Từ năm 2014, chính quyền Mỹ vẫn duy trì sắc lệnh hoãn tài trợ kinh phí cho các nghiên cứu gây đột biến gen những chủng siêu virus gây các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh SARS, bệnh than,… Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 12/2017, chính phủ Mỹ đã phần nào dỡ bỏ lệnh cấm, thay vào đó là một quy trình đánh giá mới để đưa ra quyết định có cấp phép và kinh phí nghiên cứu hay không.
Từ trước đến nay, những nghiên cứu gây đột biến virus đều gây tranh cãi với 2chiều ý kiến khác biệt, một phía cho rằng đó chỉ là thuần túy khoa học nhằm hiểu hơn về virus để đưa ra cách tiêu diệt hay phòng tránh tốt hơn, phía ngược lại cho rằng nó ẩn chứa quá nhiều rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Dưới góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu gọi những thí nghiệm dạng này là đột biến làm tăng chức năng và thực tế, nó luôn có cả những lợi ích lẫn nguy cơ kèm theo.
Cụ thể, việc gây đột biến một chủng virus ra nhiều phiên bản có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về hoạt động của các loại virus như cúm gia cầm, giải thích được vì sao chúng có thể lây từ những con chim bệnh sang con người. Nhưng nếu có một trong số những con virus đột biến bị lọt ra ngoài lây cho cộng đồng, chúng sẽ tạo nên những cơn đại dịch chết người do chính con người tạo ra. Trong khi đó, báo cáo từ STAT News cho rằng các phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ trong quá khứ đã từng không đủ sức kiểm soát những tác nhân gây bệnh như bệnh than, cúm gia cầm, Ebola, đậu mùa,…
Hồi năm 2014, NIH đã ngừng nguồn tài trợ cho các thử nghiệm tăng cường chức năng virus cho tới khi tìm ra cách kiểm soát các nghiên cứu dạng này. Đến năm 2017, cuối cùng thì họ cũng tháo dỡ quyết định vì cho rằng “nghiên cứu kiểu này có vai trò quan trọng giúp xác định, hiểu và phát triển chiến lược hiệu quả chống lại sự tiến hóa nhanh chóng của các tác nhân gây bệnh vốn lây lang, đe dọa tới sức khỏe cộng đồng.”
Trong tương lai, những nghiên cứu kiểu tương tự sẽ được nhóm các chuyên gia đánh giá trước khi ra quyết định có cấp kinh phí tiên hành hay không. Các chuyên gia có nhiệm vụ đánh giá những lợi ích và các mối đe dọa tìm ẩn, so sánh thiệt hơn và sau đó là gợi ý cách để giảm thiểu rủi ro. Quyết định mới của NIH đã một lần nữa dấy lên những làn sóng tranh cãi trong giới khoa học nói riêng và xã hội nói chung.
Nhiều chuyên gia dịch tễ học ủng hộ quyết định mới, đã dẫn ra một trường hợp hồi năm 2015, khi một nghiên cứu công bố trên Nature reviews Microbiology đã chỉ ra rằng việc tinh chỉnh DNA của virus là cách duy nhất để hiểu về cách biến đổi và ảnh hưởng cụ thể của từng gen đến chức năng của nó. Những hiểu biết là mấu chốt quan trọng để tìm hiểu tại sao virus lại kháng thuốc, hoặc cách nó đạt được khả năng nhiễm cho vật chủ.
Tuy nhiên, cũng trong nghiên cứu hồi năm 2015, giáo sư dịch tễ học Marc Lipsitch tại đại học Harvard cho rằng nó đã tạo ra một mối đe dọa rất lớn, chỉ cần một sự cố nhỏ trong phòng thí nghiệm có thể kích hoạt một cơn đại dịch giết chết hàng triệu người. Đồng thời, ông cũng cho rằng việc dùng đánh giá của một nhóm chuyên gia để quyết định nghiên cứu có được tiến hành hay không cũng chỉ là một bước tiến nhỏ trong lộ trình xây dựng cơ chế.
- Từ khóa :
- Siêu Virus
- ,
- đại học Harvard
- ,
- Thí Nghiệm
- ,
- đột biến gen
Gửi ý kiến của bạn