Khoảng giữa tháng 09/2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ DHS đã ban hành một chỉ thị trực tiếp cho các ban ngành và cơ quan công quyền, yêu cầu rà soát việc sử dụng các phần mềm bảo mật của Kaspersky Lab, và tìm kiếm giải pháp thay thế trong vòng 30 ngày. Sau đó, các cơ quan, tổ chức sẽ có 60 ngày để lên kế hoạch loại bỏ phần mềm và hoạt động gỡ bỏ hoàn toàn phần mềm bảo mật của Kaspersky Lab – công ty bị nghi dính líu tới chính phủ Nga – sẽ được tiến hành trong 90 ngày tiếp theo.
Trong bản thông báo được gửi đi, DHS cho biết: “Bộ An ninh Nội địa Mỹ rất quan ngại về mối liên hệ chặt chẽ giữa một số quan chức của Kaspersky Lab và các tổ chức tình báo cùng cơ quan chính phủ Nga, nghiêm trọng hơn, những quy định theo luật pháp Nga cho phép các cơ quan tình báo yêu cầu hoặc ép buộc Kaspersky Lab phải hỗ trợ và can thiệp vào mạng lưới truyền thông của Nga”. DHS cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Nguy cơ lớn là chính phủ Nga, cho dù hoạt động độc lập hay hợp tác với Kaspersky Lab, có thể tận dụng các sản phẩm được hãng bảo mật cung cấp để xâm nhập hệ thống thông tin và thông tin liên bang, từ đó trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ”.
Kaspersky Lab đã nhiều lần bị cáo buộc là có liên hệ với chính phủ Nga. Eugene Kaspersky, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Kaspersky Lab, từng theo học tại một ngôi trường được hỗ trợ bởi KGB – Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô, hiện nay là Tổng cục An ninh Liên bang CHLB Nga. Trước đó, ông cũng đã từng hoạt động trong một tổ chức tình báo. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào về mối liên hệ giữa Kaspersky Lab và các cơ quan Nga. Một đại diện của Kaspersky Lab từng khẳng định: “Những cáo buộc nhằm vào chúng tôi dựa trên những lý do sai lầm và những giả thuyết không chính xác”
Kaspersky cho biết, với 85% doanh thu đến từ bên ngoài Nga, sẽ rất bất lợi cho công ty nếu làm việc không đứng đắng với các chính phủ nước ngoài. DHS đã yêu cầu Kaspersky chủ động liên hệ và cung cấp các bằng chứng chứng minh công ty vô tội. Hồi tháng 07/2017, Eugene Kaspersky tuyên bố sẵn sàng làm chứng trước Quốc hội Mỹ và trao mã nguồn của công ty để chứng minh công ty không có hành vi xấu.
Trong khi Kaspersky tiếp tục kêu oan trước những cáo buộc có liên hệ với chính phủ Nga, có nhiều email nội bộ đã được Bloomberg công bố hồi đầu năm 2017 cho thấy hãng bảo mật đã phát triển phần mềm cho Tổng cục An ninh Liên bang Nga. Và Kaspersky cũng là một trong những cơ quan tình báo được cho là đã cố gắng tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Kaspersky đã phản bác rằng những email đó đã có từ năm 2009, và đã được dàn dựng để phù hợp với thuyết âm mưu.
- Từ khóa :
- Kaspersky
- ,
- Nội địa Mỹ
- ,
- Công Quyền
Gửi ý kiến của bạn