Khoảng giữa tháng 06/2017, Takata đang hoàn tất hồ sơ để xin phá sản. Theo trang Reuters, Takata, nhà cung cấp linh kiện của Nhật Bản, sẽ có thể phá sản ngay trong tháng 06/2017. Takata phải chịu trách nhiệm cho một trong những vụ triệu hồi lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi thế giới.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là kết thúc hoàn toàn đối với Takata, vì Key Safety Systems, nhà sản xuất linh kiện của Mỹ, đang quan tâm tới việc mua lại Takata với mức giá khoảng 1.6 tỷ USD và tái cấu trúc thành một công ty mới. Được biết, công ty mới thành lập dưới danh nghĩa của Key Safety Systems dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp túi khí, đai an toàn và nhiều sản phẩm khác cho các nhà sản xuất xe hơi. Nhưng thương vụ sẽ chỉ có thể đạt được sau khi Takata hoàn tất hồ sơ xin phá sản.
Takata đã từ chối bình luận về vấn đề. Hiện nay Sở giao dịch chứng khoán Tokyo thông báo đã ngừng giao dịch cổ phiếu của Takata, sau khi có thông tin về việc hãng chuẩn bị xin phá sản.
Hồi đầu năm 2017, Takata đã bị cáo buộc làm giả thông tin trong vụ bê bối túi khí do hãng sản xuất và bị phạt 1 tỷ USD. Trước đó, Takata cũng đã thừa nhận một số bộ phận bơm phồng túi khí của hãng bị bung quá mạnh làm bắn ra các mảnh kim loại gây nguy hiểm cho người trên xe. Takata cung cấp khoảng 100 triệu sản phẩm túi khí với phần bơm bị lỗi cho nhiều nhà sản xuất xe hơi trên khắp thế giới. Hiện đã ghi nhận được ít nhất 16 cái chết và hơn 180 thương vong trên toàn thế giới liên quan đến túi khí của Takata.
Tuy nhiên, Bộ tư pháp Mỹ cho biết, hãng sản xuất đã giữ kín thông tin cho đến năm 2015. Có 3 vị giám đốc điều hành Takata đã bị truy tố gồm: Shinichi Tanaka (59 tuổi), Hideo Nakajima (65 tuổi) và Tsuneo Chikaraishi (61 tuổi). Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, cả 3 người đã bị buộc tội lừa đảo và âm mưu lừa đảo.
Hiện Takata đã đóng 25 triệu USD tiền phạt và 125 triệu USD tiền đền bù cho các nạn nhân, và vẫn còn phải đóng thêm 850 triệu USD cho đến hạn chót là đầu năm 2018, hoặc trong vòng 5 ngày sau khi được bảo lãnh.
Gửi ý kiến của bạn