
Công ty MCST (Moscow Center for SPARC Technologies) của Nga đã phát hành vi xử lý lõi tứ Elbrus-4C, hứa hẹn cho phép Nga nuôi hy vọng giảm đi sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất bán dẫn lớn của Mỹ như Intel hay AMD.
Mặc dù mang tên SPARC nhưng Elbrus-4C lại sử dụng kiến trúc tập lệnh Elbrus ISA thay vì kiến trúc xử lý có thể thay đổi (SPARC) do Sun Microsystems phát triển. Elbrus là một kiến trúc khép kín và đặc thù, hiện chưa có nhiều thông tin về nó nhưng một tính năng khá thú vị được tiết lộ là nó hỗ trợ mô phỏng x86: khi khởi chạy, các mã nguồn chương trình x86 có thể được dịch và thực thi thông qua một máy ảo. Phương pháp tuy không nhanh bằng hỗ trợ kiến trúc x86 trực tiếp trên phần cứng, nhưng vẫn có thể giúp chương trình chạy được.

Mặc dù đáp ứng và vượt quá nhiều tiêu chuẩn về vi xử lý tại Nga nhưng Elbrus-4C không phải là một model chip quá hiện đại. Thành phần lõi tứ của nó được phát triển dựa trên quy trình 65 nm của TSMC khá cũ , trong khi các hãng sản xuất bán dẫn hiện đang hướng đến quy trình 14 nm. Chip có xung nhịp tối đa 800 MHz và cho năng lực tính toán 25 gigaflops đối với thuật toán chính xác đôi 64-bit. Theo thông số kỹ thuật, Elbrus-4C có 986 triệu bán dẫn, khá nhiều nhưng không tích hợp GPU.
Elbrus-4C cũng hỗ trợ một vài hệ điều hành. MCST hiện đang bán một chiếc máy tính PC hoàn chỉnh có tên Elbrus ARM-401, được cài sẵn một bản phân phối Linux tương thích với con chip này với tên gọi cũng là Elbrus. ARM-401 cũng hỗ trợ Windows XP hay các hệ điều hành tương thích với kiến trúc x86 khác thông qua lớp mô phỏng x86 của Elbrus-4C.
Giá bán của chiếc máy cũng như chip Elbrus-4C vẫn chưa được tiết lộ. Theo nguồn tin từ trang Kommersant thì chip sẽ có giá rẻ hơn so với sản phẩm chip tương tự đến từ Mỹ.
Trong những năm gần đây, các quốc gia như Nga và Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang xu hướng dùng các dòng chip tự phát triển thay vì tiếp tục lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Trong khi siêu máy tính mạnh và lớn nhất thế giới hiện nay là Tianhe-2 của Trung Quốc, vẫn đang dùng chip Intel, thì họ cũng đã bắt đầu chế tạo các siêu máy tính nhỏ hơn, dùng vi xử lý Loongson tự phát triển dựa trên kiến trúc MIPS. Nga cũng đã có kế hoạch tự chế tạo một siêu máy tính vào năm 2020, chưa rõ liệu chip Elbrus có được sử dụng hay không.
Gửi ý kiến của bạn