
Hạ tuần tháng 11/2016, Google đã thành công tạo ra một thuật toán giúp phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường, vốn là căn nguyên có thể dẫn tới mù loà với người bị đái tháo đường.
Đón đầu các xu thế công nghệ của tương lai, Google đã có những đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ học sâu (deep-learning) hay trí tuệ nhân tạo (AI). Hãng công bố phát triển thành công một thuật toán dựa trên deep-learning, có khả năng phát hiện các dấu hiệu của bệnh võng mạc đái tháo đường trong bệnh nhân. Thuật toán mới sẽ hoạt động theo nguyên tắc tương tự như các chuyên gia về mắt, sẽ kiểm tra ảnh mặt sau của mắt để tìm các dấu hiệu của bệnh.
Được biết, Google đã hợp tác với đội ngũ các bác sỹ tại Ấn Độ và Mỹ để tạo ra một tập dữ liệu 128,000 hình ảnh, và dùng chúng để "huấn luyện" cho mạng lưới thần kinh nhân tạo (deep neural), một mạng máy tính và hệ thống điện toán nói chung được kết nối theo một cách nào đó nhằm mô phỏng lại một phần cách hoạt động của các nơ-ron thần kinh trong não người. Kết quả thu được là khả năng nhận diện dấu hiệu bệnh của máy tính đạt mức ngang ngửa các bác sĩ nhãn khoa.
Theo Google, thuật toán mới trong tương lai sẽ có thể giúp bệnh nhân phát hiện sớm bệnh để có thể tìm tới bác sĩ kịp thời. Công ty cũng thừa nhận còn nhiều việc khác phải làm trước khi đưa công nghệ mới vào sử dụng rộng rãi.
Theo nghiên cứu của Viện Sức khoẻ quốc gia Mỹ (National Institutes of Health), bệnh võng mạc đái tháo đường tấn công người bị bệnh tiểu đường và có thể khiến họ bị mù. Nó ảnh hưởng tới các mạch máu trong võng mạc và với các bệnh nhân tiểu đường. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân bị mất thị lực.
Bác sĩ Lily Peng cho biết trong bài đăng trên blog: “Đây là phương pháp tự động, có độ chính xác cao bởi vậy nó có thể giúp đỡ các bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu của nhiều bệnh nhân hơn. Từ đó có thể đưa các bệnh nhân đến gặp các chuyên gia nhãn khoa một cách kịp thời. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu mới sẽ là một trong số các ví dụ để demo khả năng của máy học (machine-learning) để giúp giải quyết các vấn đề quan trọng trong y tế”
Gửi ý kiến của bạn