Bên cạnh những flagship như Galaxy S7 và LG G5, hay chiếc iPhone 4 inch được giới đồn đoán với tên gọi iPhone SE, iPhone 7 hoặc “iPhone Pro” cũng chiếm rất nhiều sự quan tâm của giới công nghệ và người dùng.
Ngay từ đầu năm 2016 với sự kiện CES, đã xuất hiện không ít thông tin về việc iPhone 7 sẽ loại bỏ cổng cắm tai nghe 3.5mm, hay được trang bị tính năng chống nước. Ngoài ra, điều được quan tâm nhiều nhất là về chất liệu thiết kế.
Trong năm 2016, kim loại nguyên khối, thiết kế nhôm, kính vốn được coi là nét đặc trưng của riêng iPhone đã trở nên quá phổ biến cho smartphone. Điều này cũng khiến cho iPhone đang dần mất đi lợi thế, Apple cần hướng đi mới nếu muốn tiếp tục khác biệt.
Không thể phủ nhận, Apple không phải hãng điện thoại đi đầu trong phong cách thiết kế này, cũng không phải cha đẻ của ngôn ngữ thiết kế nguyên khối, vỏ điện thoại khung nhôm. Nhưng dường như iPhone đã luôn gợi nhớ đến vỏ nguyên khối và đẳng cấp. Đây gần như là một dấu hiệu, một cách nhận diện thương hiệu liên quan tới iPhone của Apple.
Vậy sẽ ra sao nếu một ngày nào đó, phong cách thiết kế này được phổ biến ở tất cả các hãng di động trên thế giới ?
Thực tế, đã có quá nhiều smartphone nhái theo phong cách thiết kế của iPhone. Nhưng vấn đề đang được nhấn mạnh là chất liệu thiết kế. Các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc đã sử dụng rất thuần thục ngôn ngữ thiết kế này, điển hình là Xiaomi, Huawei và Oppo, với Redmi Note 3 (Xiaomi), Honor 5X (Huawei) và Oppo F1.
Chúng chẳng cần phải là cấu hình mạnh nhất, camera tốt nhất, hay giá thành tốt nhất. Mà chỉ đơn giản là có lớp vỏ kim loại nguyên khối đó, là những chiếc smartphone này đã có được lợi thế của iPhone, Apple. Ngôn ngữ thiết kế vốn là nét đặc trưng của Apple đã được phổ biến khắp nơi. Vậy, bước đi tiếp theo của Apple sẽ là gì?
Kể từ khi iPhone được ra mắt, nó đã mang triết lý là tạo nên sự khác biệt và độc đáo của riêng Apple. Luôn là thiết kế độc đáo nhất, màu sắc sang trọng, hợp xu hướng nhất, phần cứng tốt nhất, tính năng hữu ích nhất, các vật liệu cao cấp nhất, phần mềm và trải nghiệm tốt nhất, giá bán cũng phải cao nhất.
Đó là lý do vì sao trên thế hệ iPhone 6S, Apple đã trang bị cảm biến vân tay mới, tính năng thanh toán Apple Pay tiện dụng, màn hình cảm ứng lực 3D Touch vẫn còn chưa phổ biến, và thậm chí nâng hộ phân giải camera iSight lên 12 MP.
Nhưng còn về ngôn ngữ thiết kế? Đây không phải là câu chuyện của riêng Apple, mà còn là một câu hỏi chung dành cho toàn bộ ngành công nghiệp di động hiện nay.
Có thể tạm đưa ra một vài giả thuyết cho thế hệ iPhone 7. Những tin đồn gần đây chỉ ra rằng, iPhone 7 sẽ được trang bị camera kép giúp chụp ảnh góc rộng như LG G5. Vi xử lý sẽ được nâng cấp mạnh mẽ hơn, như Apple A10.
Còn vấn đề về vật liệu trên iPhone 7? Sau khi thất bại khi đưa màn hình sapphire lên iPhone 6 theo hàng loạt tin đồn trước đó, có thể Apple sẽ biến iPhone 7 thành một chiếc điện thoại siêu đắt đỏ, với màn hình siêu bền bỉ. Hoặc cũng có thể Apple sẽ sử dụng đến chất liệu vỏ gốm.
Nhưng nếu Apple vẫn muốn là lá cờ tiên phong cho các xu hướng mới, hãng buộc sẽ phải tìm được cách của riêng mình. Giới công nghệ và người dùng đang chờ đợi Apple tìm ra hướng đi mới.
Gửi ý kiến của bạn