Khoảng cuối tháng 06/2017, bằng cách sử dụng một loại tinh thể lỏng, đàn hồi, nhạy sáng đặc biệt, các nhà nghiên cứu tại Đại học công nghệ Tampere, Phần Lan đã phát triển thành công “mống mắt nhân tạo” có khả năng phản ứng với ánh sáng tương tự như mắt thật của con người.
Đây hiện vẫn còn là nguyên mẫu đang được phát triển. Dù vậy, nếu thành công, mống mắt nhân tạo mới sẽ không chỉ mang đến hy vọng cấy ghép cho con người, mà cả những chiếc camera trong tương lai cũng có thể sẽ được “sinh học hóa”, tự cảm nhận ánh sáng để cho ra hình ảnh đẹp và chân thật hơn.
Về cơ bản, mống mắt người hoạt động bằng cách điều chỉnh kích cỡ của đồng tử nhằm đo lường lượng ánh sáng đi vào võng mạc. Dù con người đã tạo ra các ống kính với độ mở tương tự như mắt người nhưng thực tế, nó vẫn kém hơn ở tính tự động. Thậm chí, vẫn có những chiếc camera tự động nhưng vẫn dựa vào cơ chế điều khiển vô cùng phức tạp để có thể cho ra hình ảnh đúng sáng, không bị cháy sáng.
Tuy nhiên, “mống mắt nhân tạo” mới của các nhà khoa học Phần Lan có thể tự động điều chỉnh chính nó dựa vào độ sáng của môi trường. Nó được phát triển từ một loại tinh thể đàn hồi nhạy sáng. Đồng thời, nhóm nghiên cứu còn áp dụng kỹ thuật gọi là photoalignment, nhằm cố định chính xác vị trí của các phân tử tinh thẻ lỏng theo những hướng định trước với sai số chỉ vài pico mét. Thực tế, kỹ thuật vốn đã được áp dụng trước đây trên những chiếc TV LCD để giúp cải thiện góc nhìn và độ tương phản, và cả smartphone cũng đã áp dụng công nghệ này.
Phó giáo sư Arri Priimägi, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Mống mắt nhân tạo trông có vẻ giống như kính áp tròng. Tuy nhiên, vị trí trung tâm của nó có thể mở và đóng dựa vào lượng ánh sáng tiếp cận tới nó.”
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ mới để có thể hình thành nên một thiết bị cấy ghép sinh học cho con người. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần phải tìm được cách cải thiện độ nhạy sáng của mống mắt nhân tạo, hay cũng có nghĩa là nó phải có thể đáp ứng trước sự thay đổi rất nhỏ của ánh sáng. Đồng thời, nhóm cũng phải giúp mống mắt có thể hoạt động được trong các môi trường ẩm ướt. Nếu công nghệ mới được phát triển thành công, nó sẽ mang đến nhiều hy vọng mới cho các bệnh nhân, và có khả năng thay thế cho các thiết bị cơ khí kích thước lớn, cồng kềnh của các camera cơ học như hiện nay.
Gửi ý kiến của bạn