong khi chính phủ thì không thể, hoặc không muốn, giúp đất nước khôi phục lại.

Rồi tướng Park Chung-hee xuất hiện, ông đã dẫn dắt Hàn Quốc từ năm 1961 cho đến khi ông bị ám sát vào năm 1979. Chính quyền của ông được Mỹ thừa nhận, và Park quyết định rằng nếu Hàn Quốc muốn trở thành một quốc gia vững mạnh thì họ sẽ cần đến một nền kinh tế vững mạnh.

Từ đó, những mối quan hệ giữa chính phủ với khu vực tư nhân đã được thiết lập và nó vẫn còn chi phối kinh tế, chính trị Hàn Quốc cho đến tận ngày nay. Riêng với Park, ông đã thuyết phục, thao túng và thậm chí là đeo dọa các công ty phải hợp tác. Song song đó, tổng thống cũng đưa ra những gói hỗ trợ và động lực để các công ty phát triển, chẳng hạn như các khoản vay từ chính phủ hoặc nước ngoài, đơn giản hóa luật pháp và giảm thuế mạnh tay.


Năm 1963, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc được thành lập bởi các chaebol nhằm mở rộng lợi ích của họ cũng như hỗ trợ cho các hoạt động của ông Park. Đây được xem như tiếng nói của các chaebol và mục tiêu của cơ quan này là để tăng cường việc hợp tác giữa các chaebol với nhau.

Dần dần ảnh hưởng của Liên đoàn không còn mạnh như trước nhưng một thời nó đã từng được ví như “Bộ trưởng bộ kinh tế” vì quyền lực về kinh tế cũng như chính trị của mình.

Samsung và LG cũng không là ngoại lệ, 2 tập đoàn có tốc độ tăng trưởng chóng mặt và luôn nằm trong top 10 công ty Hàn Quốc, trước cả khi ông Park lên nắm quyền. Cả hai cũng không mấy hứng thú với các sáng kiến của chính phủ. Ví dụ: Lee Byung-chull, người sáng lập Samsung, và tổng thống Park không mấy ưa thích nhau. Lee nghĩ rằng Park chỉ là một kẻ du côn thiếu học thức nhưng gặp may. Trong khi đó, Park thì lại nghĩ về Lee như một công tử giàu từ trong trứng nước.

Trong quá trình Park thực thi kế hoạch phát triển kinh tế kéo dài 5 năm, cũng có những lúc chính phủ đã lấy hẳn một số công ty con trực thuộc chaebol. Ví dụ, theo lệnh của Park, Samsung đã phải nhượng lại một ngân hàng, một nhà máy phân bón và một đài phát thanh, và hầu hết những động thái này đều không nhận được sự đồng thuận của công ty.

Chính sách của Hàn Quốc khi đó cũng mang lại những hơi thở mới cho nền kinh tế quốc gia. Chẳng hạn như Hyundai, trước đó họ chỉ là một công ty xây dựng bình thường, nhưng dưới thời của Park hãng đã trở thành một chaebol. Chung Ju-yung, nhà sáng lập Hyundai, có tinh thần “hành động hoặc là chết” mà Park nghĩ rằng cần thiết cho Hàn Quốc.

Kết quả là Chung đã làm được những thứ mà người ta nghĩ rằng đó là bất khả thi. Với sự hỗ trợ của Park, Hyundai đã xây dựng tuyến đường cao tốc dài 400 km nối thủ đô Seoul với các thành phố khác trong chỉ chưa đầy 2.5 năm. Khi các chaebol bắt đầu nhìn ra thị trường quốc tế vào những năm 70, Hyundai xây dựng hẳn một xưởng đóng tàu trong khi trước đó họ chưa từng làm ra con tàu nào.

Cũng nhờ các chính sách ưu đãi cho chaebol của Park mà từ một công ty thương mại nhỏ bé, Daewoo đã có được quyền lực đáng gờm vào những năm 70 để rồi biến thành một siêu tổ hợp công nghiệp của Hàn Quốc. Cha của Kim Woo-jung - người sáng lập Daewoo - cũng chính là một trong những người cố vấn cho tổng thống Park.

Chiến lược của Park cũng giành được sự ủng hộ của nhiều người. Họ xem việc đi làm cho các chaebol cũng là đóng góp cho lợi ích to lớn của quốc gia, và đây cũng là những lời mà người ta thường dùng khi nói về chaebol. Thành công của họ cũng chính là thành công của Hàn Quốc. Với tất cả sự nỗ lực đó, đến năm 1996, GDP đầu người của Hàn Quốc đã đạt mốc 10,315 USD.

Trong thời buổi bấy giờ, vì không có một ngành giải trí truyền thống nên các vị chủ tịch hay những nhà sáng lập của các chaebol được xem như những người nổi tiếng và những vị anh hùng. Lúc đó có những tin tức về những gì mà chủ tịch làm hay không làm, rồi ảnh hưởng của họ đến nhân viên ra sao. Nhân viên của Hyundai nổi tiếng với cách kinh doanh “làm trước, nghĩ sau”, còn Samsung thì nổi tiếng vì sự cân nhắc kỹ lưỡng mọi quyết định trước khi bắt tay vào làm việc. Đến tận những năm 2015, Samsung và Hyundai vẫn được xem là hai chaebol đối lập nhau.

Tái Cấu Trúc Để Thích Nghi

Động lực lớn nhất thúc đẩy các công ty Hàn Quốc thay đổi đó là Cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các chaebol cũng như cả nền kinh tế Hàn Quốc. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện vẫn còn được tranh cãi: báo chí nước ngoài đổ lỗi cho các chaebol khi họ mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang những khu vực không liên quan mà không có lý do chính đáng, ngoài ra việc sở hữu chéo phức tạp cũng khiến việc đóng cửa các công ty con thua lỗ trở nên khó khăn. Họ cũng đổ lỗi cho các ngân hàng Hàn Quốc đã cho vay mà không kiểm tra khả năng thanh toán của các chaebol. Trong khi đó, truyền thông trong nước thì nói rằng các tổ chức tài chính đã rút khoản đầu tư không minh bạch của họ khỏi Hàn Quốc quá nhanh.

Kết quả: đồng won mất giá mạnh vào năm 1997 và Daewoo bắt đầu thất bại. Ở thời điểm cuộc suy thoái diễn ra nghiêm trọng nhất, có đến 3,500 công ty Hàn Quốc tuyên bố phá sản mỗi tháng, và trong số đó phần lớn là các chaebol mở rộng ra quá nhiều lĩnh vực không liên quan hoặc những công ty kinh doanh ở nước ngoài nhưng không hiệu quả. Hết 16 trong tổng số 30 chaebol hàng đầu cũng phải đóng cửa.

Cuối cùng, chính phủ Hàn Quốc phải thanh toán những công ty không còn có khả năng sinh lợi nhuận. Ngoài ra, một số chaebol cũng bị buộc phải bán các mảng kinh doanh phi cốt lõi cho các chaebol khác để họ có thể tập trung cải thiện hiệu quả tài chính. Ban đầu các chaebol không đồng ý, nhưng khi bị áp lực liên tục thì họ đành phải chấp nhận. Ví dụ, LG bị buộc phải bán công ty bán dẫn của mình còn Samsung thì phải bán đi mảng xe hơi. Cuộc khủng hoảng bắt đầu hạ nhiệt khi nó lan sang những nước khác và Mỹ hạ lãi suất của mình.

Sau khủng hoảng, các chaebol bắt đầu cải cách, cắt giảm chi phí hoạt động và bán bớt những bộ phận không cần thiết. Với sự tình nguyện cũng như ép buộc từ chính phủ, các chaebol bắt đầu chuyển hướng và kinh doanh tốt hơn trong những ngành hàng cốt lõi của mình – đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh so với các đối thủ khác đến từ Mỹ và Châu Âu. Chiến lược mới đã giúp Samsung và Hyundai đứng vững và tiếp tục tăng trưởng. Song song đó, các công ty con trong chaebol cũng được trao nhiều quyền tự chủ hơn.

Hiện các chaebol vẫn đang tiếp tục phát triển. Họ vẫn rất tự tin về công nghệ và kỹ thuật của mình, đặc biệt là về lĩnh vực sản xuất. Samsung và LG cũng đã và đang đầu tư chiến lược vào những lĩnh vực mà họ cho là quan trọng với tương lai của lĩnh vực công nghệ trước cả các đối thủ Mỹ hay Nhật. Hyundai thì dần định vị xe của hãng ở một cấp cao hơn, và nhờ có sự hỗ trợ của chính phủ mà SK Group tiếp tục phát triển mạnh về mảng viễn thông và liên tục thương mại các chuẩn mạng di động có tốc độ nhanh nhất thế giới, trước cả những quốc gia phát triển khác.

Các chaebol vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều người, những người tin rằng chaebol sẽ là một trong những nhân tố quan trọng với nền kinh tế Hàn Quốc và nếu có một cuộc suy thoái nữa thì có khả năng chính các tập đoàn này sẽ lại dẫn dắt đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Tạo bài viết
22 Tháng Hai 2021
Hôm thứ Hai (22/02/2021), Ủy ban An toàn Hà Lan (Dutch Safety Board - DSB) thông báo đang điều tra vụ máy bay chở hàng Boeing 747-400 gặp sự cố, khiến hàng chục mảnh vỡ động cơ rơi xuống làng Meerssen ở miền nam Hà Lan.
21 Tháng Hai 2021
Giới chức Mỹ yêu cầu kiểm tra và có thể loại bỏ một số chiếc Boeing 777 sau khi máy bay của United Airlines cháy động cơ trên không.
21 Tháng Hai 2021
40 người vô gia cư ở St. Petersburg được tiêm vaccine Covid-19 hôm Chủ nhật (21/02/2021), nhờ một sáng kiến từ thiện nhận được sự ủng hộ của các quan chức địa phương.
17 Tháng Hai 2021
Cơn khát vaccine của một số nước Châu Âu làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đang nỗ lực thể hiện mình là một đồng minh chống Covid-19 đáng tin cậy.
17 Tháng Hai 2021
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1/3 quân đội Mỹ từ chối tiêm vaccine Covid-19, bất chấp mức độ lây nhiễm đáng lo ngại.
16 Tháng Hai 2021
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành người Châu Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).