Hạ tuần tháng 06/2016, theo kết quả của cuộc bầu chọn, người dân Anh đã đưa ra quyết định: vương quốc Anh sẽ tách khỏi khối liên minh Châu Âu EU. Đây được nhận định là thời khắc lịch sử, vì chưa từng có quốc gia nào rời khỏi EU. Từ “Brexit” đã trở thành từ khóa được tìm kiếm và chú ý nhiều nhất trên toàn thế giới.
Khi nói về lĩnh vực công nghệ, thông qua các quy định bảo vệ thông tin và công nhận nhu cầu hợp tác giữa các nước với nhau về vấn đề an ninh mạng, EU đã mang băng thông rộng đến mọi gia đình, kể cả người dân Anh.
EU cũng đã cố gắng hướng tới thị trường kỹ thuật số duy nhất, một thị trường trực tuyến liền mạch, nơi các dịch vụ kỹ thuật số có thể phát triển thịnh vượng, các ngành công nghiệp, việc làm và nền kinh tế đều được hưởng lợi. Ngoài ra, liên minh Châu Âu cũng đang trong quá trình xóa bỏ chi phí chuyển vùng, giúp người dân cảm thấy thoải mái khi đi du lịch hay làm việc giữa các thành viên trong khối.
Điều này được ủng hộ bởi cả người dùng phổ thông và các nhà mạng tại Anh vì nó đem lại lợi ích cho việc kinh doanh của họ. Và các nhà mạng hiển nhiên sẽ đứng về phía ủng hộ Vương Quốc Anh ở lại với EU.
R.Dunne, CEO của Telefonica, đã viết một bài blog trên LinkedIn: “Anh cần đặc quyền không hạn chế thâm nhập vào thị trường Châu Âu để có thể cạnh tranh hiệu quả. Nếu không, nền kinh tế của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng dù là ngắn, trung hay dài hạn”
Công ty BT ở Anh có gần một nửa doanh thu đến từ EU. Nếu Anh tách khỏi liên minh EU, chắc chắn việc kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng. Phát ngôn viên của BT cho biết: “BT luôn cho rằng triển vọng của công ty sẽ tốt hơn nếu Anh ở lại trong một EU được cải cách”
Một cuộc khảo sát do Juniper Research tiến hành với những người làm về công nghệ thông tin tại Anh cho biết, có 65% người được hỏi nghĩ rằng “Brexit” sẽ có tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu. 70% trong số này nhận định rằng các công ty công nghệ cao tại Anh sẽ khó có thể thu hút và sử dụng lao động đến từ EU.
Anh được mệnh danh là kỳ lân của giới công nghệ Châu Âu, luôn tự hào là quốc gia dẫn đầu ngành công nghệ cao tại Châu Âu, có 18 trong 47 công ty công nghệ thông tin của EU trị giá hơn 1 tỷ USD.
Trong khi đó, Google và Facebook đứng vị trí trung lập trong cuộc tranh luận. Họ chỉ đưa ra những công cụ giúp người dân bàn luận và bầu cử. Facebook một lần nữa đem nút "Tôi là một cử tri" trở lại với nước Anh và cũng làm một sự kiện live về các thành viên của công chúng đặt vấn đề cho nhân vật chủ chốt của cả hai phe, trong đó có cả Thủ tướng Anh David Cameron và Nigel Farage.
Còn Google cũng công khai niêm yết số liệu thống kê và bản đồ hiển thị tìm kiếm liên quan đến Brexit . Google và Facebook cũng có lợi ích riêng tại Anh, cả 2 đều xem London như trung tâm cho nhiều hoạt động của họ ở Châu Âu, và chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh tách khỏi EU.
Gửi ý kiến của bạn