
Khoảng giữa tháng 03/2018, Broadcom chính thức thông báo sẽ tôn trọng ý kiến của Tổng thống Donald Trump và từ bỏ ý định mua lại Qualcomm.
Broadcom cho biết: “Dù rất thất vọng với kết quả, nhưng Broadcom sẽ tôn trọng ý kiến của Tổng thống”. Broadcom từng sẵn sàng chi ra số tiền lên đến 121 tỷ USD để mua lại Qualcomm. Nếu thương vụ xảy ra, nó sẽ trở thành thương vụ thâu tóm và sáp nhập công nghệ lớn nhất trong lịch sử, đồng thời cũng là một thoả thuận đầy rủi ro. Qualcomm đã thẳng thừng từ chối khoản tiền đề nghị.
Sau nhiều tháng thảo luận, một số cổ đông Qualcomm đã mất kiên nhẫn và công ty buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử Hội đồng quản trị mới, dẫn đến sự ra đi của Chủ tịch Dr Paul E. Jacobs. Tuy nhiên, việc từ chối lời đề nghị của Broadcom có lẽ là một bước đi đúng đắn của Qualcomm, khi xem xét những rủi ro mà thoả thuận có thể sẽ mang lại.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng thương vụ mua lại Qualcomm tiềm ẩn một mối hiểm hoạ về an ninh. Broadcom hiện có trụ sở tại Singapore, và Ủy ban Đầu tư Hải ngoại Mỹ không muốn Qualcomm trở thành một công ty thuộc sở hữu nước ngoài.
Broadcom từng cho biết ý định xây dựng các trụ sở mới tại Mỹ, và dù thương vụ không hoàn thành, Broadcom vẫn sẽ chuyển trụ sở sang Mỹ. Còn Qualcomm là công ty chuyên sản xuất vi xử lý cho các điện thoại Android, và các modem và chip viễn thông khác. Bên cạnh mảng bán dẫn, một phần đáng kể trong doanh thu của Qualcomm còn đến từ việc bán các bằng sáng chế. Tuy nhiên, Apple, Hàn Quốc và một số khách hàng quen thuộc của hãng hiện tỏ rõ ý định không còn muốn trả các khoản phí vô lý.
Broadcom cũng là một nhà sản xuất chip nổi tiếng, với vô số các con chip được lắp đặt trên đủ loại thiết bị điện tử, từ thiết bị mạng đến modem, GPU và còn nhiều thứ khác.
Gửi ý kiến của bạn